Áo dài là trang phục được đa số các người đẹp lựa chọn để “mang chuông đi đánh xứ người”, và trong thực tế đã không ít lần lựa chọn của họ đã làm phật lòng công chúng.
Áo dài vẫn luôn được biết đến như một trang phục cổ truyền mang tính biểu tượng, đai diện cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, thế nên việc đầu tư cho Quốc phục tại các “đấu trường” quốc tế luôn được công chúng đặc biệt chú ý. Ở mỗi cuộc thi, các người đẹp đều chọn cho mình những ekip, nhà thiết kế danh tiếng vào hàng bậc nhất tại Việt Nam, thế nhưng nhìn vào kết quả, dường như có không ít lựa chọn được cho là không hề xứng tầm với sự trông mong từ công chúng.
Áo dài “Long vũ khúc” của Nguyễn Thị Loan
“Long vũ khúc” được giới thiệu là mẫu thiết kế chắt lọc từ những tinh hoa của người Việt và cả hồn dân tộc Việt Nam. Chiếc áo còn là câu chuyện kể về cội nguồn, về những triều đại phong kiến Việt Nam và những nét đẹp tồn tại vĩnh cửu qua mấy nghìn năm lịch sử dân tộc. Theo giải thích từ nhà thiết kế, chiếc áo choàng ngoài thường được mặc trong những nghi thức long trọng ở cung đình xưa, hình ảnh này gợi nhớ đến Hoàng hậu Nam Phương trong lễ tấn phong hoàng hậu. Hai tay áo được vấn lại bằng nhiều lớp vải lấy cảm hứng từ khăn mỏ quạ của miền Bắc.
Tuy nhiên, hiện phản ứng của dư luận về "Long vũ khúc" cũng không mấy khả quan, nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm này được nhồi nhét quá nhiều chi tiết thể hiện sự tham vọng quá đà của Võ Việt Chung. Anh đã "chắt lọc" những thứ rất thân quen để tạo nên một tổng thể bị đánh giá là khá xa lạ, hỗn độn và rối mắt. Hiện công chúng vẫn đang cố gắng chờ xem chiếc áo này có giúp Nguyễn Thị Loan ghi điểm tại Hoa hậu Thế Giới 2014. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, có thể chắc chắn đây là một thiết kế không mang đến sự tự tin cho người hâm mộ về vẻ đẹp của quốc phục trên đấu trường Quốc tế.
Áo dài làm từ lông công của Victoria Thúy Vy
Tham gia tranh tài tại Hoa Hậu Thế Giới 2011, Victoria Thúy Vy kết hợp với nhà thiết kế Cory để mang đến mẫu áo dài, mà theo giới thiệu là được thực hiện bằng tay trong gần một tháng với gần 5.000 chiếc lông công gắn trên áo. Các lông công màu xanh được kết tỉ mỉ và điểm xuyết màu trắng thành nhiều tầng để tạo được hiệu quả 3D, mang lại dáng vẻ uyển chuyển khi di chuyển.
Thế nhưng khi những hình ảnh về chiếc áo được công bố, ngay lập tức đã vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận. Đa số ý kiến cho rằng việc "lông công hóa” áo dài theo hướng này, rõ ràng không mang đến hiệu quả tích cực. Thậm chí có người còn so sánh đại diện Việt Nam trông không khác gì một cây chổi lông gà di động. Bên cạnh đó, một bộ phận những người yêu động vật không ngừng đả kích nặng nề khi Victory Thúy Vy quyết định chọn một thiết kế với thành phần chính là lông chim công, cho một cuộc thi đề cao tính thân thiện như Miss World.
Á hậu Hoàng Anh và áo dài Sen Việt
Nhìn chung tác phẩm của nhà thiết kế Võ Việt Chung dành cho Á Hậu Hoàng Anh tại Hoa hậu Trái Đất không hẳn là một lựa chọn gây phản ứng ngược. Thế nhưng vấn đề là dường như nó không tạo được bất kỳ ấn tượng nào với người hâm mộ. Bộ áo mang thông điệp: Hoa sen từ lâu đã rất gần gũi với tâm tình dân tộc. Như một sự gắn bó ruột thịt, hoa sen và mái đình làng là một trong những nét đẹp điển hình trong nền văn hóa Việt. Nhà thiết kế Võ Việt Chung hy vọng việc đưa hình ảnh sen cổ vào trang phục, đặc biệt lần này sẽ mang đến cho bộ áo dài một nét bản sắc dân tộc cổ xưa thật đậm đà. Tác phẩm với tên gọi Sen Việt được thiết kế trên các chất liệu truyền thống như lụa, tơ, voan… Màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng, tượng trưng cho màu quốc kỳ Việt Nam.
Thế nhưng có lẽ với công chúng, chẳng mấy ai có đủ sâu sắc để đồng điệu được với Võ Việt Chung, khi hầu hết nhận xét về chiếc áo là: quá bình thường, nhạt nhòa thiếu dấu ấn, thậm chí không ít thắc mắc còn cho rằng: chẳng hiểu sao lại chọn bộ này đi thi quốc tế, vì không lẽ xem Hoàng Anh trình diễn phải có thêm nhà thiết kế đứng kế bên phụ đề, để khán giả có thể cảm thụ được từng đó ý nghĩa của chiếc áo dài.
Áo dài rồng của Võ Hoàng Yến tại Hoa Hậu Hoàn Vũ
Chiếc áo dài “Rồng Việt” của Võ Hoàng Yến được nhà thiết kế Đinh Văn Thơ thực hiện trên nền vải ren thêu cao cấp với màu đen sang trọng. "Áo được trang trí hình ảnh rồng bay bằng đá pha lê và đá màu. Rồng có ý nghĩa tượng trưng cho sự dũng mãnh, tung hoành, khả năng uyển chuyển và có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, môi trường. Trên nền đen huyền bí, rồng vàng như vẫy vùng cùng mây gió. Hình ảnh như khắc họa được khí thế vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đó cũng là biểu tượng của hình ảnh của nước Việt, rất dũng cảm nhưng cũng rất nhu hoà tùy thời, tùy lúc. Bộ quốc phục của Hoàng Yến được thiết kế phá cách hiện đại, táo bạo, thể hiện được sự quyến rũ của người phụ nữ nhưng vẫn giữ nguyên nét truyền thống của áo dài Việt Nam", nhà thiết kế Đinh Văn Thơ chia sẻ.
Ý nghĩa là vậy, thế nhưng đây tiếp tục là một sản phẩm không nhận được sự hưởng ứng từ công chúng. Đa phần thể hiện sự thất vọng, khi hình ảnh đại diện Việt Nam được lột tả một cách cứng nhắc, thiếu thanh thoát, và thậm chí có phần già nua. Với sự tươi trẻ, cuốn hút ở thời kỳ đỉnh cao của Võ Hoàng Yến, cô hoàn toàn xứng đáng với một thiết kế ưa nhìn hơn.
Áo dài 5m của Hoa hậu Thùy Lâm
Tuy Thùy Lâm đã quyết định không chọn thiết kế này để trình diễn, vì theo cô là với chiều dài 5m thì rất khó khăn trong việc di chuyển. Mặc dù vậy, sự cố cũng kịp trở thành đề tài khi quyết định của Hoa hậu chắc chắn đã làm phật ý tâm huyết từ nhà thiết kế Võ Việt Chung. Theo anh, đây là chiếc áo dài được lấy cảm hứng từ họa tiết cung đình triều Nguyễn, với tà dài 5m, được đính 2.500 viên pha lê trên chất liệu lãnh Mỹ A và lụa Hà Đông. "Vừa mang nét gì đó quý phái, uy quyền của các vương phi, hoàng hậu Việt Nam nhưng cũng vừa ra dáng một cô gái giản dị, thanh thoát là điều mà tôi mong Hoa hậu Thùy Lâm sẽ cảm nhận được khi mặc và trình diễn chiếc áo này", Võ Việt Chung chia sẻ.
Ở thời điểm cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ diễn ra tại Việt Nam, Võ Việt Chung được giới thiệu là nhà thiết kế đảm trách việc thực hiện hai bộ áo dài cho Hoa hậu Thùy Lâm trình diễn trước bạn bè năm châu bốn bể. Thế nhưng vào phút chót, gia đình Thùy Lâm đã quyết định khước từ tác phẩm này, vì cho rằng nó không phù hợp với cô, đặc biệt là trong vấn đề di chuyển. Kết quả, thiết kế thay thế mang tên Vũ Khúc Hạc của nhà thiết kế Thuận Việt với cảm hứng từ Nam Phương Hoàng Hậu đã giúp Thùy Lâm hoàn thành tốt vai trò trong đêm trình diễn trang phục truyền thống, còn bộ áo dài vương phi của Võ Việt Chung lại được diện bởi MC Ngô Mỹ Uyên.