CNN đăng tải, giới chức y tế Hà Lan vào ngày 30/11 cho biết, biến thể Omicron đã xuất hiện ở quốc gia này sớm hơn những gì họ nghĩ. Theo đó, trước khi 2 chuyến bay đến từ Nam Phi có mang theo virus hạ cánh tại Hà Lan, biến thể này đã có mặt tại đây được 1 tuần.
Các bác sĩ tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: CNN)
Viện Sức khỏe Cộng đồng và Môi trường Quốc gia (RIVM) Hà Lan hôm 30/11 cũng cho hay, Omicron được xác nhận có trong 2 mẫu xét nghiệm Covid-19 lấy vào ngày 19/11 và ngày 23/11. Trong khi đó, ông Chantal Reusken - nhà virus học RIVM – chia sẻ với Đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS rằng: “1 trong 2 người này rất có thể đã nhiễm virus ở Hà Lan. Tuy nhiên, cụ thể chính xác như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền vẫn đang điều tra".
Các nhà chức trách trước đó cũng tin rằng, các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên đã đến vào ngày 26/11 vừa qua, sau khi 14 người trên các chuyến bay từ tỉnh Johannesburg và Capetown (Nam Phi) nhận kết quả xét nghiệm dương tính.
Biến thể Omicron (tên gọi khác: B1.1.529) sở hữu số lượng đột biến đặc biệt cao, từ đó làm dấy lên lo lắng rằng, nó có khả năng kháng lại vaccine và khiến đại dịch nghiêm trọng hơn. Tại Hà Lan, 2 trường hợp mới được phát hiện đã nâng tổng số ca nhiễm Omicron ở quốc gia này lên 16. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 20 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm có biến thể Omicron, mới đây nhất là Brazil.
Omicron là biến thể được quan tâm nhất những ngày qua. (Ảnh: Reuters)
Bên cạnh đó, ít nhất 70 quốc gia cùng vùng lãnh thổ đã bắt đầu áp đặt các lệnh hạn chế di chuyển từ một số quốc gia Châu Phi sau khi biến thể này được các chuyên gia Nam Phi xác định. Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia y tế nhận định, việc hạn chế đi lại chỉ có tác dụng làm chậm sự ra đời của 1 loại biến thể mới hoặc loại virus trong vài tuần.
CNN cho biết thêm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần bày tỏ sự quan ngại về việc ban lệnh hạn chế đi lại có thể làm tổn thương nền kinh tế thế giới. Cũng trong ngày 30/11, WHO cho hay: Các lệnh cấm hoàn toàn không "ngăn chặn được sự lây lan quốc tế" và nó có thể "tạo gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế”. Qua đây, WHO tiếp tục kêu gọi các nước tránh áp dụng lệnh cấm du lịch.
Ông Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO khu vực Châu Phi – chia sẻ: “Việc thực hiện các lệnh cấm di chuyển nhằm vào Châu Phi đã tấn công sự đoàn kết toàn cầu. Căn bệnh Covid-19 liên tục chia rẽ chúng ta. Nếu cùng nhau tìm ra giải pháp, chúng ta sẽ ứng phó với nó tốt hơn”.
Nhật Bản là 1 trong những quốc gia tăng cường việc đóng cửa biên giới. (Ảnh: The Japan Times)
Về ca nhiễm mới nhất ở Brazil, Straits Times đưa tin, Cơ quan Quản lý Y tế Brazil (Anvisa) xác nhận vào ngày 30/11 rằng, quốc gia này ghi nhận 2 F0 đầu tiên liên quan đến Omicron. Đây cũng chính là ca nhiễm đầu tiên ở Châu Mỹ Latin.
Hiện, các nhà khoa học trên thế giới đang gấp rút điều tra xem Omicron - với nhiều đột biến hơn đáng kể so với những chủng trước đó - có mức độ nguy hiểm và tốc độ lây nhiễm đến đâu, hoặc có khả năng kháng vaccine hay không... Dự kiến kết quả sẽ có trong vài tuần tới. Và dù kết quả ra sao, mọi người hãy chú ý tuân thủ các quy định phòng dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Đón xem tin tức mới nhất trên YAN!
CHUYÊN GIA Y TẾ ĐỨC: OMICRON CÓ THỂ SẼ GIÚP DỊCH COVID-19 KẾT THÚC SỚM HƠN
Trang Standard vừa qua đã dẫn lời nhận xét của ông Karl Lauterbach – chuyên gia dịch tễ nổi tiếng tại Đức. Vị Giáo sư này cho rằng, Omicron là 1 biến chủng khá bình thường, thậm chí còn có thể khiến đại dịch kết thúc sớm hơn.
Được biết, các vấn đề liên quan đến biến chủng Covid-19 mới luôn được khá đông chuyên gia tại nước ta quan tâm. Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam – chia sẻ với VnExpress: "Khả năng lây nhiễm cao của Omicron có thể dẫn tới quá tải bệnh viện, nhiều người mắc chuyển nặng hoặc nghiêm trọng nếu không được can thiệp y tế kịp thời". Chính vì vậy, bà con cần chủ động chấp hành quy định 5K và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.