Cho dù là khi công cụ và kỹ thuật còn thô sơ hay đã trở nên tân tiến và hiện đại như ngày nay, thì Y học thế giới chưa bao giờ thôi tìm hiểu, thí nghiệm và trăn trở với một vấn đề: Ghép đầu. Đây không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay phương pháp, mà nó còn động đến khía cạnh đạo đức xã hội.
Trong quá khứ đã có nhiều Nhà Khoa học cố gắng ghép đầu những loài động vật. Họ không ngừng thực hiện các phép thử trên chó, mèo và khỉ. Và sau đây chính là những thí nghiệm ghép đầu nổi tiếng nhất.
1. Ghép đầu khỉ
Nhà Khoa học Mỹ Robert White là người đầu tiên thành công trong thủ thuật cấy ghép đầu. Thậm chí, ông White còn đi xa tới độ ghép đầu một cá thể khỉ đã chết sang một cơ thể khỉ sống khác. Trước đó, White đã từng gắn thành công bộ não của con chó này sang con chó khác và giữ bộ não còn lại sống ở môi trường bên ngoài hộp sọ.
Trong một bài phát biểu của mình, ông tiết lộ rằng con khỉ bị chặt đầu đã sống lại sau khi nhận được cái đầu cũ của mình. Nó còn cố gắng tấn công một thành viên trong nhóm nghiên cứu.
Tuy nhiên con khỉ không thể di chuyển vì phần tủy sống không còn liên kết với não bộ nữa. Nó chỉ sống thêm được 1 ngày rưỡi sau đó.
2. Chó 2 đầu
Nghe như khoa học viễn tưởng, nhưng Nhà Khoa học người Mỹ Charles Guthrie đã làm được điều đó vào năm 1900. Tuy nhiên, thành quả sáng tạo của ông chỉ sống được 26 phút.
Sau đó, vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, hai Nhà Khoa học Nga là AG Konevsky và Vladimir Demikhov đã cải tiến thí nghiệm của Charles và họ đã nổi tiếng khắp thế giới với con chó hai đầu của mình.
Hai Nhà Khoa học này đã tiến hành thử nghiệm cấy ghép trên 20 cá thể chó và một trong số chúng đã có thể sống tới 1 tháng.
3. Ghép đầu hồi sinh mèo
Nhà Khoa học Đức Karl August Weinhold tin rằng não người giống như viên pin kết nối với dây thần kinh. Vị tiến sĩ đã chứng minh quan điểm ấy vào năm 1817, khi ông tiến hành thử nghiệm trên một con mèo.
Con vật đã chết nên mất đi tất cả chức năng cảm giác, vận động, cả các xung thần kinh. Bằng cách bí hiểm nào đó, ông làm nó sống lại trong 20 phút: đầu ngẩng cao, mắt mở to, nỗ lực đứng dậy nhưng sau đó mất kiểm soát và gục ngã vì kiệt sức.
Thử nghiệm của Weinhold bị coi là điên rồ và phi đạo đức bởi vì đó chính là việc hồi sinh sinh vật đã chết. Được biết, một năm sau thử nghiệm đó của Weinhold, tiểu thuyết Frankenstein đã được xuất bản.
4. Dự án Lazarus
Vào những năm 1930, Nhà Khoa học Robert Cornish ở Đại học California tin mình có thể hồi sinh động vật chết, chỉ cần chúng không bị tổn thương cơ thể quá nặng.
Ông đã làm ngạt 4 con chó và đặt tên là Lazarus (nhân vật từng được Chúa Jesus làm sống lại trong Kinh thánh) và đặt chúng vào một chiếc máy kỳ lạ. Dòng máu trong những con vật tiếp tục được lưu thông với một hỗn hợp Adrenaline và thuốc chống đông máu.
Ông đã thất bại khi hồi sinh 2 con vật đầu tiên nhưng thành công với 2 con còn lại. Nhưng chúng lại bị mù và tổn thương não nghiêm trọng, cả Lazarus 3 và 4 đều sống thêm vài tháng nữa ở nhà của Cornish.
Năm 1947, Cornish tái xuất với một máy hồi sinh mới và tìm kiếm một tình nguyện viên là con người. Tử tù Thomas McMonigle đã đề nghị với ông nhưng các quan chức nhà nước lo ngại họ sẽ vô tình giải phóng cho tên tội phạm nên từ chối để Cornish thực hiện thí nghiệm này. Sau đó, nhà nghiên cứu đâm ra chán nản, rồi về nhà sống nốt phần đời còn lại bằng nghề... bán kem đánh răng.
Những thí nghiệm này rất đáng kinh ngạc, cho dù sự sống của những sinh vật ghép đầu không kéo dài được lâu. Tuy nhiên, chỉ mới làm trên động vật mà đã thấy ghê rợn thế này, thì việc ghép đầu người quả là một sự rùng mình không kể xiết.