"Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than", câu hát ấy vẫn luôn cháy mãi trong tim những người con Hà Nội mỗi khi nhớ về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Ngày nay, sự ồn ào, náo nhiệt khiến "tiếng sông Hồng thở than" chẳng còn vang vọng đâu đây nữa, nhưng những ngôi nhà nhỏ, những con ngõ nhỏ thì vẫn còn đó, như ôm ấp lấy hồn cốt của mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm.
Hà Nội 36 phố phường từ Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Muối đến Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Cót… Tuy mỗi con phố đều mang một nét đặc trưng riêng nhưng khi hợp chung lại tạo nên hình ảnh một Hà Nội xưa cũ, cổ kính và rêu phong. Tuy mảnh đất nghìn năm văn hiến ngày nay đã không còn được như trước, chật hẹp lại xô bồ. Ấy vậy mà người dân cũng chẳng nỡ rời đi vì một nửa tâm hồn của họ đã gắn liền với nền văn hiến 1000 năm lịch sử.
Phổ cổ Hà Nội - nơi giao thương của vùng đất Kinh kỳ
Phố cổ Hà Nội được hình thành từ thời Lý - Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát Sông Hồng, bên ngoài là vòng thành Đại La có trổ các cửa ô.
Ở thời này, khu phố cổ giống như một “trung tâm thương mại” khi vừa tập trung đông cư dân từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ lại vừa là nơi giao thương buôn bán sầm uất.
Nằm sâu trong những con ngõ nhỏ, sâu hun hút là những hộ gia đình cùng nhau sinh hoạt trong khoảng mười mấy mét vuông
Nhiều người từng thắc mắc, tại sao các phố của phố cổ Hà Nội đều có chữ “hàng” ở phía trước. Thực ra, đây chính là đặc trưng nổi tiếng nhất của “Hà Nội 36 phố phường” khi mỗi con phố lại buôn bán các vật phẩm, hàng hóa riêng biệt và các thuyền buôn có thể vào tận giữa phố để trao đổi.
Đến thời Lê, việc giao thương lại càng phát triển hơn. Không chỉ có các mối lái trong nước mà ngay cả một số Hoa kiều cũng về phố cổ buôn bán. Từ đó, hình thành thêm các khu phố người hoa.
Đến thời Pháp thuộc, người Pháp và người Ấn cũng đến đây trao đổi hàng hóa, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, chủng tộc. Đồng thời, khu chợ lớn Đồng Xuân cũng được xây dựng từ đây.
Tận dụng từng tấc đất sinh hoạt chung để làm khu bếp núc, phơi quần áo,... đó chính là phố cổ
Phố cổ Hà Nội ngày nay: chật hẹp, xuống cấp nhưng “tấc đất tấc vàng”
Với du khách lần đầu đặt chân đến Hà Nội có lẽ sẽ bị ấn tượng bởi sự đông đúc, náo nhiệt. Và có lẽ sẽ có nhiều người tự hỏi một Hà Nội giống như trong tưởng tượng của họ đâu rồi?
Phố cổ Hà Nội ngày nay là sự chật hẹp và xuống cấp nặng nề, là những ngôi nhà siêu nhỏ, diện tích chỉ vài mét vuông hay những con ngõ chỉ đủ cho một người len vào nhiều không đếm xuể. Thậm chí, có những ngôi nhà là nơi hội tụ 3 trong 1, vừa là nơi nấu ăn bếp núc lại vừa là toilet và nhà tắm.
Cảnh tượng này có lẽ không quá khó bắt gặp trong những con ngõ nhỏ nằm sâu trong lòng Hà Nội
Bếp và khu vệ sinh cách nhau một bước chân...
Ngoài sự chật chội ấy, còn biết bao những mối nguy hiểm khác như dây điện loằng ngoằng lối đi, các công trình xuống cấp trầm trọng theo năm tháng cộng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm… Ấy vậy mà khi được hỏi tại sao không bán khu nhà này để dọn ra chỗ khác ở cho rộng rãi thì mỗi người dân lại có cho mình một lý do riêng, mà ai nghe xong cũng phải gật gù vì hợp lý quá.
Nếu bạn đã từng bất ngờ trước việc một số tuyến phố ở Hà Nội có giá đất khoảng162 triệu đồng/m2 thì bạn sẽ phải ngỡ ngàng hơn nữa khi biết rằng giao dịch thực tế có khi lên đến cả tỷ đồng/m2, sánh ngang với những “khu đất vàng” thuộc Tokyo, Paris hay New York.
Cũng theo giá đất thuộc địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015-2019 được quy định dựa trên Quyết định số 96 năm 2014 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, 3 tuyến đạt “quán quân” giá đất niêm yết với mức cụ thể 162 triệu đồng/m2 gồm có Hàng Đào, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ. Đinh Tiên Hoàng, Hàng Gai, Hàng Đường (120 triệu đồng/m2), Hàng Bông, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Tràng Tiền (116 triệu/m2).
Những bậc thang này có lẽ cũng có tuổi đời lên đến cả chục, thậm chí cả trăm năm, nhưng ở đây cứ từng cục gạch, cái vách cũng đáng giá vô cùng.
Hệ thống dây điện chằng chịt, ánh sáng mờ mờ cả đêm lẫn ngày ở những bậc thang cũ
Theo khảo sát, các tuyến phố Hàng Bài, Đồng Xuân, Nhà Thờ, Lý Thường Kiệt, Lương Văn Can, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ), Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo) cùng có giá 112 triệu đồng/m2. Còn các tuyến phố khác như Hàng Điếu, Hàng Bạc, Hàng Cân, Hàng Giấy, Hàng Trống, Thuốc Bắc… đều có giá đất đạt trên 100 triệu đồng/m2.
Song, đắt đỏ là thế nhưng không phải cứ có tiền là mua được đất ở phố cổ đâu, vì chẳng ai muốn bán cả. Thật không ngoa khi nói rằng người dân ở phố cổ chỉ cần ngủ dậy là đã “hái ra tiền” bởi các tuyến phố “nghìn năm văn hiến” chính là một “công cụ kinh tế” chủ lực dễ dàng và nhanh chóng nhất chẳng gì có thể sánh bằng.
Ngoài việc sử dụng mặt bằng để kinh doanh buôn bán họ còn có thể cho thuê với thu nhập trung bình rơi vào khoảng 30-70 triệu đồng. Chưa kể, từ khi tuyến phố đi bộ cuối tuần được mở ra thì công việc kinh doanh lại càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 chiếc xe máy...
Đây cũng là một trong những lý do dân phố cổ dù có khổ đến mấy, chật chội đến mấy, dù đằng sau những cửa hàng mặt phố hào nhoáng, tập nập là hình ảnh tối tăm, ẩm thấp, dù đã có rất nhiều chính sách di dân thì hầu hết mọi người vẫn cố sống, cố chịu đựng để mưu sinh.
Sống chật chội nhưng dân phố cổ Hà Nội không muốn rời đi
Tuy việc tư lợi về tiền bạc, vật chất là khó có thể phủ nhận nhưng một điều mà trong sâu thẳm những người con Hà Nội vẫn luôn thương nhớ, đó chính là hình ảnh mảnh đất Kinh kỳ xa xưa, cổ kính rêu phong chẳng đâu thay thế được. Họ quyết bám trụ trong những con ngõ dài hun hút, trong những căn nhà dăm mét vuông cũng chỉ vì muốn sống trong lòng Hà Nội, giữ cho được cái hồn cốt tinh hoa được đúc kết cả nghìn năm qua.
Nơi đó có những tháng ngày chìm trong khói lửa, bom đạn chiến tranh nhưng vẫn quật cường và những giai thoại khi trầm khi bổng của lịch sử mà những cụ ông, cụ bà ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn hào sảng kể lại mỗi khi ai đó nhắc tới. Bởi vậy, họ không muốn rời đi vì một lý do rất đơn giản nhất: “Đây mới chính là nhà”.
Vì chật chội nên từng mét đất đều được người dân tận dụng, đồ đạc cũng sắp xếp tối đa nhất có thể
Phố cổ ngày nay vẫn lưu giữ được những nét truyền thống mà người ta không bao giờ tìm thấy được ở nơi khác. Chẳng hạn, cứ dịp trung thu đến là người ta lại muốn kéo nhau lên phố Hàng Mã để ngắm hàng trăm loại đèn lồng lớn nhỏ. Hoặc chỉ cần thèm một chút chua chua, ngọt ngọt của ô mai thì lại nhớ ngay đến cái tên Hàng Đường quen thuộc. Những thứ như thế, đã trở thành truyền thống, trở thành đặc trưng không bao giờ có thể hoà lẫn với bất cứ nét hiện đại nào ở các đô thị lớn.
Phố cổ Hà Nội tầm xế chiều còn đặc biệt hơn gấp bội phần. Chỉ cần rảo bước quanh Hồ Hoàn Kiếm là bạn sẽ nhìn thấy được muôn vàn màu sắc của cuộc sống. Một người đàn ông cởi trần cầm chiếc quạt nhỏ phe phẩy ngoài cửa, một đôi nam thanh nữ tú nắm tay nhau bước đi trong cái nắng cuối ngày, một nhóm các cô, các bà đứng tập dưỡng sinh, các bạn trẻ đứng tập nhảy, trượt pa-tin, các em nhỏ tung tăng cười đùa trên phố hay giản dị hơn là vài tiếng chanh chua của các bà chủ khó tính nhưng nếu không nghe thấy thì lại cảm giác thật trống vắng như thiếu đi thứ gì đó thân thuộc.
Đằng sau một Hà Nội hào nhoáng, ồn ào là những con ngõ dài đến bất tận như thế này đây
Khi đêm xuống cũng là lúc thành phố lên đèn. Phố cổ bỗng nhiên trở thành một sân khấu khổng lồ và người dân thì trở thành ca sĩ. Dưới ánh đèn đường, từng nhóm nghệ sĩ từ truyền thống đến hiện đại, từ ca hát đến nhảy múa, từ khách tây đến khách ta…Tất cả đều hòa quyện vào nhau tạo thành một Hà Nội chẳng của riêng ai, không lạc lõng, không rời rạc mà lại vô cùng nồng nàn và bình dị.
Nếu như Sài Gòn khiến người ta ao ước về một cuộc sống hiện đại và sôi động thì du khách tìm đến phố cổ chỉ để một lần được sống trong hoài niệm về một thời kỳ hào hùng, vẻ vang. Có lẽ, bấy nhiêu lý do trên đã đủ để mọi người hiểu được rằng tại sao phố cổ chật chội, nhếch nhác, cơ sở xuống cấp đến vậy mà người dân vẫn cố bám trụ đến cả nghìn năm. Và ngay cả bạn, ngay cả tôi - mỗi khi muốn ra Hà Nội để du lịch, thì cũng phải qua ngay Phố Cổ mà check in cái đã, đúng không nhỉ?
Thực hiện: Khánh Ly – Nguyễn Phượng
Hình ảnh: Việt Bull