Bạn có biết khi xảy ra hỏa hoạn, việc cố gắng thoát ra bằng cửa chính là hoàn toàn sai lầm?
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và hanh khô, chỉ một chút bất cẩn, một đám cháy hoàn toàn có thể xảy ra. Sự việc cháy lớn từ khu vực chứa sơn của cảng Sài Gòn tại quận 4, TP.HCM là một ví dụ. Hãy thử đặt mình trong trường hợp bị mắc kẹt trong một vụ cháy, bạn sẽ xử lí ra sao để thoát thân? Bạn có biết ngoài sự bình tĩnh và nhanh nhẹn, việc làm đúng các phương pháp, kỹ năng thoát nạn cũng là yếu tố quan trọng.
Do thiếu hiểu biết và chủ quan, nhiều người đã có những cách xử lí sai khi có cháy dẫn đến bản thân không những không thể thoát ra mà còn có thể bị kẹt trong "biển lửa". Đây chính là những quan điểm sai lầm chúng ta nên tránh khi muốn thoát thân khỏi một đám cháy.
1. Tìm đường ra theo lối cửa chính
Khi có dấu hiệu cháy xảy ra, đa số chúng ta đều cảm thấy hoang mang và cuống cuồng lên tìm lối thoát. Nhiều người thường nghĩ ngay đến việc chạy ra bằng cửa chính, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu ngọn lửa bùng phát ra từ hướng đó. Vậy điều đầu tiên bạn nên bình tĩnh xác định nguồn gốc của ngọn lửa, nếu nó phát ra ở bên phải, hãy chạy theo hướng bên trái để tìm lối ra.
Các gia đình sống trong chung cư nên chú ý trước khi mở cửa chính để thoát thân, nên kiểm tra nhiệt độ của tay cầm bằng cách quơ tay hoặc thử chạm nhẹ, nếu xác định không có nguồn nhiệt mới thì hãy mở. Lúc mở phải đứng tránh sang một bên để tránh bị lửa hắt vào gây bỏng.
Lúc mở phải đứng tránh sang một bên để tránh bị lửa hắt vào gây bỏng.
2. Sử dụng thang máy để thoát thân
Một điều cấm kị trong các tòa nhà cao tầng là không được sử dụng thang máy trong lúc có hỏa hoạn. Khi đám cháy bùng phát, các nguồn điện sớm muộn gì cũng bị cắt và thang máy có thể ngừng lại bất cứ lúc nào. Nếu bạn không muốn chết ngạt trong thang máy thì tốt nhất nên di chuyển bằng thang bộ, đó là cách an toàn nhất trong lúc này.
Sử dụng thang bộ thay cho thang máy để tránh bị mắc kẹt trong thang máy khi nguồn điện bị ngắt.
3. Tìm dụng cụ dập lửa khi bị lửa bén vào người
Khi không may bị lửa bén vào người, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là chạy đi tìm một đồ vật gì đó có thể dập lửa hoặc cởi phần đồ bị bén lửa ra, nhưng càng di chuyển, lửa càng lan ra nhanh hơn vì nó được cọ sát với không khí. Trong tình huống này phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt.
Khi bị lửa bén vào người, không được di chuyển.
Dùng hai tay che mặt, lăn qua lăn lại cho đến khi lửa bị dập.
4. Không biết cách hạn chết ngạt khói khi chạy qua đám lửa
Bạn có biết 98% các nạn nhân tử vong trong các đám cháy là bị ngạt khói dẫn đến tử vong trước khi bị phỏng hay chết cháy. Nhiều người thường chỉ biết chạy thục mạng tìm lối ra mà quên mất việc hạn chế hít khói độc có thể giúp mình kéo dài sự sống trước khi thoát khỏi đám cháy.
Một số những cách bạn có thể ứng dụng để hạn chế ngạt khói là dùng khăn ướt (trong trường hợp không có hãy dùng khăn hoặc vải mền trùm quanh người) trong lúc bạn di chuyển qua đám cháy.
Dùng khăn ướt che mặt khi băng qua đám cháy để tránh bị ngạt khói.
Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên đóng các cửa nhằm ngăn chặn đường lan truyền của lửa và khói. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu.
Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên đóng các cửa nhằm ngăn chặn đường lan truyền của lửa và khói.
5. Xem thường các bản chỉ dẫn hay sơ đồ tòa nhà
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ở các cơ quan hay chung cư đều có sơ đồ tòa nhà, xem xét nó vì nếu có đám cháy xảy ra, bạn sẽ biết đâu là lối ra nhanh nhất hơn là một người lúng túng không biết anh ta đang đứng ở đâu. Quan trọng nhất là khi phát hiện có dấu hiệu cháy, nhanh chóng gọi đến số 114 và thông báo ngay cho những người xung quanh để thực hiện di tản.
Hiểu rõ nơi mình ở cũng là một lợi thế khi muốn thoát thân khỏi 1 đám cháy.
Nguồn ảnh: Internet.