Sáng ngày 2/11, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tiến hành công tác tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở núi ở Trà Leng.
Tại 1 nơi cách đó khoảng 50km, những người còn sót lại sau tai nạn kề cận bên nhau, chờ đợi thông tin về thân nhân đang bị vùi trong đất đá.
Tìm đường vào nơi vùng sâu miền núi Quảng Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
>>> Xem thêm: Vụ lở núi ở thủy điện Đắk Mi 2: Không thể tin mình còn sống để trở về
"Cha giơ cánh tay lên như chào lần cuối, rồi đi luôn tới giờ"
Trong căn phòng dành cho 14 người vừa thoát nạn ở Trà Leng, có 1 cô bé với đôi chân băng bó, mặt buồn rượu đầy vết xước lúc nào cũng thả đôi mắt xa xăm. Ít ai biết rằng, trong khoảnh khắc núi lở, cô gái nhỏ đó đã tận mắt chứng kiến bố cùng các chú, bác thân thuộc bị nước lũ cuốn trôi.
C. (tên của cô gái nhỏ) kể rằng, khi nghe có tin bão tới, trời mưa lớn nên Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng đã vận động cả xóm sang nhà 1 người dân khác, kiên cố hơn để trú. Dòng thác bất ngờ chảy ào ào, mọi người ra ngoài chụp hình để gửi lên cấp trên thì bỗng nhiên bùn đất từ trên tuôn xuống.
C. thoát nạn rồi, nhưng cha em thì mãi mãi ra đi. (Ảnh: Tiền Phong)
Vào khoảnh khắc kinh hoàng đó, ba của C. dành ánh mắt cuối cùng hướng về con gái, môi như mấp máy nói thêm điều gì đó rồi bị lũ cuốn đi mất. "Lúc đó cha nhìn về phía em, giơ cánh tay lên như chào lần cuối, rồi trôi theo dòng lũ dữ đến giờ vẫn chưa được tìm thấy" - C. chia sẻ trên Tuổi Trẻ.
Công tác tìm kiếm người ở Trà Leng. (Ảnh: Thanh Niên)
Tường đổ ập lên người, khi tỉnh lại C. đang nằm dưới những ngổn ngang đất đá, lặng nhìn không gian hoang tàn. Bỗng nhiên C. nhìn thấy mẹ, bà nói: "Con gắng tự bò lên đi, mẹ đau chân không cõng con được". Lúc đó, em ý thức mình phải sống, cố gắng bò ra bên ngoài đoàn tụ với chị gái, mẹ và những người trong xóm.
C. may mắn còn mẹ, có chị bên cạnh nhưng trong lòng cô gái nhỏ chỉ mới học lớp 9 này vẫn còn ám ảnh về ánh mắt của cha trước lúc ra đi. Em bật khóc: "Nhà cửa trôi hết rồi, đến bây giờ cũng chưa tìm thấy cha".
Nhiều đứa trẻ bật khóc vì mất đi người thân yêu. (Ảnh: PLO)
>>> Xem thêm: Bão chồng lũ trong tháng 10: 230 người không qua khỏi vì thiên tai
Vẫn còn nhiều khó khăn tồn đọng
Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) hay Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn) đều đang chịu nhiều thương đau sau những trận sạt lở núi. San sẻ nỗi lo lắng, niềm đau thương của bà con, bộ đội, lực lượng cứu hộ và những người dân quanh khu vực đều đang nỗ lực hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân.
Bộ đội băng rừng, vượt núi tiếp cận với vùng sâu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Suốt nhiều ngày qua, hơn 500 con người đã được trao nhiệm vụ cõng gạo trên vai, băng rừng tiếp tế cho người dân bị cô lập. Sáng ngày 2/11, 1 đội bao gồm các chiến sĩ, dân quân lại tiếp tục cõng gùi nhu yếu phẩm di chuyển từ điểm tập kết, băng qua đồi Chim vào vùng sâu huyện Phước Sơn. Dừng lại nghỉ mệt sau mấy lần suýt trượt chân vì dốc cao, trưởng thôn 2 xã Phước Thành tâm sự: "Từ ủy ban xã tới trạm xá, trường học đã mở kho hết nhưng vẫn không đủ gạo cho nhu cầu người dân. Nếu hôm nay không được cứu trợ, chỉ tầm 3 ngày nữa dân sẽ rơi vào cảnh đói khát".
Những nỗi đau bật thành tiếng khóc ai oán giữa núi rừng Trà Leng. (Ảnh: Thanh Niên)
>>> Bài viết liên quan: Đau thương học sinh lớp 10 không chốn dung thân vì sạt lở Quảng Nam
Quảng Nam hôm nay, trời đã hửng 1 chút nắng vàng. Hi vọng với thời tiết tạm thời ổn định như vậy, tình hình tìm kiếm các nạn nhân còn sót lại tại Trà Leng hay Phước Sơn đều sẽ có tín hiệu khả quan hơn.
KỲ TÍCH Ở TRÀ LENG: TÌM THẤY 33 NGƯỜI VẪN CÒN SỐNG
Nguyên 1 quả đồi sụp xuống 11 mái nhà thuộc thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) vẫn là điều khiến nhiều người thương xót trong những ngày qua. Lực lượng cứu hộ ra sức tìm kiếm, rất nhiều thi thể đã được phát hiện, bị vùi trong đống hoang tàn đất đá, tưởng chừng nơi đây sẽ chẳng còn bất kỳ sự sống nào.
Thế nhưng, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 33 người vẫn còn sống sót. Mặc dù người bị thương, gãy chân nhưng sự sống vẫn hiện hữu như thắp lên hi vọng cho những người thuộc đội cứu hộ.