Nữ thực tập sinh Việt tử vong ở Nhật và câu chuyện người trẻ xa xứ đến Nhật chỉ để "chết"

12:30 25/02/2019

Cái chết của nữ thực tập sinh này như hồi chuông cảnh báo cho thế hệ trẻ đang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật.

Nữ thực tập sinh này chính là Nguyễn Thị T., 36 tuổi, đến Nhật Bản để học tập và làm việc. Chị được bạn cùng phòng phát hiện đã tử vong tại phòng riêng khi vẫn đang nằm trong chăn. Theo phỏng đoán ban đầu, nguyên nhân cái chết có thể do cường độ làm việc quá cao, dẫn đến đột quỵ.


Bài vị của T. được các nhà sư ở Nisshinkutsu đưa về quê nhà Bắc Giang
Bài vị của T. được các nhà sư ở Nisshinkutsu đưa về quê nhà Bắc Giang

Ngày 19/2, các nhà sư tại ngôi chùa Nisshinkutsu, thuộc quận Mintao, thủ đô Tokyo cũng đã đến thăm gia đình nữ sinh quá cố tại thành phố Bắc Giang và mang bài vị của chị về cho gia đình. Nisshinkutsu là ngôi chùa lưu giữ bài vị của rất nhiều người trẻ Việt tử vong tại Nhật. Những nhà sư ở đây cho biết, họ muốn đến Việt Nam thăm gia đình những bạn trẻ bỏ mạng tại Nhật để biết tại sao họ lại chọn học tập, làm việc nơi xứ người rồi để những áp lực nơi đây giày vò mình đến chết.

Trước T, còn rất nhiều trường hợp những thực tập sinh, tu nghiệp sinh Việt tại Nhật từng bỏ mạng nơi xứ người vì làm việc quá sức, sức khỏe suy kiệt, hoặc chưa cần để cơ thể lên tiếng, họ đã tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi áp lực. 


Con số du học sinh người Việt tại Nhật ngày càng tăng qua các năm
Con số du học sinh người Việt tại Nhật ngày càng tăng qua các năm

Đó là trường hợp tu nghiệp sinh người Việt khác qua đời ở tuổi 31 do suy tim cấp tính. Đó là một cậu thực tập sinh ra đi khi chỉ mới 20 tuổi, được bạn cùng phòng phát hiện đã chết khi cố đánh thức cậu vào sáng hôm sau. 

Hay trường hợp một tu nghiệp sinh Việt Nam quyết định tự sát sau một thời gian làm công việc liên quan đến sơn vẽ hồi 7/2018. Trước khi trút bỏ mạng sống, người này để lại thư tuyệt mệnh cho công ty nơi đang làm việc, cho em trai hiện cũng sống tại Nhật Bản, và cho cả gia đình ở Việt Nam.

"Đau đớn lắm, ở đây tôi phải chịu đựng bạo hành và bắt nạt", bức thư tuyệt mệnh có đoạn.

Trước đó, người này đã gọi điện tâm sự với em trai: "Anh cô đơn lắm. Anh chỉ toàn uống bia một mình thôi". Ngay ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác người thanh niên trong tư thế treo cổ tại một con sông. 

Tại ngôi chùa Nisshinkutsu, người ta đếm được 81 bài vị của những người Việt Nam, qua đời từ năm 2012 cho tới cuối tháng 7/2018. Sư cô Thích Tam Tri, đến Nhật Bản từ năm 2000 cho biết, tại chùa, sư cô cũng thường tiếp nhận những bạn trẻ tìm đến để xin lời khuyên về áp lực công việc, cuộc sống. Còn với những trường hợp những bạn trẻ tử vong, các nhà sư sẽ siêu độ để họ ra đi thanh thản hơn.


Bài vị của người Việt tại đền Nisshinkutsu
Bài vị của người Việt tại đền Nisshinkutsu

"Tu nghiệp sinh và sinh viên kỹ thuật bị căng thẳng thần kinh rất nhiều, một phần bởi rào cản ngôn ngữ. Họ bị thiếu dinh dưỡng do thường ăn mỳ cốc để tiết kiệm tiền. Họ làm việc quá cực nhọc và hệ quả là nhiều trường hợp gặp bất ổn cả về thể chất lẫn tinh thần", sư cô Thích Tam Tri cho biết.

Dù chưa đặt chân đến Nhật, nhưng hẳn không ai không biết đến những áp lực mà một du học sinh phải chịu khi đặt chân đến đây. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, họ phải chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm hết mức có thể. Những bữa ăn được tối giản, không đủ dinh dưỡng trong khi ai cũng phải tất bật với đủ thứ công việc làm thêm.

Còn với những thực tập sinh, tu nghiệp sinh, họ mơ về một tiền đồ sáng lạn hơn khi đặt chân đến đất nước văn minh này; họ mong sẽ phụ giúp gia đình mình hay đơn giản chỉ muốn làm gia đình, làng xóm nở mặt nở mày. Và rồi họ bán mạng cho công việc, cho những giờ phút tăng ca thâu đêm suốt sáng. Mọi thứ được gói gọn trong chiếc cùm mang tên "hy vọng". Để rồi đến cuối cùng, chính họ lại là người vùng vẫy tuyệt vọng trong chính chiếc còng đó. 


Gia đình các bạn trẻ phải bỏ cả nghìn USD để con em họ có một suất tu nghiệp tại Nhật Bản
Gia đình các bạn trẻ phải bỏ cả nghìn USD để con em họ có một suất tu nghiệp tại Nhật Bản

Ngày gia đình họ tiễn con em mình ra sân bay, ai cũng mong đến một ngày đoàn viên rạng rỡ, tươi sáng. Nhưng không ai có thể ngờ được, ngày họ đón con em mình về, tất cả chỉ còn lại chiếc bài vị và hũ tro cốt. Những năm tháng thanh xuân đáng lẽ ra phải thật tươi vui của các bạn trẻ ấy lại hóa buồn bã đến não lòng ở xứ người.

Bạn thấy sao về bài viết trên đây? Cùng bình luận cũng như đón đọc những bài viết tiếp theo trên YAN nhé!

(Ảnh: Asahi, Japan Times)