Sài Gòn bước vào một mùa Giáng sinh mới với tiết trời se lạnh cùng những con phố được trang trí đầy màu sắc, rực rỡ ánh đèn và tiếng nói cười của các gia đình, cặp đôi. Thế nhưng, hàng trăm người lao động nghèo, vô gia cư ở thành phố hoa lệ vẫn phải chật vật mưu sinh kiếm cơm qua ngày.
Có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ rằng đối với những mảnh đời khốn khó đó, mong cầu của họ chỉ đơn thuần là cơm ăn đủ no, ấm áp hết đêm. Ít ai biết rằng, trong thâm tâm họ vẫn luôn có những điều ước thầm kín mà chẳng biết khi nào mới có thể hoàn thành.
Giữa không khí nhộn nhịp của Giáng sinh, những người vô gia cư vẫn đang "chờ được về nhà".
TRẮNG VÀ "MẸ"
Cứ mỗi 5 giờ chiều hàng ngày, cô Nguyễn Thị Mai (56 tuổi, quê An Giang) lại cùng chú chó của mình trải tấm vải sờn cũ, ngồi trên cầu Kiệu (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) để chờ cơm từ thiện. Chú chó tên Trắng, nằm ngoan ngoãn bên cạnh chủ mặc dòng xe ngược xuôi cứ ồn ào qua lại. Thời còn khỏe mạnh, cô Mai làm công việc rửa bát thuê, kiếm tiền nuôi thú cưng nhưng thời gian gần đây chân tay đau nhức nên đành ra đường, nương nhờ lòng hảo tâm của mọi người.
Cô Mai không có chồng con nên gửi gắm yêu thương vào những chú chó cưng.
Vừa vỗ cho Trắng ngủ, cô Mai vừa tâm sự bản thân từng kết hôn nhưng "gãy cánh". Không chồng cũng chẳng có con cái, người phụ nữ U60 này lấy việc nuôi 5 chú chó nhỏ làm niềm vui. Mỗi lần chó sinh nở, ai xin con nào cô cũng cho, trừ bé Trắng. Chia sẻ với chúng tôi, cô Mai thổ lộ: "Mình chăm sóc nó rồi quen hơi, thương như con ruột rồi làm sao nỡ cho. Nếu có một điều ước thì cho tôi khỏe mạnh, tôi ráng một chút để nuôi tụi nó chứ bản thân cũng chẳng tha thiết, mong cầu gì hơn".
Bé Trắng ngoan ngoãn, ngủ ngon bên cạnh chủ dù phố phường ồn ào, tấp nập.
Tâm sự thêm, chủ nhân của bé Trắng cho biết hiện bản thân đang nợ bà chủ phòng trọ một khoản nhỏ từ hồi Sài Gòn bùng dịch. Cô chỉ hi vọng trả xong số tiền đó để "nhẹ gánh", có thể dành thời gian chăm sóc cho bé Trắng và những chú chó khác tốt hơn.
>>> Bài viết liên quan: Người nước ngoài ngạc nhiên trước sự đông đúc đón Noel tại Việt Nam
"CHỈ MONG ĐƯỢC VỀ NHÀ"
Như thường lệ, ông Vũ Văn Sơn (sinh năm 1958, quê Long An) lại cùng chú chó con tên Vui của mình ngồi trên vỉa hè để bán vé số. Với dòng chữ "Tôi bị câm điếc. Xin cô bác giúp đỡ. Cám ơn nhiều", mọi người dễ dàng nhận ra đây là cụ ông khuyết khiếm phần nói nghe và từng từ chối nhận hơn 70 triệu đồng từ "cô tiên Sài Gòn" Nguyễn Đỗ Trúc Phương.
Niềm vui của ông Sơn là được chăm sóc bé Vui, chú chó được đôi bạn trẻ tặng vài tháng trước.
Trời tối, Vui buồn ngủ nên nằm im trong nôi, bên cạnh còn có vài món đồ chơi đáng yêu. Nhờ có Vui, quầy vé số của ông lúc nào cũng đắt hàng, thi thoảng lại có người mua tới 5 hoặc 10 tờ vé số. Khi có khách tới mua, ông Sơn còn cẩn thận dùng cồn xịt khuẩn, giúp mọi người rửa tay. Hạnh phúc trước sự quan tâm của mọi người, vừa làm ông vừa cười thật tươi rồi cúi đầu cảm ơn rất chân thành khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Viết trên tấm bảng trắng cũ, ông Sơn thổ lộ: "Chú đâu bao giờ ước muốn điều gì, chỉ mong sao có sức khỏe để vui cùng con cháu. Còn mong muốn thì chú chỉ mong sao vợ chú bỏ trò đỏ đen, để chú sớm được về nhà". Niềm mong cầu nhỏ bé của ông Sơn khiến chúng tôi xúc động, bỗng nghẹn lại không biết viết thêm điều gì tiếp theo lên tấm bảng.
Nhiều bạn trẻ tốt bụng đến mua vé số, trò chuyện để giúp ông bớt cô đơn.
Một lúc sau, có đôi bạn trẻ ghé chơi với bé Vui rồi tiếp tục ủng hộ vài tờ vé số, trò chuyện với ông Sơn về chú chó nhỏ. Ông kể, bé Vui mới được tiêm vaccine phòng dại mũi 3, do tác dụng của thuốc nên trông mệt mỏi và không muốn chơi cùng ai. Lúc rảnh rỗi không phải bán hàng, ông thường ngồi vuốt ve người bạn đặc biệt. Khi người lạ hỏi về chú chó nhỏ, ông Sơn hào hứng cho biết dạo này Vui ngoan hơn nhưng kén ăn. Chiều lòng thú cưng, ông phải mua thêm xúc xích, pate để đổi bữa cho bé.
8 giờ tối, đường sá TP.HCM nhộn nhịp ánh đèn và tiếng cười nói, rao bán ồn ào của những con người mưu sinh. Ở góc nhỏ tại vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng, chú chó nhỏ tên Vui vẫn hạnh phúc bên "chăn ấm nệm êm" cùng người chủ khiếm khuyết nhưng giàu lòng nhân ái của mình.
Ước mơ được về nhà của ông Sơn đơn thuần chỉ là được về nhà và mong vợ sống tốt hơn.
"PHẢI CHI CÓ CÔNG VIỆC, CÓ TIỀN ĐỂ ĐƯA CON ĐI CHƠI"
Khắp những con đường nằm ở trung tâm TP.HCM, đâu đâu cũng có bóng dáng của các cặp bố mẹ dẫn con đi chơi trước thềm Giáng sinh. Có lẽ, chỉ riêng mỗi cô Nguyễn Thị Ngọc Dung (53 tuổi, quê ở An Giang, hiện đang sống tại quận 5) ngồi nép mình bên bến xe bus trên đường Nguyễn Thái Học ôm nỗi nhớ về các con, dù cô và chúng đang sống cùng một thành phố.
Cô Dung kết hôn muộn, tới tận 45 tuổi mới "nhắm trúng" một người đàn ông làm chung xí nghiệp. Tưởng được hạnh phúc, ngờ đâu chồng đổi tính không chịu làm ăn, tới khi sinh em bé thứ 2 vài tháng thì cô quyết định ly hôn, một mình chăm mẹ già 75 tuổi còn hai cô con gái (một bé 5 tuổi, một bé 3 tuổi) gửi lại cho mẹ chồng. Vậy mà bi kịch cũng chưa dừng lại khi đầu năm 2021, căn nhà ở quận 8 gặp sự cố, không có giấy tờ hay sổ hồng nên mẹ con cô phải lang thang. Tới khi gặp được một người bán rau tốt bụng tại chợ Hòa Bình (quận 5), mẹ con cô Dung mới có được chỗ ở tạm bợ.
Cô Dung còn mẹ già bị tai biến nên rất cần công việc có thể linh hoạt về thời gian.
"Thương hai đứa con gái lắm mà giờ mình đâu có nhà, cũng không có công việc thì làm sao lo cho nó tốt được. Nhiều khi ngồi ở góc đường, thấy người ta dắt con cái họ đi chơi mà mình tủi thân. Phải chi có công việc, kiếm được vài đồng rồi thuê phòng trọ. Lúc đó mẹ cô cũng vui hơn, còn cô thì được đón hai đứa về ôm ấp, hít hà mỗi đêm" - cô Dung nói. Cô Dung ít được gần con, một phần là do phải chăm sóc mẹ, thời gian rảnh còn phụ người ta rửa chén, nhặt ve chai kiếm tiền ăn qua ngày. Cô kể, có những ngày không nhặt được miếng ve chai nào, cô buồn tới độ ngồi ở bến xe bus tới hơn 12 giờ đêm mới về, lúc ngủ còn dấm dúi khóc vì nhớ con.
Những ngày như vậy, người mẹ già đang bị tai biến của cô chỉ có thể ăn cháo trắng, vậy mà bà chưa một lần oán than hay kể lể về cơn đau. Có lẽ, với tâm thế của một người mẹ, bà thấu hiểu được nỗi niềm cay đắng của con gái nên cũng gắng gượng mạnh mẽ. Xuyên suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt chị Dung liên tục nhìn xa xăm và nhắc về ước mơ kiếm được việc, có tiền lo cho hai cô con gái và mẹ già.
Điều ước Giáng sinh của cô Dung là được dẫn con đi ăn một bữa thật ngon rồi ôm chúng ngủ.
Đồng hồ điểm đúng 11 giờ đêm, ánh đèn còn sáng rực khắp phố phường. Người Sài Gòn vẫn chưa ngủ bởi họ bận rộn với những cuộc vui, dự án dang dở hay vội vã mưu sinh bên gánh hàng bắp xào, cá viên,... Chắc hẳn ai trong số những con người bận rộn đó đều có những ước mơ. Họ mong cầu cuộc sống hạnh phúc, về Giáng sinh an yên hay năm mới tràn ngập những điều tích cực, mỗi ước mơ là một nỗi niềm đầy hi vọng.
>>> Đừng quên: Sài Gòn hào sảng: Giúp đỡ khách nước ngoài vô gia cư vượt qua khó khăn
Một năm chống chọi với dịch bệnh, nhiều biến cố, nhiều mất mát,... chuẩn bị qua đi. Những ngày cuối năm luôn là thời điểm chúng ta sẽ can đảm ước mơ nhiều hơn một chút để lấy động lực bước tiếp. Giáng sinh an lành, năm mới an khang, mong rằng ai cũng có thể hoàn thành được điều ước của riêng mình.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
ĐIỂU ƯỚC ĐÊM GIÁNG SINH CỦA CẬU BÉ 6 TUỔI
Giáng sinh là một trong những ngày lễ mà tụi trẻ con mong chờ nhất vì chúng nghĩ rằng ông già Noel sẽ xuất hiện và mang đến món quà thú vị. Thế nhưng, có những điều ước lại khiến người lớn bật khóc, như câu chuyện của bé trai gửi ông già Noel mong được "mang bố từ thiên đường trở về".
Cụ thể, trong lá thư có viết: "Cháu là Vũ Hoàng Tuấn Kiệt lớp 1B. Mẹ nói bố đang đi làm ở thiên đường, ở chỗ ông già Noel. Cháu đạt học sinh giỏi, cháu làm lớp trưởng, cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đưa cháu đi coi thú. Cả mẹ cháu cũng được nghỉ không phải đi quét rác để đi chơi với cháu. Cháu cảm ơn ông ạ. Cháu tặng ông viên bi 3 màu của cháu".