Nỗi lòng chủ quán và nhân viên quán karaoke: Tiến thoái lưỡng nan

12:40 19/11/2021

Sau quyết định mở - đóng chỉ trong vòng 2 ngày của TP.HCM, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như karaoke, bar, vũ trường,... đã gặp phải một số khó khăn nhất định. Trong khi chủ quán khóc ròng vì lỗ nặng thì nhân viên cũng hụt hẫng, rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

 
Một quán karaoke tại TP.HCM mở cửa đón khách vào tối 17/11. (Ảnh: Zing News)
Một quán karaoke tại TP.HCM mở cửa đón khách vào tối 17/11. (Ảnh: Zing News)

Chủ quán "trở tay không kịp"

Chia sẻ với Vietnamnet, anh N.Q.S., đại diện hệ thống karaoke I.C. cho biết, khi thành phố cho phép mở lại hoạt động kinh doanh, đơn vị đã bỏ ra 1,5 tỉ đồng nhập hàng hóa. Đáng nói, để chuẩn bị cho việc tái mở cửa, doanh nghiệp phải vay thêm tiền của ngân hàng bởi sau hơn nửa năm "đóng băng" (từ tháng 5/2021), công ty đã cạn tiền.

Trước khó khăn này, hệ thống I.C không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận lỗ, đồng thời xin nhà cung cấp tiêu thụ lại giúp số hàng hóa. Còn đồ tươi thì đành chia cho nhân viên sử dụng. Đối với nhân viên từ quê lên, đơn vị đã sắp xếp chỗ ở và việc làm tạm thời nhưng chưa biết kéo dài được bao lâu. “Nhiều nhân viên tạp vụ lớn tuổi mới xin nghỉ bên khác để qua đây làm thì giờ nghe tin rớt nước mắt. Lãnh đạo công ty cũng phải khóc mà không biết làm sao”, anh S. buồn rầu.

 
Xe của nhân viên để kín tầng trệt tại quán karaoke. (Ảnh: Thanh Niên)
Xe của nhân viên để kín tầng trệt tại quán karaoke. (Ảnh: Thanh Niên)

Tương tự, chuỗi karaoke N. cũng đang "trở tay không kịp" vì vừa mở cửa đã phải đóng tiếp. Anh L.H.V., quản lý chuỗi karaoke bày tỏ, may mắn họ chỉ mới nhập hàng khô và ở mức độ cầm chừng nên có thể dự trữ được lâu hơn: "May là thành phố cho mở hôm trước hôm sau bắt đóng chứ nếu để 1 tuần, khi nhân viên ở quê lên hết, hàng hóa nhập về nhiều thì thiệt hại là khôn lường", anh V. nói trên Vietnamnet.

>>Xem thêm: Công văn khẩn TP.HCM về quy định kinh doanh ăn uống trên địa bàn

Nhân viên thẫn thờ nên về hay ở?

Được biết, hệ thống I.C. có hàng trăm nhân viên làm việc tại 18 chi nhánh. Sau khi nghe tin được mở quán trở lại, nhiều người đã kéo nhau từ quê trở lại thành phố. Tuy nhiên vừa háo hức được làm việc lại thì họ lại rơi vào cảnh thất thần, phân vân nên hồi hương hay cố gắng chờ đợi.

 
Nhiều quán còn trang bị máy khử khuẩn micro. (Ảnh: Zing News)
Nhiều quán còn trang bị máy khử khuẩn micro. (Ảnh: Zing News)

Anh P.V., 23 tuổi, tổ trưởng tổ nhân viên tại I.C - chi nhánh Mạc Đĩnh Chi, quận 1 nói với báo Thanh Niên, sáng 18/11, anh gấp rút chạy xe từ Long An lên Sài Gòn. Đến nơi, anh phấn khởi cùng mọi người dọn dẹp, nhưng vừa xong thì nhận tin phải đóng cửa: "Hơi buồn vì mình đã nghỉ từ Tết, đến giờ cũng 7-8 tháng rồi mới được hoạt động lại. Khi có thông báo mở cửa mình rất vui và tranh thủ lên, nhưng giờ lại không được hoạt động nữa. Chắc có thể sẽ về quê lại".

Anh T.T.H. hụt hẫng nhưng đành cố chờ thêm 1 tuần xem tình hình ra sao. (Ảnh: Thanh Niên)Anh T.T.H. hụt hẫng nhưng đành cố chờ thêm 1 tuần xem tình hình ra sao. (Ảnh: Thanh Niên)

Chung tâm trạng, anh T.T.H., 25 tuổi, ở Lâm Đồng tâm sự, nhiều tháng qua anh ở quê làm ruộng vườn, nghe tin quán ở Sài Gòn mở lại anh quyết định gác lại việc gia đình, tìm cơ hội mới. Nào ngờ chưa làm được hôm nào thì lại nghỉ vô thời hạn. Trước tình thế éo le này, anh chỉ còn biết chờ đợi, nếu 1 tuần nữa tình hình không cải thiện thì anh lại về quê, sau Tết tính tiếp.

>>Đọc thêm: TP.HCM: Dịch chưa ổn định, xe ôm truyền thống tạm thời ở nhà

TP.HCM giải đáp lý do tạm ngừng karaoke, massage... sau 2 ngày cho phép

Liên quan đến vấn đề thay đổi quyết định, báo Tuổi Trẻ đưa tin, trong cuộc họp báo chiều ngày 18/11, ông Phạm Đức Hải, phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định, quan điểm của thành phố là luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả cá nhân cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên thành phố phải theo nguyên tắc "an toàn đến đâu thì mở cửa đến đó".

"Số ca mắc mới của TP mỗi ngày còn cao. Có ngày 1.000 ca, có ngày 1.100 ca, 1.200 ca. Có ngày lên hơn 1.400 ca", ông Hải giải thích, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng dịch nên UBND TP quyết định tạm ngừng các hoạt động này.

 
Nhiều quán karaoke đã đăng ký mã QR để được hoạt động. (Ảnh: Lao Động)
Nhiều quán karaoke đã đăng ký mã QR để được hoạt động. (Ảnh: Lao Động)

"TP.HCM mong người dân và doanh nghiệp chia sẻ, đồng cảm và đồng thuận vì chúng ta có mục đích chung là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết, bảo vệ kết quả phòng chống dịch của TP thời gian qua", Phó ban chỉ đạo nhắn nhủ.

Ai cũng mong mọi hoạt động được khôi phục như trước đây, nhưng với bối cảnh hiện nay thì đó có thể là một bước đi mạo hiểm. Mọi quyết định được đưa ra đều dựa trên nguyên tắc đánh giá thực tễ, xem xét ảnh hưởng trong tương lai, vì vậy điều chúng ta cần làm là tiếp tục tuân thủ nguyên tắc chống dịch để Covid-19 sớm bị đẩy lùi.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

SỐ CA NHIỄM COVID-19 TĂNG CAO, MẠNH NHẤT KỂ TỪ ĐẦU THÁNG 10 ĐẾN NAY

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong 1 tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày luôn trên 9.000 người. Trong khi tuần liền kề đó, mỗi ngày có trung bình khoảng 7.821 ca mới. Không những F0 tăng cao mà số ca không qua khỏi cũng "leo thang", khoảng 90 ca/ngày, trong đó có 2 ngày trên 100 ca, riêng ngày 18/11 lên đến 139 người ra đi. 

Trước tình hình này, cơ quan chức năng đang dần triển khai tiêm mũi thứ 3 cho bà con, bởi nhóm người đầu tiên được tiêm vaccine là từ tháng 3 vừa qua, đến nay đã 8 tháng. Theo báo cáo của các chuyên gia trên thế giới, vaccine Covid-19 chỉ phát huy tác dụng trong khoảng 4-6 tháng.