“Ông lớn” K-Pop điêu đứng vì “gà” phá hợp đồng

16:00 28/11/2014

Sau bao nhiêu năm đế chế K-Pop oanh tạc khắp châu Á, liệu có hay không một làn sóng thành viên tháo chạy khỏi các nhóm nhạc kéo theo sự đi xuống của nền giải trí xứ Hàn?

Thành viên tách nhóm là tẩy chay công ty quản lý?

"Hãy để cho Kris thực hiện ước mơ của anh ấy", "Luhan bỏ đi là đúng", "SM là công ty hút máu", "tẩy chay SM" v.v... là những ý kiến từ fan xuất hiện đầy rẫy trên cộng đồng mạng. Có thể thấy rõ, khi bất cứ sự cố nào xảy ra, ca sĩ luôn nhận được sự đồng tình tuyệt đối từ người hâm mộ, và ngược lại, công ty quản lý sẽ là nơi bị trút hết mọi căm phẫn. Đối với fan thì sự thành công chỉ có thể là định nghĩa bởi "thần tượng tài năng" chứ không bao giờ là do nhà quản lý giỏi, thế nên khi dấu hiệu sụp đổ xảy ra thì người được bảo vệ cũng vẫn là ca sĩ.


	
	EXO
EXO

Lẽ đương nhiên, trong thực tế fan chỉ luôn biết đến vẻ hào nhoáng thu hút của các thần tượng, còn vai trò quản lý phía sau thì ít ai ngó ngàng đến. Ủng hộ thành viên tách nhóm và chỉ trích công ty quản lý là điều luôn luôn diễn ra, một khi thần tượng đã quyết dứt áo ra đi. Tuy nhiên, khi tình trạng này ngày càng bùng phát trong năm 2014, đã khiến nội bộ các fanclub xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau. Họ dần nhận ra rằng, bất kỳ nhóm nhạc nào, dù lớn mạnh đến đâu cũng sẽ có nguy cơ tan rã bởi chuyện lục đục thành viên, vậy liệu có nên mạnh miệng ủng hộ việc ca sĩ phá vỡ hợp đồng.


	
	Dàn sao “khủng” của “ông lớn” SM Town
Dàn sao “khủng” của “ông lớn” SM Town

Một bộ phận khán giả sáng suốt đã nhận ra rằng, đối với thi trường K-Pop thì nguồn gốc cho mọi sự tỏa sáng đều bắt nguồn từ công ty quản lý. Nếu không có họ, sẽ không có ai tạo ra ngôi sao và gắn nó lên bầu trời K-Pop. Sự ra đi ồ ạt của các thành viên được hậu thuẫn bởi người hâm mộ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến bộ máy hoạt động của các công ty quản lý, và nếu họ không thể vận hành tốt thì làm thế nào để có thể tiếp tục sản xuất ra các nhóm nhạc thần tượng (Idol Group) đỉnh cao, cũng như duy trì nó lâu dài?

Điển hình như SM Entertainment, các thành viên rời nhóm ngày càng nhanh, chóng vánh nhất là sự cố EXO khi nhóm nhạc này chỉ vừa mới ra mắt 2 năm, và thật sự thành danh một năm trở lại đây. Chuỗi scandal từ Hangeng (Super Junior), JYJ (DBSK), Suli (F(x)), Kris, Luhan (EXO) được cho là gây nên sự xáo trộn khiến SM phải tung ra nhóm mới - Red Velvet trước thời gian dự định, kết quả nhóm bị đánh giá là chưa đạt độ chín muồi, mặc dù SM có lịch sử đào tạo sao hạng A+ vô cùng đáng nể.

Việc giá trị cổ phiếu SM liên tục bị khuynh đảo bởi các học trò, cùng những tháng ngày dài đằng đẵng đối phó với kiện tụng và truyền thông, chắc chắn đã khiến ekip công ty này không còn tập trung tốt vào các sản phẩm âm nhạc, thậm chí là có dấu hiệu cắt giảm đầu tư và ép non sự ra đời của nhóm mới. Nếu tình trạng này được tiếp diễn, thì K-Pop liệu có dần hướng về đường lối "mì ăn liền" nhiều hơn là những thành phẩm đỉnh cao đích thực?

Trách nhiệm, bổn phận và đâu mới thực sự là ước mơ?

Trước thực tế, ngày càng có nhiều thành viên phá bỏ hợp đồng dứt áo ra đi với cùng một kịch bản, khiến công chúng phải hoài nghi: Liệu cái lý do họ đưa ra có đáng tin? Vì ai cũng cần phải có một lý do để quyết định quay lưng. Tất cả mọi tranh chấp suy cho cùng cũng chỉ xoay quanh các vấn đề về quyền lợi, sức khỏe và ước mơ. Về quyền lợi, lẽ hiển nhiên bất cứ ngôi sao nào khi tự phát triển sự nghiệp solo, cũng sẽ nhận được khoản % lớn hơn hẳn so với thời còn dưới trướng công ty quản lý, vậy họ có đặt nặng chuyện tiền bạc cá nhân lên hàng ưu tiên khi quyết định từ bỏ nhóm nhạc? 


	
	Jessica vừa ra khỏi SNSD
Jessica vừa ra khỏi SNSD

Về cách chia lợi nhuận ở mỗi nơi đều khác nhau, không có quy chuẩn chung, và vấn đề là mọi thực tập sinh đều đồng ý ký hợp đồng khi chưa có tên tuổi, nhưng lại thấy nó "bất hợp lý" một khi đã trở thành ngôi sao.

Về khía cạnh sức khỏe, một trong những lý do khá "ăn khách" ở bất kỳ cuộc chia ly nào, số đông các fan thường đưa ra những nhận định: "Oppa bị ép làm việc đến mức nguy kịch", "tim của A đang trong tình trạng rất xấu, hãy giải thoát cho anh ấy, sức khỏe là trên hết" v.v... Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến phản bác lại các luận điểm bênh vực trên, chẳng hạn như: Dù luôn ca thán rằng không đủ sức khỏe để tiếp tục hoạt động cùng nhóm, thế nhưng ngay sau khi tách ra solo, đa phần các ngôi sao đều hì hục chạy show riêng từ âm nhạc, điện ảnh, quảng cáo, họp fan vòng quanh châu Á v.v... Dường như, chưa có bất kỳ một ngôi sao thần tượng nào dành thời gian vào viện tĩnh dưỡng, cho dù trước đó họ luôn được cho rằng đã "rất yếu" rồi. 


	
	SNSD
SNSD

Mặt khác, công chúng cũng đưa ra giả thuyết: Liệu công ty quản lý có thật sự ngông cuồng đến mức đẩy tình trạng sức khỏe của "gà nhà" đến bờ vực? Trong khi hơn ai hết họ phải hiểu rằng: chỉ cần ca sĩ ngất xỉu, cấp cứu, những điều không thể che giấu trước hàng triệu người hâm mộ, nếu bị vỡ lở chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến tình hình kinh doanh, thậm chí là sự tồn tại của họ?

Trong năm 2014, Luhan rời EXO một phần lý do vì "muốn thực hiện ước mơ diễn xuất", trong khi Jessica bất ngờ nảy sinh vấn đề với SNSD cũng từ "niềm đam mê thời trang" cháy bỏng, Lee Joon cũng dừng con đường sự nghiệp với MBLAQ để đi làm diễn viên, vậy điều gì đã xảy ra với niềm đam mê ca hát thuở ban đầu? Nó có còn là ưu tiên số 1, khi người hâm mộ bỗng dưng thấy ca sĩ đứng lên đấu tranh vì một giấc mơ khác? Thuở chưa là gì, họ chỉ có 1 mơ ước là ca hát, được tuyển chọn qua hàng trăm thành viên để vào 1 nhóm nhạc, và vượt qua rất nhiều nhóm khác để thành công, cho đến khi đạt được danh tiếng thì lại bắt đầu nảy sinh nhiều lựa chọn hơn.

Tạm kết

Chưa bao giờ vấn đề thành viên tách nhóm ở K-Pop lại trầm trọng như trong năm 2014, nó có thể làm xáo trộn đường lối đầu tư của các công ty quản lý, khi các thành viên có thói quen từ bỏ nhóm quá nhanh, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của cả dự án và khả năng đi đường dài ngày càng mong manh. Một khi ca sĩ cảm thấy không còn bổn phận và trách nhiệm đối với khán giả, công ty quản lý, cũng như các thành viên khác, những người đã đưa họ từ con số 0 đến vị thế một ngôi sao, thì tất thảy cũng sẽ dần mất đi cảm hứng để tạo nên lớp thần tượng cho tương lai. Thay vào đó, thị trường chỉ còn là câu chuyện về tiền bạc, lợi nhuận bên những lô hàng âm nhạc mì ăn liền.