Dưới đây là 4 trong số những loại rắn có độc tính cực mạnh, có thể gây chết người cư trú tại nước ta.
Rắn lục đầu bạc kha-rin Azemiops kharini có các đặc điểm nhận dạng là: Đầu có màu trắng với hai đường sọc đen, chiều dài cơ thể khoảng 759-980 mm, vảy mịn với 17 hàng trên cơ thể, đuôi ngắn, 183 -199 hàng vẩy bụng, 186-201 đốt sống thân, 46 -51 đốt sống đuôi. Đây là loài rắn lục đầu bạc thứ 2 thuộc giống Azemiops và là loài rắn độc thứ 60 trong tổng số hơn 210 loài rắn được ghi nhận ở Việt Nam cho đến hiện tại. Rắn lục đầu bạc được xem là một trong các loài rắn lục nguyên thủy nhất, nó được tìm thấy trong các dãy núi ở Đông Nam Á tại Trung Quốc, đông nam Tây Tạng và Việt Nam.
Rắn lục miền Nam là một trong những loại rắn lục độc nhất sinh sống tại Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng. Đỉnh đầu và thân của loài này có màu xanh lục vừa, phần bụng màu xanh lục nhạt hơn. Một sọc trắng ở phần bụng thỉnh thoảng được viền màu cam hoặc đỏ đậm, chạy dọc theo hàng vảy đầu tiên trên thân. Đôi khi các con đực có đường sọc trắng sau mắt. Đuôi có màu nâu đỏ nhạt. Vảy trên đầu trơn nhẵn, vảy thân gồ lên. Thức ăn của loài này chưa được biết đến. Mỗi lứa đẻ khoảng 7 - 12 con, rắn con dài 12 - 1 8cm. Có nọc độc và nguy hiểm. Loài bò sát ăn đêm này phần lớn thường được tìm thấy trên các bụi rậm, lùm cây thấp ở địa hình đồi núi có độ cao từ 900m đến 1.500m.
Rắn lục hoa cân thuộc họ rắn lục Viperidae này có đầu rất lớn có cơ thể chắc mập, với những khoanh mảnh có màu chấm trắng, đỏ hay xanh đậm, đỉnh đầu màu đen với những chấm xanh nhạt điểm quanh. Vảy bụng màu trắng, viền đen, đuôi màu đen. Con trưởng thành da có màu xanh lá cây sáng hơn với những chấm hay khoanh đỏ trắng. Loài bò sát này hoạt động chủ yếu vào ban đêm có thể các loài động vật nhỏ gặm nhấm là thức ăn chính của chúng, nhưng chúng cũng ăn các loài ếch nhái. Là loài có nọc độc nguy hiểm có thể gây hại cho người.Chúng sinh sống ở các vùng rừng thuộc khu vực Đông Nam Bộ.
Rắn lục đuôi đỏ là loài rắn cực độc trong số các loài rắn lục, thân màu xanh, đuôi có màu nâu đỏ. Chiều dài thân khoảng 60 - 100cm. Thức ăn của chúng là chuột, chim, thằn lằn và ếch. Chúng thường cư ngụ vào ban đêm trên mặt đất và nghỉ ngơi trên cây vào ban ngày. Loài rắn này gây ra nhiều vết thương nguy hiểm do vết cắn của chúng. Đây là loài đặc biệt vì trong họ hàng nhà rắn lục chỉ có rắn lục đuôi đỏ là loại đẻ con. Lúc rắn mẹ mang thai thì nọc độc của nó tập trung nhiều nhất và hung dữ nhất.
Bác sĩ Hoàng Xuân Thục - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9) - cho biết, từ đầu năm đến nay số nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải cấp cứu rất nhiều, chỉ riêng khoa hồi sức cấp cứu mỗi ngày cấp cứu 4-5 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cao điểm có ngày lên đến 11 ca. Trong năm 2013 bệnh viện tiếp nhận trên 150 ca bị rắn cắn (chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ). Về nguyên nhân gần đây xuất hiện nhiều loại rắn này, bác sĩ Thục nói có thể do rắn này người ta không bắt ăn như các loại khác, cộng thêm việc trước đây có thời gian rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên nhiều người bắt, nuôi để bán, sau đó thấy không có tác dụng nên thả ra. |