Ca sinh 4 hiếm gặp ở Việt Nam: "Nhà đã khó giờ càng thêm khó"

15:30 06/05/2017

Cái ăn, cái mặc còn khó nên tương lai học hành của bốn cháu vô cùng gian nan. Với hoàn cảnh hiện tại, các cháu rất khó có cơ hội để vào lớp 1.

Trở về Đồng Tháp vào tháng 5, cái nắng oi ả càng khiến đường xa càng xa. Khi đến huyện Lai Vung, hỏi về gia đình chị Trần Thị Tình (SN 1981) sinh tư bốn năm trước, tất cả người dân đều biết, tận tình chỉ đường. Trong căn nhà nhỏ, anh Trần Hữu Đồng (SN 1979, chồng chị Tình) vui vẻ khi thấy người khách lạ. Anh cười: “Hôm nay, gia đình bận việc nên tôi ở nhà”.


Bốn đứa trẻ nay đã lớn khôn. (Ảnh: Internet)
Bốn đứa trẻ nay đã lớn khôn. (Ảnh: Internet)

Anh Đồng kể, là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con. Do hoàn cảnh khó khăn, tất cả anh em đều không được đến trường. Ngay từ hồi còn nhỏ, mọi người đã phải ra đồng kiếm sống. Năm 1999, qua mai mối, anh gặp gỡ với chị Tình. Ngày ấy, chị làm nghề đan chiếu thuê ở làng kế bên. Hai người tìm hiểu một khoảng thời gian ngắn, thấy hợp tính tình nên quyết định tiến đến hôn nhân.

Năm 2001, chị Tình mang thai, sinh hạ cô con gái đầu lòng. Năm 2005, chị cấn thai lần hai, sinh hạ một đứa con trai. Mặc dù đã “có nếp có tẻ” nhưng, bảy năm sau, khi hay tin vợ mang thai lần thứ ba, người chồng vẫn cười tít mắt. Anh đưa vợ đi siêu âm, bác sĩ thông báo chị mang song thai. Nửa tháng sau, anh lại đưa vợ đi siêu âm ở phòng khám khác, bác sĩ thông báo chị mang tam thai. Không tin vào kết quả này, chị lại được đưa đến khám ở một nơi khác và bác sĩ thông báo, chị mang tứ thai nhưng không xác định được giới tính.


4 bé gái trong ca sinh tư hiếm gặp ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)
4 bé gái trong ca sinh tư hiếm gặp ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Về nhà, anh vô cùng lo lắng. Bởi, ba đứa con gia đình còn kham được, nay sinh tư thành ra sáu đứa, biết phải sống sao. Gia đình nội ngoại thấu hiểu lo lắng của anh nên động viên. Họ tự dặn lòng: “Ông trời không tiệt đường sống ai bao giờ”.

Thai được 32 tuần tuổi, anh Đồng đang làm ngoài đồng thì nhận được thông tin vợ đau bụng dữ dội. Anh nghĩ, vợ sinh non nên vội đưa đến bệnh viện tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ quyết định chuyển lên bệnh viện Từ Dũ. Ngồi trên xe, tay nắm tay vợ nhưng lòng anh rối như tơ vò. Trong túi chỉ có vài trăm nghìn, sinh ở TP.HCM, mỗi ca cũng phải vài triệu. Anh cứ sợ, tiền đâu trả viện phí.


4 đứa trẻ trong ca sanh tư năm nào giờ đã đến tuổi tới trường. (Ảnh: Internet)
4 đứa trẻ trong ca sanh tư năm nào giờ đã đến tuổi tới trường. (Ảnh: Internet)

Anh gọi điện về người thân, hàng xóm, vay mượn được 4 triệu đồng. Bác sĩ quyết định sinh mổ. Bốn đứa trẻ lần lượt ra đời, nặng nhất 1,7kg, nhẹ nhất 1,2 kg. Do các cháu quá yếu nên phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Trong lúc khó khăn nhất, những người cùng phòng thấu hiểu, gom góp tiền giúp đỡ. Bác sĩ tại bệnh viện Từ Dũ cũng liên hệ báo đài để đăng tải thông tin kêu gọi giúp đỡ. Anh bảo, đến cuối đời cũng không thể quên được những tấm lòng vàng đã giúp đỡ cho gia đình trong lúc khó khăn nhất.

Sau đó không lâu, vợ chồng anh đưa bốn con về nhà. Do đặc thù sinh tư, sinh non, mỗi tháng, cả bốn đứa trẻ phải được đưa lên bệnh viện chữa bệnh mắt vàng, nếu không sẽ dẫn đến mù. Nửa năm trôi qua, chứng bệnh này mới chính thức chữa khỏi.

Khi ba tháng, đứa trẻ thứ ba có dấu hiệu bỏ bú, quấy khóc, bụng phình to. Vợ chồng chị đưa con lên bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ thông báo, cháu bị loét ruột và cần phẫu thuật ngay lập tức. Cháu đã được ổn định sức khỏe nhưng lưng bị gù, không thể đứng thẳng như các chị em khác.

Trong cuộc trò chuyện, anh Đồng không thôi nhắc nhở về những tấm lòng vàng đã giúp đỡ mình. Theo anh, nhờ sự giúp đỡ ấy mà anh có thể nuôi các con cho đến nay và xây được căn nhà cấp bốn. Anh bảo, để lưu nhớ họ, anh quyết định đặt tên con lần lượt là “Việt – Nam – Hạnh – Phúc”.

Do có bốn đứa con nhỏ, chị Tình đành ở nhà chăm sóc. Riêng anh Đồng làm thuê, làm mướn. Công lương mỗi ngày trên dưới 100 nghìn đồng. 8 miệng ăn phụ thuộc tất cả vào số tiền công nhật của người cha. Do không thể kham nổi, anh chị đành cho đứa con gái đầu nghỉ học khi đang học cấp 2.

Nhắc về bốn đứa con sinh cùng lúc, chị Tình cho biết, do khó khăn, nhiều lúc không có tiền mua thịt, cá. Vào bữa ăn, các cháu không chịu ăn rau. Chị đành bấm bụng khuyên, ăn bữa này, hôm sau sẽ mua thịt. Câu nói vừa dứt, nước mắt người mẹ cũng tuôn trào.


Tương lai đến trường của chúng còn nhiều gian nan. (Ảnh: Internet)
Tương lai đến trường của chúng còn nhiều gian nan. (Ảnh: Internet)

Hiện, các cháu đã được đến trường. Để giảm chi phí, anh chị cho các cháu ăn trưa ở nhà. Sáng, anh Đồng chở các con đến trường, trưa lại chở về. Sau khi cho các cháu ăn, anh lại đưa con đến lớp học. Nhà trường cũng giúp đỡ bằng cách giảm chi phí. Mỗi tháng, anh chị phải đóng học phí 2 triệu đồng. Đây là con số rất lớn đối với ngôi nhà nhỏ này.

Khi được hỏi về tương lai của các con, cả hai vợ chồng anh Đồng đều thinh lặng. Chị Tình nhìn xa xăm rồi nói: “Đó là nỗi sợ hãi của vợ chồng tôi. Nuôi các con còn không nổi, không biết có cho chúng đến trường khi lên cấp 1 được không. Mà, thời nay, không cho đi học thì sẽ tụt hậu, về sau lại phải chịu cảnh nghèo khó như cha mẹ”.