Do dịch Covid-19, nhiều người dân có tâm lý e ngại đi đến bệnh viện khiến bản thân mắc các bệnh khác ngày càng nặng thêm, trong đó có sốt xuất huyết.
Tại Hà Nội, từ đầu tháng 8 đến nay đã có 2 ca qua đời do mắc sốt xuất huyết. Và mới đây nhất, TP.HCM tiếp tục ghi nhận 1 ca không qua khỏi do sốt xuất huyết và tất cả đều có 1 phần nguyên nhân là không đến bệnh viện chữa trị kịp thời.
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám khi điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Báo Nghệ An).
>> Xem thêm: Việt Nam đã có ca mắc Zika đầu tiên của năm 2020
Đã có 3 ca bệnh sốt xuất huyết không qua khỏi
Theo báo Công An Nhân Dân đưa tin, vào tối ngày 5/9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã đưa ra thông báo về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời cho biết trên địa bàn đã ghi nhận 1 trường hợp không qua khỏi vì mắc bệnh này.
Nguồn tin tiết lộ, bệnh nhân qua đời vì mắc sốt xuất huyết là một cô gái 16 tuổi, ngụ tại quận 7. Được biết, thời điểm nhập viện nữ bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nặng, suy đa cơ quan. Dù các y bác sĩ đã rất tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn không thể qua được cơn nguy kịch.
Hình ảnh một bệnh nhân sốt xuất huyết trên nền xơ gan. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
HCDC cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11.999 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 6.589 bệnh nhân được điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thực tế, số ca sốt xuất huyết năm nay thấp hơn so với năm 2019 nhưng vì tâm lý e ngại bệnh viện do Covid-19 nên đã xuất hiện các ca không qua khỏi.
Được biết, trước TP.HCM, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 trường hợp qua đời liên quan đến sốt xuất huyết. Trường hợp đầu tiên là một thiếu niên 17 tuổi, bị mắc sốt xuất huyết và qua đời do sốc truyền dịch tại nhà, bị ngừng tim 30 phút. Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân 57 tuổi, bị sốt liên tiếp 5 ngày nhưng tự mua thuốc về nhà uống, do không thuyên giảm nên nhập viện và được xác nhận mắc sốt xuất huyết. Do biến chứng nặng suy gan thận, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Bệnh nhân nhập viện sẽ được y bác sĩ tích cực điều trị, theo dõi. (Ảnh: Sống Khỏe).
>> Có thể bạn quan tâm: TP.HCM ghi nhận thêm 9 ổ bệnh sốt xuất huyết
Không nên vì Covid-19 mà e ngại đến bệnh viện
Theo ThS. BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, HCDC dự báo những tuần sắp tới, có thể số ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, toàn thể cộng đồng cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng để tránh bùng dịch.
Ngoài việc phòng bệnh, người dân cần chú ý phát hiện sớm ca mắc sốt xuất huyết, đồng thời chăm sóc bệnh nhân đúng cách. Do yếu tố khác với các bệnh truyền nhiễm khác khi diễn biến nặng của sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 5 - 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân hết sốt nên người dân không được chủ quan, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm để có phương pháp điều trị, theo dõi phù hợp.
Công tác phòng dịch sốt xuất huyết được đẩy mạnh. (Ảnh: VOV).
Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất đó là người dân không nên vì dịch Covid-19 mà e ngại tới các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Hiện tại, bệnh viện đều đã tổ chức khám sàng lọc, có quy trình tách biệt bệnh nhân khám thường và bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nên người bệnh không cần lo lắng.
HCDC đưa ra lời khuyên, nếu bản thân hoặc gia đình có người bị sốt thì cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Trong trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà, bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi.
Người dân tích cực thực hiện công tác phòng dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: CAND).
Những dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết
Chia sẻ với báo chí, BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết một vài dấu hiệu cho thấy bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chuyển biến nặng, cần đến ngay các cơ sở y tế, bao gồm: Ói và đau bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen...
Đối với trẻ nhỏ, cần lưu ý dấu hiệu tay chân lạnh, hết sốt nhưng trẻ vẫn mệt, khả năng trẻ bị tụt huyết áp, sốc. BS Nguyễn Thanh Phong cũng nói thêm: “Chúng ta cần theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng chứ không chờ cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu rất nặng rồi mới chuyển bệnh nhân nhập viện”.
Bệnh nhân nhập viện thăm khám sẽ tốt hơn là tự chữa tại nhà. (Ảnh: Petrotimes).
>> Có thể bạn chưa xem: Huyện Phúc Thọ xuất hiện gần 90 ca mắc sốt xuất huyết
Là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể chuyển biến nặng và ảnh hưởng tính mạng nên người dân cần hết sức chú ý khi có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết. Cần đến các cơ sở y tế để được theo dõi và khám chữa bệnh kịp thời, tránh tự chữa ở nhà có thể khiến bệnh nặng hơn và nguy cơ không qua khỏi.
Dấu hiệu mắc và cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm mà ai cũng có thể mắc phải, từ người già đến trẻ em. Bởi vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng và cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy.
Cần rửa sạch các dụng cụ như thau, chậu, các bể chứa nước lớn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà ở. Cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, xịt diệt muỗi, hương muỗi...
Ngoài việc phòng bệnh, người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết để sớm phát hiện và đến bệnh viện kịp thời.
Cụ thể, dấu hiệu mắc sốt xuất huyết gồm chảy máu, xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường...
Một số dấu hiệu khác người dân cần chú ý như: Nôn liên tục; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở.