Việc thay tã giấy (bỉm) cho trẻ sơ sinh tưởng chừng như một công việc đơn giản nhưng hóa ra lại “khó khăn” vô cùng. Bởi nếu mẹ không biết thay tã giấy đúng cách, trẻ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng cột sống, hăm ngứa.
Trẻ sơ sinh chưa nhận thức được “hành vi” cho nên thường xuyên “đi” ra quần hoặc bất cứ đâu nếu chúng “buồn”. Việc đóng bỉm cho trẻ phần nào giúp các bậc phụ huynh đỡ vất vả hơn trong công việc dọn dẹp, giặt giũ và chăm sóc con hàng ngày. Có lẽ, đây đã trở thành công việc quá đỗi đơn giản và dễ dàng đối với các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại thường vô tình mắc lỗi cơ bản khi đóng tã giấy cho trẻ khiến con bị ảnh hưởng cột sống, hăm ngứa, mẩn đỏ mà không hề hay biết.
Nhiều cha mẹ mắc lỗi trong việc thay tã cho con mà không hề hay biết.
Dưới đây là những lỗi mà cha mẹ thường mắc phải khi thay tã giấy cho trẻ:
Nhấc chân con lên quá cao
Sự phát triển của xương ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và đang trong quá trình “đi vào đúng quỹ đạo”. Bởi vậy, bất cứ một tác động nhỏ nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến xương sống của trẻ. Nhiều cha mẹ thường nhấc chân con lên cao để thuận tiện cho việc thay tã giấy. Tuy nhiên, việc nhâng chân con lên quá cao như vậy sẽ khiến cả phần lưng của trẻ bị nhấc lên, ảnh hưởng không tốt đến cột sống. Nếu lặp đi lặp lại tình trạng này nhiều lần, con sẽ bị tổn thương cột sống. Vậy nên, cha mẹ cần chú ý để không nhấc con lên quá cao nhé.
Nhấc chân con lên quá cao có thể ảnh hưởng đến cột sống của trẻ.
Dùng tay nắm lấy gang bàn chân
Đa phần, để nhấc được con lên, tránh tình trạng quẫy đạp, cha mẹ thường dùng tay nắm lấy gang bàn chân con và nhấc bổng lên. Bàn chân của trẻ với hệ xương non nớt, việc nắm lấy bàn chân con nhấc lên có thể vô tình làm trẻ đau. Ngoài ra, khi cha mẹ chạm vào bàn chân con sẽ gây kích thích, theo phản xạ bé sẽ quẫy đạp, đôi khi khóc lóc, khiến cha mẹ càng giữ chặt hơn. Điều này không chỉ vô tình khiến trẻ bị đau mà còn làm cha mẹ vất vả hơn mỗi khi thay tã giấy cho con nữa đấy. Bởi vậy, thay vì giữ vào bàn chân, cha mẹ nên nắm lấy phần mắt cá chân của trẻ để có thể giữ chắc và thay tã giấy cho con một cách dễ dàng.
Dùng tay nắm lấy bàn chân con đôi khi sẽ khiến việc thay tã giấy trở nên khó khăn hơn đấy.
Vệ sinh khi thay tã giấy cho con bằng khăn ướt
Mỗi khi thay tã giấy cho con hoặc khi con đi đại – tiểu tiện, nhiều cha mẹ thường dùng khăn ướt để lau cho con thay vì rửa với nước. Khăn ướt dù là của trẻ con hay người lớn đều ít nhiều chứa thành phần hóa học có thể gây kích ứng hoặc bị hăm, ngứa, mẩn đỏ cho con. Vậy nên, các bậc phụ huynh chớ nên lạm dụng loại khăn này. Cha mẹ hãy vệ sinh cho con bằng nước ấm và lau lại bằng khăn bông mềm, để khô thoáng rồi mới đóng bỉm cho con. Chỉ sử dụng khăn ướt khi đi chơi, hoặc những nơi không có nước rửa.
Khăn ướt dùng nhiều không tốt đâu cha mẹ nhé.
Việc thay tã giấy cũng cần phải học. Cha mẹ nên tham khảo những lưu ý trong việc đóng tã, thay tã cho con “chuẩn không cần chỉnh” dưới đây để vừa tốt cho sức khỏe và sự phát triển tự nhiên của con, lại vừa nhàn nhã hơn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh nhé.
- Thời điểm thay tã: Khoảng 2-3 giờ, bạn hãy thay tã cho bé một lần, không nên để quá lâu, tạo điều điện cho vi khuẩn gây hại phát triển. Trẻ sơ sinh nên dùng miếng lót khoảng 1 tháng đầu.
- Vệ sinh sạch sẽ: Cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín của trẻ trước khi thay tã và sau khi tháo tã. Hãy rửa cho con bằng nước ấm cả vùng bẹn và mông, lau bằng khăn mềm, chớ nên dùng khăn ướt cha mẹ nhé. Đặc biệt, cha mẹ nên để con khô thoáng rồi mới được đóng tã giấy, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn khiến con bị hăm, ngứa.
- Kĩ năng thay tã: Đặt bé lên bàn, hoặc giường, những nơi có diện tích rộng. Luôn đặt bàn tay để giữ bé nếu như bạn phải quay đi lấy vật dụng gì đó. Hãy “làm trò” hoặc nói chuyện và hát cho bé nghe trong khi thay tã để bé không quấy khóc, giãy dụa.
- Đóng tã đúng cách: Với bé trai, mẹ hãy để bộ phận sinh dục của con chúc xuống khi đóng bỉm để nước tiểu không bị tràn ra ngoài. Cha mẹ cũng nên chọn loại tã giấy có thêm lớp lót phụ ở phía trước. Với bé gái, mẹ nên chọn loại bỉm có độ dày tập trung ở phần giữa - nơi bé tiểu nhiều nhất.
Việc thay tã giấy cho con sẽ trở nên dễ dàng và "an toàn" hơn nhiều đấy cha mẹ ạ.
Các bậc phụ huynh hãy lưu ý những điều trên để không mắc phải những sai lầm khiến trẻ bị hăm, ngứa và ảnh hưởng cột sống nữa. Việc thay tã cho con đã dễ dàng này sẽ càng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi cha mẹ “sắm” trong tay những “bí kíp” này.
Ảnh: Internet.