“Triết lý đầu tư của tôi là đừng mất tiền.”_ Jack Ma
Một cuộc thi lớn cấp quốc gia được tổ chức có thể tiêu tốn của một đơn vị tổ chức từ vài đến chục triệu USD. Nhưng, người ta không bao giờ đầu tư vào cái gì không mang đến lợi nhuận. Những cuộc thi hoa hậu trở thành những thương vụ bạc tỷ “béo bở” mà các doanh nghiệp tổ chức không thể bỏ qua. Vì nguồn thu đến trước trước cả khi cuộc thi kịp khởi động và thậm chí lợi nhuận vẫn còn sinh sôi sau khi nó kết thúc.
Dàn thí sinh đoạt giải trong đêm chung kết Miss Grand International 2021 chụp ảnh cùng chủ tịch cuộc thi.
Hút nhà đầu tư “khát” tài trợ
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chuộng hoa hậu và thích xem hoa hậu nhất châu Á. Theo thống kê của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, Việt Nam nằm trong top 10 có lượng khán giả đông đảo nhất của họ. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của người Việt đối với cái đẹp. Đó cũng là tâm lý chung của con người, ai cũng thích cái gì vừa đẹp vừa hay.
Có thể nói, khi tổ chức một cuộc thi hoa hậu, đơn vị tổ chức chắc chắn sẽ không lỗ bởi tỉ lệ thuận với sự quan tâm của công chính chính là mức tài trợ của các nhãn hàng, đơn vị.
Trên poster quảng bá của những cuộc thi hoa hậu lâu năm và uy tín như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam,… số lượng tên nhà tài trợ có đến hàng chục. Theo nguồn tin của báo Phụ Nữ, trong một cuộc thi lớn năm 2016 có một nhà tài trợ đã đầu tư 5 tỷ đồng và hai nhà tài trợ đầu tư 3 tỷ/đơn vị. Đó là còn chưa tính đến các nhà tài trợ nhỏ lẻ khác. Đại diện ban tổ chức này cho biết đã phải từ chối rất nhiều lời mời tài trợ vì có quá nhiều bên đăng ký.
Cũng theo thông tin từ tờ báo này, năm 2014, một cuộc thi nhan sắc thông báo có mức kinh phí tổ chức khoảng 30 tỷ đồng và số tiền này đã có một nhãn hàng bao thầu, tài trợ toàn bộ. Theo tiết lộ bên lề, nếu là những đơn vị tài trợ nhỏ lẻ, thì số tiền họ bỏ ra đầu tư ít nhất cũng vào khoảng 300 – 400 triệu đồng. Như vậy, tính ở mức trung bình, ban tổ chức có thể thu về con số hàng chục tỷ.
Để có được một suất tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu cũng là điều không dễ dàng đối với các nhãn hàng lớn.
“Chương trình quảng cáo dài kỳ”
Đổi lại, trong quá trình diễn ra cuộc thi, các thí sinh và ban tổ chức sẽ gắn hình ảnh sản phẩm của nhà tài trợ. Thậm chí, các thí sinh còn phải thực hiện một đoạn video ngắn để quảng cáo sản phẩm. Ngoài ra, ban tổ chức còn có thể nhận thêm tiền quảng cáo thu về lợi nhuận khác từ các nhãn hàng không thuộc đội ngũ tài trợ trong một số hoạt động được cho phép.
Việc hợp tác đôi bên cùng có lợi vốn không chỉ riêng các cuộc thi hoa hậu mới có, đây vốn là cách thức quảng cáo hiệu quả của các nhãn hàng, doanh nghiệp trong các giải đấu thể thao, điện ảnh, truyền hình,.... Sức hút từ cuộc thi chính là giá trị cho mỗi TVC được phát sóng. Theo thống kê, trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2019 được phát sóng trên VTV, trị giá mỗi video quảng cáo được tính theo giây, cụ thể 35 triệu/10s, 42 triệu/ 15s, 52 triệu/ 20s và 70 triệu/ 30s. Mức phí này được chia cho nhà đài và cả đơn vị tổ chức.
Một nguồn thu khác từ cuộc thi là tiền bán vé các đêm bán kết, chung kết. Đối với những thí sinh nổi bật, có hiệu ứng truyền thông tốt, họ còn mang tới một đội ngũ người hâm mộ hùng hậu, sẵn sàng tập hợp và mua vé để đến cổ vũ người họ yêu thích. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn mời thêm các ngôi sao ca nhạc âm nhạc hạng A về trình diễn và tất nhiên tiền bán vé cho fan của họ cũng trở thành nguồn thu. Bằng chứng là có hơn 5000 người sẵn sàng đăng ký mua vé đến xem đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam năm 2020 nhưng không được do hết chỗ.
Hình ảnh Á hậu Huyền My quảng cáo cho một nhãn hàng nước giải khát trong một đêm thi của Hoa hậu Việt Nam 2014.
“Lãi phát sinh”
Theo dõi hành trình chinh phục vương miện Hoa hậu Hòa bình thế giới của Nguyễn Thúc Thùy Tiên khó ai có thể phủ nhận nhan sắc, tài năng của cô gái này. Dẫu vậy, không ít kẻ đặt ra vấn đề mua giải dù vô căn cứ. Thực tế, bên cạnh những cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, chuyên nghiệp cũng khó có thể bác bỏ hoàn toàn mặt tối này khi “mua giải” dường như thành lùm xùm thường trực sau mỗi cuộc thi nhan sắc.
Theo một số nguồn tin, một người đẹp sáng giá đã chi ra ít nhất 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) để có được danh hiệu cao nhất. Trong một cuộc thi khác vào năm 2015, người đăng quang cũng được cho là đã bỏ tiền ra đến 9 tỷ đồng để mua danh hiệu đó. Đối với những thí sinh có khả năng tài chính thấp hơn, họ có thể bỏ ra vài trăm triệu đồng để được vào top 10. Chưa kể những danh hiệu xung quanh như Thí sinh được yêu thích nhất, Thí sinh tài năng nhất, Thí sinh thân thiện nhất… cũng có thể dùng tiền để dàn xếp kết quả.
Mác quốc tế nâng giá trị “món hàng”
“Lợi nhuận” không dừng lại khi cuộc thi kết thúc. Sau đêm chung kết, nếu có nắm trong tay quyền quản lý top 3 chung cuộc, các nhà tổ chức còn được hưởng lợi từ hàng loạt các hợp đồng quảng cáo được ăn chia theo tỷ lệ nhất định. Nếu những đơn vị này còn nắm thêm bản quyền đưa thí sinh đi thi quốc tế thì sẽ có thêm một khoản “vốn”. Bởi một người đẹp muốn đi thi quốc tế phải chi tiền mua bản quyền danh hiệu, chứ không như thông tin “được đơn vị cuộc thi Hoa hậu abc Việt Nam cử đi”. Có người đẹp đã phải chi 15.000 USD (gần 350 triệu đồng) để mua bản quyền dự thi quốc tế dù đó chưa phải là top các cuộc thi lớn nhất. Trong khi đó, đơn vị tổ chức chỉ cần chi trả cho tổ chức quốc tế kia số tiền chỉ bằng 1/3.
Các hoa hậu đăng quang luôn có những ràng buộc nhất định với ban tổ chức sau cuộc thi.
Với các cuộc thi thấp hơn hoa hậu (hoa khôi, nữ hoàng, người đẹp...) hoặc mới được tổ chức lần đầu, khả năng kêu gọi tài trợ không dễ dàng, thậm chí có nguy cơ thua lỗ vì không hút được các nhà tài trợ thì lợi nhuận lúc này sẽ đến từ việc bán bản quyền đi thi quốc tế.
Vào tháng 5 năm 2019, Á hậu Hoa hậu Hoàn vũ năm 2017 là Mâu Thủy đã đăng trên trang mạng xã hội cá nhân về câu chuyện cô bị mất suất đi thi Hoa hậu Trái Đất 2018 vì không có đủ 5 tỷ. Người đàn ông “nắm quyền” đã thẳng thừng tuyên bố: “Không có tiền thì em out (rút lui) đi Thủy” khiến cô vô cùng sốc và đau lòng. Lúc đó có rất nhiều người sẵn sàng chi trả nhiều hơn số tiền đó để được đi thi.
Tạm kết
Các cuộc thi sắc đẹp dần trở thành một lĩnh vực kinh doanh cũng là xu hướng tất yếu, bởi dù là chương trình tôn vinh văn hóa, cái đẹp thì cũng cần có kinh phí để tổ chức. Người tổ chức có lợi nhuận, công tác tổ chức cũng được chuyên nghiệp và quy mô hơn. Bản thân các thí sinh cũng được tham gia một cuộc thi chất lượng và được thỏa sức thể hiện mình. Nhìn chung, điều này có lợi cho cả người tổ chức, thí sinh và cả khán giả.
Tuy nhiên việc lạm dụng những hoạt động thu lợi này cũng có thể dẫn đến sự biến chất. Nó không còn là những cuộc thi mang ý nghĩa tôn vinh cái đẹp, trí tuệ, tấm lòng nhân hậu,... mà còn là nơi để trục lợi.
Thế nên nhiều khán giả dù yêu quý những giá trị tốt đẹp nhưng vốn biết được nhiều câu chuyện đằng sau như thế cũng sẽ luôn nghi ngờ hoặc đặt ra câu hỏi rằng, liệu những cuộc thi mang đến lợi ích cá nhân nhiều như thế có cần phải tổ chức nữa không và xã hội có cần thêm những hoa hậu?
LỜI CỦA NGƯỜI VIẾT
Suy cho cùng, người ta không bao giờ đầu tư vào cái gì không mang đến lợi ích. Đằng sau các cuộc tranh tài của những người phụ nữ đẹp chính là thương trường của những doanh nhân. Những cuộc thi hoa hậu không đơn giản chỉ mang lại giá trị tinh thần, tôn vinh cái đẹp cho xã hội, chúng trở thành những thương vụ bạc tỷ “béo bở” mà các doanh nghiệp tổ chức không thể bỏ qua.