Ở cái tuổi xế chiều, thay vì chọn cuộc sống an nhàn bên con cháu, nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan vẫn ngày đêm tất bật với các lớp học dành cho trẻ em bị khuyết tật và hội chứng Down.
Đối với nhiều người, cô Loan không chỉ là một bà giáo già dạy võ cho trẻ em khuyết tật, mà còn là một bà tiên, mang cả tình yêu thương và lòng vị tha để giúp các em mở lòng mình với thế giới rộng lớn.
Cơ duyên mang Aikido đến với những đứa trẻ khuyết tật tại Sài Gòn.
Cô Loan là một trong số ít những người bắt đầu học Aikido từ khi môn võ này mới du nhập vào Việt Nam năm 1958. Năm 2005, khi Sở Văn hóa Thể Thao Thành phố Hồ Chí Minh mở hội võ thuật dành cho người khiếm thị tại Sài Gòn, với mấy chục năm trong nghề, cô được tin tưởng mời về làm Trưởng bộ môn Aikido dành cho người khiếm thị lúc bấy giờ.
Đã ngoài 70 tuổi nhưng cô Loan vẫn ngày đêm miệt mài dạy võ cho trẻ em khuyết tật
Aikido là môn võ thiên về tự vệ, không tập trung sử dụng các đòn đấm đá, không thi đấu đối kháng mà coi việc chiến thắng bản thân mới là điều quan trọng nhất. Những ai quan tâm đến Aikido đều biết, môn võ này rất chú trọng lễ nghĩa, là môn võ của sự hòa hợp, lấy yêu thương làm nền tảng. Chính vì thế, dạy Aikido cho các em là không chỉ dạy về tôn sư trọng đạo, về cách cư xử đúng sai, mà cũng chính là dạy cách các em biết vượt lên nghịch cảnh để chiến thắng bản thân mình.
Những ngày đầu cô Loan gặp nhiều khó khăn vì chưa bao giờ dạy võ cho người khiếm thị, cũng không có một giáo án riêng biệt nào. Cô trăn trở suy nghĩ dù khó nhưng vẫn phải dạy các em tập được những bài tập như các võ sinh bình thường. Chỉ có như thế mới giúp các em tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm bất ngờ.
Cô Loan tận tình với từng đứa trẻ trong lớp học đặc biệt này
Đối với các võ sinh đặc biệt này, cô Loan chia sẻ rằng: “Không được nóng vội, phải dạy từ từ từng chút một như ly nước mỗi ngày nhẫn nại nhỏ từng giọt thì sẽ có lúc đầy, một ngày không được thì một tháng, một năm… Lời nói bình thường không được thì cảm hóa bằng tình thương”. Cứ thế, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ trẻ khiếm thị, đến câm, điếc rồi cả thiểu năng, Down, ngày càng nhiều các em tìm đến cô như tìm đến thứ ánh sáng của hi vọng, để soi rọi những cuộc đời có quá nhiều góc khuất.
Trong bộ võ phục Aikido, không ai nghĩ người phụ nữ có dáng đi nhanh nhẹn và nụ cười đầy hào sảng này đã 71 tuổi. Cô tâm sự: “Phụ nữ bình thường đến tuổi tứ tuần đã bắt đầu lo lắng vì phải tầm soát đủ thứ bệnh. Nhưng đến giờ cô 71 tuổi rồi mà vẫn khỏe được như này đều là nhờ Aikido đó. Vậy nên cô muốn dạy cho các bạn ở đây cách chiến đấu với bệnh tật, sống khỏe rồi còn hòa nhập với mọi người nữa”.
“Cô yêu thương” và lớp học võ đặc biệt thay đổi những mảnh đời bất hạnh
Đến với lớp học đặc biệt của cô Loan vào một buổi sáng thứ tư tại lầu 2 của Trung tâm Thể dục thể thao Phú Thọ, người ta dễ bị ấn tượng bởi các em võ sinh ở đây. Có em bị khiếm thị, bị câm, điếc, có em đi còn không vững, hay thậm chí có em theo như cô nói, dù lớn người nhưng tâm trí vẫn cứ như những đứa trẻ đang tuổi tập ăn tập nói.
Cô Loan mong muốn có thể dạy em cách chiến thắng chính bản thân mình
Dạy võ cho người bình thường đã khó, dạy cho trẻ em khuyết tật còn vất cả hơn bội phần. Em N. (ngụ tại quận Tân Bình) theo học cô 4 năm nay đã đạt được mức đai xanh 1. Đó là mức độ với người bình thường chỉ cần khoảng 3 tháng là đạt được nhưng với một đứa trẻ 13 tuổi, mắc chứng thiểu năng bẩm sinh như N. lại là cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Hơn thế nữa, đó còn là sự kiên trì, nhẫn nại của cô Loan cùng người mẹ mỗi ngày đều theo em đến lớp.
Chị C. – mẹ em N., chia sẻ: “ Mỗi lần chỉ vào cô Loan, N. đều bảo rằng đó là "Cô yêu thương", vì lớp cô Loan là Aikido – Thế giới là yêu thương nên từ khi bắt đầu học, cháu đã luôn gọi cô bằng cái tên như thế. Nhờ cô mà bây giờ cháu đã chịu tiếp xúc và nói chuyện với mọi người xung quanh”.
Các em võ sinh trong lớp đều gọi cô với cái tên đặc biệt tình cảm: "Cô yêu thương"
Cõ lẽ chẳng lớp võ nào mà cô giáo phải đi dỗ dành, năn nỉ và động viên từng em vào tập như thế. Có em đang tập bỗng nằm vật ra, có em lại tự dưng bỏ lớp ra một góc ngồi mơ màng gì đó,… Thậm chí có em lại cáu gắt và đánh bạn. Mỗi lần như thế, cô Loan lại kiên nhẫn cầm tay từng em chỉ dạy từng chút một. Mỗi em là mỗi hoàn cảnh, mỗi khó khăn, mỗi khiếm khuyết riêng trên cơ thể. Nhìn vào sự tận tâm và tình yêu thương cô dành cho các em, người ta càng thêm khâm phục tấm lòng cao thượng ở “Cô yêu thương” này.
Và còn nhiều, nhiều nữa những bạn như N., ngày đầu tới lớp còn thu mình ngồi yên một góc, nhưng sau một thời gian gặp ai cũng có thể nói chuyện và tươi cười. Có thể thấy, với những đứa trẻ như thế này, thước đo thành công không phải là màu đai được đeo ở áo, mà chính là sự hòa nhập của các em với những người xung quanh, là những nụ cười, những câu chuyện được kể bằng giọng nói còn ngọng líu ngọng lo, hay thậm chí là những giọt nước mắt hạnh phúc của bố mẹ các em.
Ở lớp học này, còn một điều đặc biệt nữa khiến người ta phải xúc động, đó chính là tình yêu và sự hi sinh của những ông bố, bà mẹ dành cho con mình. Đều đặn mỗi tuần đưa con tới lớp, ngồi chăm chú theo dõi từng bài tập của con, khi thì thắt lại đai cho con, khi thì lấy khăn lau mồ hôi, thậm chí có những động tác khó còn vào sân tập cùng con...
Chính cô Loan cũng tâm sự rằng, cô phải gửi lời cảm ơn rất nhiều đến những vị phụ huynh đã tin tưởng cô, đã bên cạnh đồng hành cùng cô và các em trên con đường quá nhiều khó khăn và gian nan này.
Yêu thương lan tỏa, nhiều lớp học tình thương ra đời.
Sau nhiều năm dạy dỗ các em, cô nhận thấy chỉ dạy võ thôi thì chưa đủ, cô muốn các em không chỉ hòa nhập mà còn có thể làm được những điều có ích cho xã hội. Nhìn những học trò của mình đi học trong các trường dành cho trẻ đặc biệt mà đến lớp 3, lớp 4 vẫn chưa biết đọc, cô lại đau đáu việc tìm cách nào đó để các em có thể theo kịp bài vở với các bạn ở lớp. Thế là những lớp tập đọc, tập viết, rèn chữ đẹp, học tiếng Anh… lần lượt ra đời.
Lớp học bơi cô Loan mới mở dành cho những đứa trẻ đặc biệt
Một tuần 7 ngày thì hầu như ngày nào cô cũng bận rộn với các lớp học của mình. Nhưng cô không đơn độc trên con đường ấy, chồng cô – võ sư Đặng Văn Phát luôn đồng hành cùng cô trên mỗi chặng đường. Không những thế, những hạt mầm yêu thương giờ đây đã nảy nở và lan tỏa, nhiều nhà hảo tâm, thiện nguyện và cả bạn bè cũng tình nguyện giúp đỡ cô đưa các em hòa nhập cuộc sống. Những người bạn nước ngoài, nghe về câu chuyện của cô cũng tình nguyện đến dạy tiếng Anh cho các em.
Trò dưới nước bơi đến đâu thì trên bờ cô cũng đi theo từng bước đến đây
Không chỉ dạy văn hóa, cô còn trăn trở dạy thêm cho các em nhiều kĩ năng cần thiết để hạn chế rủi ro nhất có thể. Chia sẻ về lớp học bơi mới mở, cô nói vui: “Cô cố gắng dạy các em bơi được chừng 50m thôi, vì thuyền có lật mà các em bơi được 50m thì có thể vào bờ sống sót rồi”. Trò ở dưới nước bơi đến đâu thì trên bờ, cô cũng đi theo từng bước đến đấy: “Tiếp tục đi con”, “cố lên”, “sắp tới rồi”. Xen lẫn giữa tiếng cổ vũ là ánh mắt hạnh phúc và đầy tự hào của cô về những học trò ngày càng tiến bộ của mình.
Rồi mai đây, sẽ không còn những vỏ bọc hay cánh cửa vô hình nào có thể ngăn cản những đứa trẻ này bước đến thành công trong tương lai. Bởi bên cạnh đã luôn có cô, người mẹ thứ hai luôn đủ tình yêu thương, đủ kiên nhẫn và vị tha đi cùng chúng khám phá thế giới rộng lớn này. Cuộc sống luôn chất chứa những điều kì diệu như thế, và cô chính là điều kì diệu nhất mà các em đã may mắn có được.