Tùy theo mục đích giao tiếp mà cách xưng hô trong tiếng Việt được sử dụng khá linh hoạt và có tính đa nghĩa. Mỗi cách xưng hô đều thể hiện rõ những cách biệt trong vai vế, tuổi tác và mức độ kính trọng của mối quan hệ.
Ở thời hiện đại, người ta thường gọi mẹ theo cách xưng hô truyền thống của gia đình đã có từ trước đó. Hoặc theo ý của người mẹ muốn được con cái gọi mình là “mẹ”, là “má” hay một từ có nghĩa tương tự. Thế nên, không có nhiều người biết rõ nguồn gốc của từ “mẹ” và những cách gọi tên đấng sinh thành có ở nước ta từ xa xưa.
Đứa trẻ nào trên thế giới khi bắt tập nói cũng sẽ gọi mẹ đầu tiên. Và từ “mẹ” trong tất cả các từ điển ngôn ngữ đều phát âm bằng âm môi. Đây là âm mà chỉ cần mở môi là có thể phát âm được và nó có trong cả từ “bố” và từ “mẹ”.
Trong tiếng Việt, các cách gọi "mẹ" cũng rất phong phú. (Ảnh Internet)
Thế nên, người ta đặt ra giả thuyết rằng những từ dùng để gọi tên thân mật của người phụ nữ có công sinh thành đều có “âm môi”: “mẹ” trong tiếng Việt, “mother” trong tiếng Anh, “mère” trong tiếng Pháp, “妈妈” (māma) trong tiếng Trung…
Tuy nhiên, “mẹ” chỉ là cách gọi phổ biến nhất ở thời nay. Trên thực tế, trong từ điển tiếng Việt còn có rất nhiều cách gọi khác đồng nghĩa với từ “mẹ” và thể hiện rõ nét phong tục, tập quán, lối sống của từng thời kì, từng địa phương.
Với những biến cố trong lịch sử, tiếng Việt cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiếng Trung. Từ xa xưa, từ “mẫu thân” đã được du nhập, xuất hiện trong văn viết, dùng trang trọng dành cho đấng sinh thành. Đây là một từ phiên âm trực tiếp từ tiếng Trung Quốc là “母親” với phát âm là “mǔqīn”.
Ngoài ra, trong tiếng địa phương của vùng phía nam Trung Quốc thì “母親” còn được phát âm là “búchhin” và nó được người miền Bắc nước ta biến âm thành cách gọi “bu”. Và cho đến tận bây giờ, từ “bu” vẫn được dùng ở một số địa phương như Thái Bình, hoặc chuyển sang từ có âm tương tự như “bầm” (Bắc Ninh), “u” (Hà Nam). Có nhiều gia đình ở miền Bắc lại gọi “mẹ” là “đẻ”, hàm ý “đẻ” tức là sinh ra mình. Và gần như, cách gọi này không còn được duy trì.
Ở miền Bắc, con cái thường gọi mẹ là "bầm", là "bu", là "u". (Ảnh Internet)
Cả hai từ “mạ” (miền Trung), và “má” (miền Nam) đều xuất phát trực tiếp từ từ “妈妈” (māma). Ngoài ra, biến âm của “mạ” còn có “mệ”, các cách gọi này thường dùng ở những địa phương Thanh – Nghệ - Tĩnh và Huế.
Còn một lối nữa là thay vì con sinh ra yếu ớt, khó nuôi nên cần làm cho nó "xa cha mẹ" đi, thì bắt nó gọi cha mẹ bằng “anh chị”, bằng “chú thím”, bằng “cậu mợ”, nhằm tránh những "thế lực khuất mặt" không nhòm ngó, làm hại đến đứa trẻ. Ban đầu, cách gọi này chỉ xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng, lâu dần thành tục lệ.
Khi con cái lập gia đình riêng và có cháu, cách gọi này lại được chuyển sao cho phù hợp vai vế, sự tôn kính với người lớn trong nhà. (Ảnh Internet)
Khi con cái lập gia đình riêng và có cháu, cách gọi này lại được chuyển sao cho phù hợp vai vế, sự tôn kính với người lớn trong nhà. Và các cách xưng hô như “ông – con”, “bà – con”, khi trò chuyện trực tiếp với bố mẹ; hoặc giao tiếp với người thứ ba, con cái thường gọi bố mẹ là “ông cụ”, “bà cụ” như ngầm cho người khác biết độ tuổi của bố mẹ mình.