2000-ers nếu đã vội chùn bước, thì hãy xem các "siêu sĩ tử" năm nay đang vượt qua kỳ thi thế nào?

19:00 26/06/2018

Năm nào cũng vậy, luôn có những thí sinh "đặc biệt" làm nên những câu chuyện bên lề không thể quên của kỳ thi THPT Quốc gia.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã bước sang ngày thi thứ hai với các môn Lý - Hóa - Sinh và Ngoại ngữ. Là một cột mốc quan trên con đường học vấn của mỗi người, mùa thi năm nay quy tụ hơn 900.000 thí sinh tham dự trên khắp cả nước. Tuy nhiên bầu không khí ngay lúc này, quả thật có một chút gì đó khác lạ... Một cảm giác mà các 2000-ers ai nấy cũng bất an, hồi hộp, xen lẫn chút sợ hãi. Và những thứ cảm giác ấy rất mau chóng khiến bạn chùn bước, thậm chí là buông xuôi, phó mặc cho mọi thứ vào "ngày mai".

Và nếu cảm giác ấy đang chiếm lấy bạn, thì đây sẽ là những nhân vật đặc biệt mà bạn cần phải xem vào lúc này, để nhận ra rằng: "thất bại sẽ không thể nào xảy ra vào ngày mai"!

Người ta thi đại học tới 18 lần chỉ vì một lời hứa, còn bạn!?

Nghe như đùa, nhưng đây lại là một câu chuyện không-thể-nào-thật-hơn về hành trình vượt vũ muôn suốt 18 năm của anh Trần Xuân Trường (ngụ ở Bình Thạnh, TP.HCM).

Dù đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhưng đến nay anh vẫn miệt mài nộp 18 đơn thi vào đại học trong suốt 18 năm để hoàn thành lời hứa với bạn gái... cách đây 15 năm. Tính đến hiện tại, chính anh cũng không nhớ nổi mình đã đậu vào bao nhiêu trường.


Chàng doanh nhân 36 tuổi nhưng năm nào cũng nộp đơn thi đại học suốt 18 năm. Ảnh: Mạnh Tùng.
Chàng doanh nhân 36 tuổi nhưng năm nào cũng nộp đơn thi đại học suốt 18 năm. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đến với kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, anh Xuân Trường nộp nguyện vọng vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Do đã đi làm nên anh không dành được nhiều thời gian để ôn thi. Vì thế, anh không tự tin lắm vào kết quả thi môn Văn với dạng đề khá lạ năm nay.

Vì bác sĩ tắc trách, đã khiến cô nữ sinh chỉ có thể bước 1 chân vào trường thi

Cách đây hai năm, vụ việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị cưa chân do sự tắc trách và yếu kém chuyên môn của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, đã khiến không ít người lo lắng cho cuộc sống và tương lai sau này của cô bạn có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, bằng nghị lực và quyết tâm của bản thân, Hà Vi đã tự tin tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 với đích đến là Đại học Luật TP.HCM.


Thí sinh Lê Thị Hà Vi - cô bé bị cưa chân do bác sĩ tắc trách. Ảnh: Người Lao Động.
Thí sinh Lê Thị Hà Vi - cô bé bị cưa chân do bác sĩ tắc trách. Ảnh: Người Lao Động.

Dù đã được Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ bố trí công việc ngay sau khi ra trường nếu Hà Vi theo học ngành y, cô bạn vẫn quyết tâm thi vào khối C vì cô bạn không yêu thích ngành y bằng luật. Chúc Hà Vi sẽ thi thật tốt và đạt được ước mơ của mình nhé!

Cô bạn với đôi chân khuyết tật ở phòng thi đặc biệt

Là học sinh của Trung tâm Giáo dục khuyết tật Võ Thị Sáu, em Phạm Thị Thu Thủy là một trong năm thí sinh bị khuyết tật ở địa bàn TP.HCM được đặc cách xét tốt nghiệp và thi phòng thi riêng có giáo viên hỗ trợ ghi chép.


Cô bạn Phạm Thị Thu Thủy - một thí sinh đầy nghị lực. Ảnh: Internet.
Cô bạn Phạm Thị Thu Thủy - một thí sinh đầy nghị lực. Ảnh: Internet.

Em Thủy sống ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi từ nhỏ. Em bị dị tật bẩm sinh, phần chân từ đầu gối trở xuống bị co quắp lại khiến việc di chuyển của em trở nên khó khăn.

Cô bạn bồng theo con nhỏ 3 tháng tuổi đến dự thi

Tại điểm thi trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), cô bạn H’Đanila (sinh năm 1999) bồng theo con nhỏ là bé Siu Philip vừa được ba tháng tuổi. Vì còn quá nhỏ nên Siu Philip cứ luôn đòi mẹ, chính vì thế cô bạn H'Đanila phải địu con theo đến trường thi. 

2000-ers nếu đã vội chùn bước, thì hãy xem các


Người mẹ trẻ H’Đanila bồng con trai 3 tháng tuổi đến trường thi, nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Ảnh: Dân Việt.
Người mẹ trẻ H’Đanila bồng con trai 3 tháng tuổi đến trường thi, nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Ảnh: Dân Việt.

Lúc vào phòng thi, Siu Philip được bà ngoại bế để chờ mẹ làm bài. Nhưng chỉ được một lúc, do thiếu sữa mẹ nên cậu bé lại khóc thét lên. Đến với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2010, người mẹ trẻ nuôi quyết tâm làm bài thật tốt để sớm trở thành một giáo viên, quay về giảng dạy cho trẻ em trong buôn làng và nối tiếp truyền thống gia đình. Cậu con trai cùng chồng và bố mẹ của H'Đanila là động lực lớn nhất giúp cô bạn hoàn thành thật tốt kỳ thi này.

Thí sinh 50 tuổi thi vào Đại học Y khoa Vinh

Dù đang là y sĩ khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện đa khoa Nghệ An, chị Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) vẫn "khăn gói" tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Trở thành sinh viên đại học là ước mơ từ thời còn trẻ của chị Vân nhưng vì vướng bận nhiều chuyện nên chị đã tạm gác lại hoài bão của mình suốt 30 năm nay. Tới bây giờ, khi hai con của chị Vân đã lớn, đều sắp trở thành thạc sỹ, tiến sỹ, chị Vân mới quyết định hiện thực hóa giấc mơ đã ấp ủ từ lâu của mình.


Dù chỉ còn 5 năm nữa là nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi) vẫn quyết tâm dự thi để thực hiện ước mơ đại học thời trẻ. Ảnh: Doãn Hòa.
Dù chỉ còn 5 năm nữa là nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Thanh Vân (50 tuổi) vẫn quyết tâm dự thi để thực hiện ước mơ đại học thời trẻ. Ảnh: Doãn Hòa.

Trong quá trình ôn thi, chị Vân tự học ở nhà là chính. Bên cạnh đó, chị cũng tranh thủ thu xếp công việc trong ngày để có thể đến các "lò luyện" vào buổi tối. Thậm chí, chị còn nhờ các con mua cho sách giáo khoa, sách tham khảo và luyện tập các đề thi trên mạng để sẵn sàng "tuyên chiến" với các thí sinh năm nay. Vì là hình thức thi trắc nghiệm nên thoạt đầu, chị Vân khá bỡ ngỡ, có lúc còn khoanh nhầm ô đáp án. 

Mùa thi nào cũng vậy, các thí sinh có rất nhiều hoàn cảnh, ước mơ khác nhau, nhưng đều có một mục tiêu chung là được chạm đến tờ giấy báo đỗ tốt nghiệp hoặc trúng tuyển đại học. Kết quả thi là điều không ai đoán trước được, nhưng nền tảng kiến thức sâu rộng sẽ là sự đền bù xứng đáng, tuyệt vời và mãi mãi cho những nỗ lực mà các thí sinh đã bỏ ra trong kỳ thi THPT Quốc gia này. Trong cuộc sống, sẽ luôn có đường cho những con người không bao giờ ngừng bước đi...

Tổng hợp