Cứ mỗi giờ trôi qua trong công sở, có biết bao câu chuyện "dở khóc dở cười" của thực tập sinh đang diễn ra.
Khoảng thời gian thực tập được xem là bước đệm cho bất kì sinh viên nào trước khi ra trường. Tuy vậy, không phải lúc nào bạn cũng tìm được một chốn thực tập trong mơ với sếp tốt, đồng nghiệp vui vẻ và có chút ít lương. Cứ mỗi giờ trôi qua trong công sở, có biết bao câu chuyện dở khóc dở cười của thực tập sinh đang được diễn ra.
"Ma cũ bắt nạt ma mới"
Người mới đi làm thường hay bị nhân viên cũ ra mặt "anh chị". Nhiều bạn kể lại rằng họ bị la mắng, chửi bới một cách vô lý đến ngỡ ngàng. Kiểu như giận sếp “chém” thực tập sinh, mỗi khi có điều gì không vừa ý thì thực tập sinh cũng "hứng trọn" cơn thịnh nộ của các anh chị lớn hơn.
Đôi khi, sinh viên thực tập còn phải xuống nước xin lỗi dù mình chẳng làm gì sai. Những “thể loại kì cựu” lấy cớ giàu kinh nghiệm nên thường lên mặt dạy đời, hăm he và thậm chí "cướp công" của người mới. Và tất nhiên, không phải "ma mới" nào cũng đủ cứng cỏi để chống lại những sự bắt nạt này.
Bị bóc lột công sức
Đôi khi những gì bạn làm sẽ được đề tên một người khác. Nhiều công ty chỉ ghi tên người quản lý, chứ thực tập sinh ít khi được "mang ra ánh sáng". Một ý tưởng hay ho mà bạn đề cập trong cuộc họp sẽ được chuyển giao cho một người có kinh nghiệm hơn thực hiện.
Ngoài việc bị "cướp công" trắng trợn, nhiều bạn sẽ còn thêm chức “tạp vụ” trong công ty. Từ gọi điện đặt cơm, đến pha trà, quét nhà, dọn dẹp giấy tờ... Tuy nhiên, nếu xét về một góc độ nào đó, thì rõ ràng, những việc này sẽ "dạy" cho bạn bản tính biết kiềm chế cảm xúc là như thế nào.
Đồng nghiệp lạnh lùng
Không phải chỗ đi làm nào cũng có văn hóa công sở cởi mở và hiếu khách. Rất nhiều nơi duy trì chế độ “băng giá" với những thực tập sinh. Không ít bạn trẻ lần đầu đi thực tập đã choáng váng với ánh mắt "sắc lẹm" của những đồng nghiệp. Khi thì chỉ trả lời ngắn gọn cộc cằn, tệ hơn là hỏi nhưng không hồi đáp, đề nghị giúp đỡ thì bị gạt phăng, nhiều hơn nữa là cố tình cô lập thực tập sinh.
Nhiều bạn sinh viên trong những ngày đầu đi thực tập đã nhanh chóng bị "dội ngược" bởi những điều hoàn toàn không-liên-quan-đến-công-việc và chuyên môn.
“Em làm gì có kinh nghiệm!”
Với cái nhìn dành cho những nhân viên ít kinh nghiệm, đa số các ý kiến của thực tập sinh thường bị bỏ qua. Nhiều bạn trong thời gian đầu rất năng nổ đưa ra ý tưởng, nhưng càng nói thì các nhân viên khác lại im lặng và quăng cho một cái nhìn kì lạ.
Trong mắt nhân viên chính thức, ý kiến của bạn chỉ là "gió thoảng mây trôi", nói xong quên luôn. Chính vì lẽ đó, kì thực tập có khi chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" khi thời gian không đủ lâu để bạn “chín”, sếp cũng không đủ "liều" để nghe theo lời của một thực tập sinh vừa vào.
“Bội thực” công việc
Trong bộ phim Yêu nữ thích hàng hiệu, bạn sẽ thấy cô thực tập sinh cho nhân vật mô phỏng Anna Wintour (tổng biên tập Vogue Mỹ) phải vật vã thế nào để làm quen với guồng công việc của giới thời trang. Và trong đời thực, ác mộng đôi khi còn dày dặn và mặn mà hơn.
Có nhiều bạn sinh viên chân ướt chân ráo từ trường bước vào công ty đã “ngộp” đến choáng váng. Thứ nhất là tốc độ làm việc phải nhanh, gọn và chính xác. Thứ hai là vì thiếu kinh nghiệm xử lý nên nhiều bạn đã làm hỏng việc, và bị sếp la. Và cái khó cuối cùng nằm ở việc kiến thức đã học thậm chí không giúp được những yêu cầu thực tế. Vừa học vừa làm, vừa lượm lặt kinh nghiệm nên khó khăn nhân lên gấp bội.
Bị sếp "gạ gẫm"
Trẻ trung lại vừa ngây thơ, nhiều bạn nữ (và cả nam) sinh viên trở thành “miếng bánh ngon” trong mắt nhiều sếp có máu "yêu râu xanh" trong người. Không ít trường hợp thực tập sinh bị gạ gẫm, đụng chạm cơ thể nhưng cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Lý do cho việc thà chịu đựng còn hơn lên tiếng thường được đưa ra chính là... để đổi lấy yên bình làm việc cho đến hết thời gian thực tập.
"Lương ơi, em ở đâu?"
Rất nhiều công ty mặc định một luật "bất thành văn": "Thực tập sinh thì đừng hỏi tiền lương". Và thậm chí sinh viên cũng nghĩ rằng mình cần một nơi để làm, nên tạm gác lại ước muốn tiền bạc qua một bên.
Làm thì không khác nhân viên chính thức, nhưng tiền lương lại không bao giờ được chạm vào. Để rồi cuối cùng, chi phí cho một lần thực tập quả thật không nhỏ. Ngoài chuyện xăng, xe còn là ăn uống và chi trả cho tất cả các chi phí khác. Thậm chí còn có nhiều chương trình thực tập ở nước ngoài, số tiền để tham gia là hơn chục triệu. Thực tập là để có kinh nghiệm, tuy nhiên túi tiền đôi khi cũng "õng ẹo chẳng chịu ngồi yên".