Giữa thời tiết giá rét, thật không có gì thích thú bằng việc cùng những người thân yêu quây quần bên nổi lẩu nghi ngút. Tuy nhiên, để món ăn không chỉ ngon mà còn an toàn, bạn nhất định phải tạm biệt ngay một số thói quen dưới đây.
Ăn lẩu quá nóng
Không thể phủ nhận, một trong những điểm hấp dẫn nhất của món lẩu là khả năng làm ấm bụng nhanh chóng, nhất là trong cái rét buốt của mùa đông. Còn gì tuyệt vời hơn khi được xì xụp, hít hà hơi nóng nghi ngút, thưởng thức các loại đồ nhúng ngay khi chúng vừa rời khỏi nồi.
Thế nhưng, đã bao nhiêu lần bạn bỏng lưỡi vì thói quen “tốc chiến” của mình rồi? Thực tế, không chỉ làm tổn thương lớp da trong khoang miệng, việc ăn lẩu quá nóng còn gây hại cho thực quản, dạ dày và hàm răng của chúng ta nữa đấy.
Bạn chỉ nên ăn khi đồ nhúng đã hạ nhiệt.
Ăn lẩu tái
Không ít người trong chúng ta ưa thích đồ tái vì cho rằng chúng sẽ ngọt hơn đồ chín, hơn nữa, các dưỡng chất vẫn nguyên vẹn. Đặc biệt, với món lẩu, khi đồng loạt nhiều món được cho vào nồi, chúng ta dễ dàng gắp phải đồ chưa chín kỹ, hoặc mải mê thưởng thức mà bỏ qua vấn đề này. Xét từ góc độ khoa học, đây là thói quen cực kì nguy hại, bởi vi khuẩn và kí sinh trùng tồn tại trong thức ăn có thể tấn công hệ tiêu hóa của chúng ta.
Việc ăn đồ tái tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ tiêu hóa.
Cho quá nhiều loại đồ ăn cùng lúc
Một nồi lẩu thường bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau, tùy theo sở thích của người ăn. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, chúng ta có thể vô ý lựa chọn những nguyên liệu kiêng kị nhau, gây ngộ độc, dị ứng. Bên cạnh đó, với những người có “bụng dạ” nhạy cảm, việc ăn nhiều đồ ăn lẫn lộn dễ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Bạn nên cho lần lượt thực phẩm vào nổi lẩu để đảm bảo an toàn.
Cho quá nhiều sa tế, gia vị nấu lẩu
Với nhiều người, một nồi lẩu sẽ mất đi 50% độ hấp dẫn nếu thiếu đi vị cay nồng. Thời tiết càng lạnh, các món ăn cay lại càng trở nên cuốn hút bởi cảm giác ấm áp, dễ chịu mà nó mang đến. Có lẽ vì vậy, sa tế trở thành thứ gia vị quan trọng hàng đầu trong danh sách nguyên liệu nấu lẩu.
Tuy nhiên, cùng với bột ngọt và các loại gia vị khác, bạn chỉ nên cho một lượng vừa đủ để tạo hương vị, bởi việc lạm dụng không hề có lợi cho sức khỏe đâu nhé!
Đừng lạm dụng gia vị nấu lẩu chỉ để thỏa mãn khẩu vị.
Ngồi ăn lẩu quá lâu
Nhâm nhi khi ăn uống có lẽ là thói quen của đa số người Việt Nam, bởi quan niệm ăn từ từ mới thưởng thức được hết cái ngon. Tuy nhiên, việc ngồi ăn lẩu liên tục trong mấy tiếng sẽ khiến dạ dày của bạn sẽ phải làm việc hết công suất dễ rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nhất là khi các đồ ăn đều giàu đạm và cay nóng.
Bạn cần lưu ý, cứ khoảng 30 phút, nên thay nước lẩu 1 lần, tránh để thực phẩm đun lâu ở nhiệt độ cao, các vitamin sẽ bị phân hủy, biến chất và gây hại cho cơ thể, thậm chí dẫn đến ung thư.
Ăn lẩu không điều độ
Dù món lẩu có hấp dẫn ra sao, ta vẫn cần phải ăn có điều độ. Theo tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, bạn chỉ nên ăn lẩu tối đa 2 lần/ tuần để tránh mắc các bênh về dạ dày, đường ruột và tuyến tụy.
Nguyên tắc ăn uống có điều độ đúng với mọi trường hợp.
Một số đối tượng kiêng kị với lẩu
Không phải bất cứ ai cũng được khuyến khích thưởng thức món ăn hấp dẫn này đâu nhé! Cụ thể, có một số đối tượng nên kiêng ăn lẩu bởi nó có thể làm tình trạng bệnh lý trầm trọng hơn:
- Người đang bị viêm loét dạ dày, nhiệt miệng, viêm họng mãn, người bị bệnh trĩ.
- Người bị gout, huyết áp cao.
- Người mắc bệnh ở đường ruột, điển hình là viêm dạ dày ruột cấp tính.
Ngoài ra, người bị dị ứng với hải sản hoặc nấm thì cần chú ý tránh các loại thực phẩm này khi ăn lẩu.
Tổng hợp
Ảnh: Internet