Năm 2021 có thể được xem là một trong những năm đáng nhớ nhất của Việt Nam. Gần 12 tháng qua, chúng ta đã phải chứng kiến biết bao hình ảnh đau lòng, bi thương do Covid-19 gây nên. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này đã có nhiều khoảnh khắc đáng tự hào, thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, sự lạc quan đáng quý của dân tộc ta.
Năm 2021, Việt Nam đã phải đối mặt với làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19.
“Vết thương lòng" do Covid-19
Còn nhớ vào khoảng thời gian TP.HCM là "tâm dịch" của cả nước, mỗi ngày đâu đâu cũng là tiếng hú còi của xe cứu thương. Bà con luôn phải ở trong nhà để đề phòng dịch bệnh.
Tại nhiều con hẻm, hầu như cư dân đều là F0, cứ đi vài bước lại thấy giăng dây kín lối. Thậm chí còn có những khu vực, số lượng người mất vì Covid-19 lớn đến mức ai cũng ám ảnh, chỉ nghe tiếng xe cấp cứu là đủ lo sợ.
Thời điểm đỉnh dịch, các bệnh viện, cơ sở y tế tại TP.HCM luôn ở trong tình trạng quá tải do số F0 quá lớn.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính đến ngày 29/12, Việt Nam đã có 31.877 trường hợp không qua khỏi vì Covid-19, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm. Trong đó không chỉ có các bệnh nhân mắc Covid-19 mà còn cả những y bác sĩ, người thuộc tuyến đầu phòng dịch không may qua đời vì dịch bệnh khi đang làm nhiệm vụ. Đây là một con số đau lòng, cho thấy sự khủng khiếp mà đại dịch Covid-19 gây nên.
Nỗi mất mát này không gì có thể kể xiết, đặc biệt là đối với những người thân, bạn bè của bệnh nhân mắc Covid-19. Theo báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến ngày 14/10, nước ta đã có hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do đại dịch Covid-19.
Đến nay, ngay cả đỉnh dịch đã đi qua, những hình ảnh bi thương về một đại dịch Covid-19 tàn khốc vẫn còn hiện diện ở đó, trong lòng mỗi người dân.
Bà con tại một khu phố ở TP.HCM tổ chức lễ tưởng nhớ các nạn nhân đã qua đời vì Covid-19.
Những hình ảnh đau lòng trong mùa dịch Covid-19 vừa qua.
>>Xem thêm: Hình ảnh biết nói về đại dịch Covid-19: Những sự sẻ chia thầm lặng
Tinh thần quật cường của các y bác sĩ
Để có thể vượt qua khoảng thời gian tăm tối vừa qua, không thể không nhắc đến sự quật cường, tinh thần dũng cảm, mạnh mẽ của lực lượng thuộc tuyến đầu phòng dịch. Suốt một khoảng thời gian dài, họ đã phải căng mình chiến đấu với Covid-19.
Dù phải tạm rời xa gia đình, gác lại hạnh phúc cá nhân, thế nhưng khi bước vào trận chiến, "những chiến binh áo trắng" lại không ngần ngại xông pha, chấp nhận mọi khó khăn, vất vả. Mỗi ngày, họ không chỉ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh mà còn gánh trên vai một áp lực khủng khiếp, đó là làm sao để bệnh nhân có thể sớm bình phục.
Những người tham gia chống dịch chính là chiến sĩ dũng cảm trong trận chiến này.
Thời điểm Covid-19 hoành hành tại "tâm dịch" Bắc Giang, chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều hình ảnh cho thấy sự hi sinh của các y bác sĩ. Khi đó, thời tiết nắng nóng, các y bác sĩ luôn phải trang bị những bộ đồ bảo hộ kín mít. Đáng nói, có những người đã phải làm việc suốt hàng chục tiếng đồng hồ, mỗi ngày chỉ có thể nghỉ ngơi chóng vánh rồi lại đứng lên tiếp tục làm nhiệm vụ. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng nhiều tình nguyện viên, y bác sĩ ngất xỉu do kiệt sức hoặc quá nóng.
Những hình ảnh ấm lòng mùa dịch.
Hay như tại phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức vào những ngày đầu tháng 7, thời điểm đó đang là đỉnh dịch, mỗi ngày có hơn 100 ca nhiễm mới. Trạm y tế phải liên tục nhận những cuộc gọi cấp cứu, dồn dập đến mức ai cũng bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại. Chia sẻ với VnExpress, bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm Y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức cho biết: "Anh em y tế kiệt sức, người bệnh gọi đến từ khắp nơi, nghe điện thoại quá nhiều đến mức chúng tôi phải đổi nhạc chuông liên tục".
Dù mệt mỏi thế nào, y bác sĩ vẫn cố gắng giữ cho mình tinh thần lạc quan.
Sau khoảng thời gian cam go đó, đã có hàng nghìn nhân viên y tế tại TP.HCM xin nghỉ việc. Một phần nguyên nhân được nhắc đến chính là việc họ không thể chịu được áp lực quá lớn.
Dù vậy, vẫn có những con người quyết tâm chiến đấu đến cùng. Họ cố gắng tự tạo động lực cho bản thân ngoài phòng bệnh lạnh lẽo. Họ lấy sự sống của bệnh nhân làm mục tiêu cho chính mình. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều y bác sĩ đang ngày đêm tất bật bên trong phòng cấp cứu, cố gắng giành lại sự sống quý giá cho bệnh nhân. Sự cống hiến, hi sinh của họ không gì có thể kể hết.
Đối với các y bác sĩ, không gì quan trọng hơn tính mạng của bệnh nhân.
>>Có thể bạn quan tâm: Tưởng niệm người không qua khỏi vì Covid-19: Nguyện cầu được an nghỉ
Những khoảnh khắc thể hiện sự đoàn kết của toàn dân
Không chỉ lực lượng tuyến đầu phòng dịch, ngay cả người dân cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19, nhất là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. VietnamPlus đăng tải, thống kê từ đợt dịch lần thứ 4, có đến hơn 9 triệu người dân rơi vào cảnh éo le.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, đã có rất nhiều bà con vì không có thu nhập, mất việc làm nên đã trở thành người vô gia cư, không nơi sinh sống. Ngay cả cái ăn, cái mặc qua ngày đối với họ cũng là một vấn đề rất lớn.
Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian cam go này, tinh thần đoàn kết, lạc quan của dân tộc ta đã được thể hiện rất rõ nét. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía chính quyền, bà con còn nhận được nhiều tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Dù đại dịch khốc liệt đến đâu thì bà con vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
Tinh thần đoàn kết được thể hiện rõ rệt ở những chuyến xe nghĩa tình chở rau, đồ dùng cá nhân, lương thực thực phẩm. Hay gần gũi hơn chính là việc bà con vui vẻ gặt lúa, thu hoạch nông sản giúp mọi người.
Đáng nhớ nhất phải kể đến hình ảnh các tình nguyện viên trẻ tuổi, lực lượng chức năng cùng nhau đi chợ, mua đồ mang đến tận nhà cho mỗi bà con trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Cả người cho và người nhận, ai nấy cũng đều vui vẻ. Sự nghĩa tình đó đã khiến cho biết bao người không khỏi xúc động. Nhờ đó bà con mới có thêm sức mạnh để vượt qua những ngày đại dịch khốc liệt.
Quân và dân đồng lòng chống lại dịch bệnh.
Vực dậy sau bao sóng gió
Sau một thời gian dài nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng ta đã phần nào kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tính đến nay, bà con đã trải qua gần 2 tháng làm quen với môi trường bình thường mới. Tuy những hệ luỵ do Covid-19 để lại vẫn còn hiện diện, thế nhưng bất kỳ ai cũng đều hiểu được rằng cuộc sống vẫn đang trôi qua từng ngày, phải cố gắng gượng dậy để bước tiếp, bù đắp cho khoảng thời gian tối tăm vừa đi qua.
Hiện nay, với sự hỗ trợ từ phía chính quyền, bà con đã phần nào ổn định cuộc sống. Kinh tế, xã hội cũng đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. Những ngày cuối năm này, không khí lại có phần vui tươi hơn trước. Bởi sau một năm đầy sóng gió vừa qua, đối với tất cả mọi người, chỉ cần được quây quần bên gia đình, bạn bè và người thân đã là điều may mắn, đáng trân trọng.
Sau đại dịch, bà con đã biết chủ động bảo vệ sức khoẻ bản thân hơn.
Năm 2021 chuẩn bị khép lại với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Mong rằng trong năm 2022 tới, Việt Nam sẽ được đón chào nhiều niềm vui tươi, hạnh phúc hơn.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
Nhiều người vẫn thường nói rằng "sau cơn mưa, trời lại sáng". Năm 2021 là một năm đầy sóng gió mà chẳng một ai muốn nhìn lại. Tuy nhiên, qua những gì đã trải qua, chúng ta phải coi đó như một bài học đắt giá để chuẩn bị cho sau này.
Với những kinh nghiệm được đúc rút từ đại dịch Covid-19, Việt Nam có thể chủ động ứng phó với những biến chủng mới trong tương lai. Đồng thời, bà con cũng xây dựng cho mình một thói quen chủ động bảo vệ sức khoẻ bản thân, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.
2021 có thể là năm đáng quên nhưng cũng ẩn chứa biết bao điều đáng nhớ, đáng tự hào. Vì vậy, trong năm 2022 này, chúng ta hãy cùng cầu chúc một tương lai tốt đẹp hơn, nơi không có dịch bệnh và bà con được an yên, hạnh phúc.