Dọc vỉa hè đường Lê Quang Sung (Quận 6), đoạn từ Chu Văn An đến Nguyễn Hữu Thọ, chính là ngôi chợ mà cách đây hơn nửa thế kỷ luôn tấp nập kẻ bán cau, người mua trầu thì nay chỉ còn một vài gánh hàng lẻ bóng.
Chuyến xe 23 và gánh hàng trầu cau
Đều đặn mỗi ngày lúc 5h30 sáng, cô Dân (47 tuổi, ngụ tại Bà Điểm) lại thức giấc sửa soạn và bắt chiếc xe buýt đầu tiên số 23 lên Bến xe Chợ Lớn như một thói quen của cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Đến chỗ ngồi quen thuộc, cô Dân bắt đầu bày các thúng con cùng các quầy cau, lá trầu… mang từ Bà Điểm lên đây.
Đều đặn hàng ngày tại góc đường quen thuộc, cô Dân lại bày các thúng con cùng quầy cau, lá trầu… mang từ Bà Điểm lên
Cô Dân chia sẻ: “Thông thường, cứ để chừng 2 – 3 ngày thì tôi lại phải bỏ đi phần trầu cau cũ để mua mới, vì trầu cau mà không tươi thì ăn không ngon, mua về cúng cũng không đẹp. Bán đã ế mà lại không tươi thì chẳng ai muốn mua".
Cô bán ở đây đã ngót nghét 30 năm, kể từ khi bà ngoại lần đầu dắt cô lên đây phụ giúp, nay bà ngoại mất, cô nối nghề, lại ngày ngày gánh từng quầy cau, thúng trầu lên đây bán.
Những lá trầu tươi như mới luôn được sắp xếp gọn gàng
Cuộc sống giản dị là thế nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi cô khi kể về gánh hàng trầu cau của mình. Cô chia sẻ: “Bán chạy nhất là khi Tết đến, ngủ lại đây 3 đêm liên tiếp từ tầm 27 Tết, khách đến mua tấp nập, có khi một mình bán không xuể tôi phải kêu người nhà đến phụ. Chả ngủ nghê gì được, cứ gục lên gục xuống, tôi cũng sợ trộm, cứ vậy 3 ngày mà Tết về nhà thấy vui".
Đợt bán chạy thứ hai mà cô chia sẻ là tầm vào tháng 10 đến cuối năm, khoảng thời gian này được xem là mùa cưới của người dân Việt Nam. Cứ một năm vui 2 mùa trầu cau, những khoảng thời gian còn lại, cô đến đây để tận hưởng niềm vui của cuộc đời giản dị: “Đi bán quen rồi, ở nhà thì buồn, không ở nhà được, lên đây bán ế thì có mấy bà bạn hàng cùng nói chuyện mà vui".
Thăng trầm những gánh trầu cau trong cuộc sống hiện đại
Đi dọc theo vỉa hè, người ta dễ bị ấn tượng bởi gánh trầu của một cụ bà bị bệnh bạch biến, mọi người vẫn thường trìu mến gọi bà với cái tên chị Quê. Bà năm nay đã 66 tuổi, gắn bó với gánh trầu cau cũng đã 42 năm. Câu chuyện của bà Quê cũng có màu sắc giống với câu chuyện của cô Dân – mang cau trầu từ Bà Điểm lên Chợ Lớn bán từ nhỏ, sau bà lập gia đình nên ở lại quận 8 mưu sinh và đến tận bây giờ vẫn gắn bó với gánh cau trầu.
Bà có chia sẻ: “Bình thường thúng con bà không mang về mà gửi tại các hàng quán gần đó với giá 40.000/ngày". Mỗi ngày, chồng chở bà cùng quầy cau lá trầu từ quận 8 đến Chợ Lớn từ tầm 6h sáng, rồi tầm 6h tối ông lại qua dọn dẹp phụ rồi chở bà về.
“Hồi xưa, bà mang cả thùng to cau trầu lên bán, bán hết cả thùng. Còn bây giờ, có nhiều ngày, cái thúng con lúc sáng vẫn là cái thúng con lúc chiều", bà Quê nói có chút ngậm ngùi. Khi được hỏi về việc bà có nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi khi tuổi đã già, người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này đưa đôi mắt xa xăm rồi khẽ cười: “Ở nhà buồn và cô đơn lắm con ạ, đi làm vậy mà thấy vui, thấy khỏe. Ở nhà bà lại hay bệnh. Đôi khi bà còn nói với con trai và con dâu là chắc bà bệnh là do bà không được đi bán đó chứ".
Bán trầu không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là nơi để các bà, các cô tâm sự với nhau.
Với những người phụ nữ lớn tuổi này, bán trầu cau không đơn thuần chỉ là một công việc để kiếm sống, mà nó còn là thói quen khó bỏ, là niềm vui, là sự yêu thích và là trách nhiệm giữ gìn một phong tục thuần Việt. Cái chất và cái hồn Việt từ bao giờ đã gắn với những miếng cau, lá trầu để mỗi khi nhìn thấy chúng cũng chính là nhìn thấy bản sắc và văn hóa của dân tộc mình.
Nhiều năm trở lại đây, tục ăn trầu dần bị mai một, hầu như chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở khu vực nông thôn, khách vãng lai đến đây mua cau trầu cũng mỗi ngày một ít đi. Vậy nên mỗi khi thấy các bà cụ nghèo đến tìm mua cau trầu về ăn như một thói quen, các gánh hàng ở đây đều giảm giá bán bởi vì "thương người ta quá".
Ngày ngày, những người tới mua trầu cau dần thưa đi.
Thời gian rảnh trong ngày không bán được hàng, các chủ gánh ở đây vẫn kiên trì ngồi trang trí các quầy cau, têm các lá trầu sao cho đẹp. Bà Quê sử dụng bông cau cắm vào quầy và dán các chữ “Hỷ” lên trên từng quả cau làm cho các quầy cau đã đẹp lại càng bắt mắt hơn.
Những quả cau được dán thêm chữ Hỷ càng làm tăng vẻ bắt mắt.
Với con người nơi đây, theo thời gian, các gánh cau trầu đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu. Các bà, các cô bán trầu cau ở đây, người "mới bán" cũng ngót nghét 30 năm, người có thâm niên kỳ cựu thì cũng trải qua hơn 50 năm dãi nắng dầm mưa. Họ dần trở thành các bậc lão làng đáng kính đối với những ai yêu mến văn hóa trầu cau Việt Nam.
Thế nhưng các gánh hàng cứ ngày một thưa thớt dần. “Giờ tuổi trẻ ít người chịu theo nghề con ạ. Chúng không chịu nổi trời mưa to hay lúc nắng nóng. Bán lại không chạy hàng, lời ít. Như trước đây, có một cụ bán cạnh bà, bán 60 năm, cụ mới mất rồi. Giờ chỗ này cứ trống trống", bà Quê chia sẻ. Sự trống vắng khi thiếu người bạn già bán cùng của bà Quê cũng chính là nỗi trống vắng mà người ta cảm nhận được khi lớp trẻ giờ đây chẳng còn mấy ai thiết tha với miếng cau lá trầu - một nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Người bán cau, kẻ mua trầu dần dần thưa thớt, liệu sau này, chợ trầu cau có còn tồn tại sau "lứa" người bán có thể là cuối cùng này?
Miếng trầu là đầu câu chuyện, là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Kể làm sao cho hết những câu chuyện lá trầu – quầy cau nơi đây. Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, gấp gáp hơn, kéo những người trẻ tuổi dần xa rời nét văn hóa đặc trưng đã có từ rất lâu. Sợ rằng, sau khi những cô Dân, bà Quê... không còn ngồi ở chốn cũ với gánh trầu cau mỗi ngày quen thuộc, thì khu chợ này có còn được nhắc đến?