Từ đam mê tới hành động hiệp nghĩa, nhóm "Hiệp sĩ đường phố" VN được vinh danh trên báo nước ngoài

13:30 02/06/2018

Mặc dù mệt mỏi, nhiều nguy hiểm, nhiều áp lực cuộc sống, và nhiều lúc nghĩ tới việc rời nhóm, nhưng những "hiệp sĩ đường phố" vẫn không thể từ bỏ đam mê bắt cướp, góp đem bình yên cho cuộc sống, không cần đền đáp.

Sau khi một đoạn phim ghi lại cuộc rượt đuổi tốc độ cao của nhóm "Hiệp sĩ đường phố" Việt Nam trong lúc đang truy bắt tội phạm được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, hãng tin Reuters đã đăng một bài viết những chàng trai này. 

Không được ai trả tiền, họ tình nguyện truy bắt tội phạm ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và tỉnh Bình Dương lân cận, nơi người dân than phiền về tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng.


Những “hiệp sĩ đường phố” với trang bị thô sơ luôn sẵn sàng lên đường giúp đỡ người dân. Ảnh: Reuters​
Những “hiệp sĩ đường phố” với trang bị thô sơ luôn sẵn sàng lên đường giúp đỡ người dân. Ảnh: Reuters​

“Chúng tôi làm công việc này không bởi vì tiền”

Anh Nguyễn Thanh Hai, một trong những thành viên của nhóm “hiệp sĩ đường phố”, chia sẻ rằng, một ngày anh nhận được từ 50 đến 100 cuộc gọi nhờ giúp đỡ khi có những vụ cướp, sử dụng ma túy, hay thậm chí bắt cóc. “Bất cứ khi nào có người cần giúp đỡ, tôi sẽ đến ngay. Kể cả là lúc nửa đêm, dù đã rất buồn ngủ”.

Anh Hai, nay đã 47 tuổi, có giữ một cuốn sổ ghi chép lại chi tiết của gần 4.000 vụ án trong suốt 21 năm mà anh đã giúp đỡ cảnh sát mặc dù không hề nhận được bất kỳ đồng tiền thưởng hay lương nào. “Chúng tôi làm những việc này không bởi vì tiền”, anh Hai vui vẻ nói.

Anh là một thành viên trong nhóm khoảng 30 hiệp sĩ đường phố tại TP HCM. Để làm được công việc này, họ đã nâng cấp những chiếc xe của mình để có thể đạt vận tốc tối đa hơn 170 km/h, trang bị còi báo động như những cảnh sát chuyên nghiệp.

Sau khi đoạn video ghi cảnh rượt đuổi tội phạm của nhóm hiệp sĩ được chia sẻ trên mạng, anh Pham Tan Thanh, 31 tuổi, làm tài xế taxi ở Bình Dương đồng thời là một "hiệp sĩ đường phố" trong thời gian rảnh chia sẻ: “Con trai đã rất thích thú khi nhìn thấy tôi trên YouTube và còn luôn hỏi tôi là khi nào cha sẽ đi bắt tội phạm nữa”.

Theo Reuters, tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ tội phạm khá thấp, nhưng tình trạng trộm cắp vặt, trộm cắp trên đường phố vẫn thường xuyên xảy ra lại là vấn nạn, đặc biệt ở những thành phố lớn như TP HCM với dân số khoảng 8,6 triệu người. Theo xếp hạng Chỉ số Thành phố An toàn của nhóm nghiên cứu The Economist Intelligence Unit (EIU), vào năm ngoái, TP HCM là một trong 3 thành phố kém an toàn trên thế giới trong tổng số 60 thành phố được nhắc đến, chỉ sau Caracas và Karachi. Một số nạn nhân, với hy vọng được trợ giúp nhanh hơn, đã tìm đến các hiệp sĩ thay vì lực lượng chức năng.

Nhiều hiểm nguy...

Bởi công việc này thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nên dù luật không cho phép dùng vũ khí, nhưng cảnh sát đã tập huấn cho những “hiệp sĩ đường phố” để có thể xử lý những vấn đề pháp lý, sử dụng võ để tự vệ.

Tháng 5 vừa qua, vụ việc 2 người bị đâm đến tử vong ở TP HCM và 3 người bị thương nặng khi đụng độ những tên cướp đã khiến dư luận Việt Nam cực xôn xao, những vụ bắt cướp của nhóm hiệp sĩ này lại càng được quan tâm, chú ý.


Những người đàn ông dũng cảm tuần tra quanh thành phố. Ảnh: Reuters
Những người đàn ông dũng cảm tuần tra quanh thành phố. Ảnh: Reuters

Anh Nguyen Viet Sin thuật lại lần chạm trán với một tên trộm. Lần đó, hắn ta đã tự cắt tay mình để máu chà xát lên vết thương của anh, khiến anh rất lo lắng, bởi kẻ tình nghi ấy bị nhiễm HIV. Thậm chí, có lúc anh đã nghĩ đến việc từ bỏ.

“Tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng sau khi hồi phục lại và thấy clip về những vụ cướp được chia sẻ trên mạng, tôi lại lên đường. Đam mê ấy như còn mãi”, anh Sin chia sẻ.

“Đã ăn vào máu”

Sau sự việc 2 “hiệp sĩ đường phố” thiệt mạng khi đụng độ kẻ cướp làm chấn động dư luận Việt Nam, gia đình của các hiệp sĩ rất lo lắng và muốn các anh dừng công việc nguy hiểm này lại. Nhưng, dường như việc hai đồng đội ngã xuống trong lúc bảo vệ người dân, lại càng khiến ý chí của các anh dâng cao.


"Hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long, chủ trang Facebook "Đội săn bắt cướp TP.HCM". Ảnh: NVCC.
"Hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long, chủ trang Facebook "Đội săn bắt cướp TP.HCM". Ảnh: NVCC.

Anh Mai Truong Xuan Huy, 44 tuổi, một Việt kiều Mỹ làm nhân viên bảo vệ tại California tâm sự: “Dù rất mệt mỏi, nhưng tôi cảm thấy vô cùng tự hào mỗi khi có thể giúp được ai đó. Tôi đã từng bị xịt hạt tiêu, bị đánh vào đầu. Công việc này nguy hiểm lắm và bây giờ bọn tội phạm còn có nhiều vũ khí. Không phải chuyện đùa đâu”. Anh Huy cho biết, anh đã rời Việt Nam trong thập niên 1990, nhưng mỗi mùa hè, anh lại quay về để chiến đấu với tội phạm cùng các “hiệp sĩ đường phố”.

Anh cũng từng nghĩ đến việc rời nhóm hiệp sĩ. Giữa lúc đang cân nhắc, thì suy nghĩ ấy bị gián đoạn khi có hai người nhờ giúp đỡ. Anh và các bạn lại lập tức lái xe chạy ra đường. “Tôi không thể chịu được“, anh nói khi chuẩn bị rời đi. “Việc này đã ăn vào máu trong tôi rồi”. 

Theo Reuters, khác với những chiến binh thời trung cổ trong truyền thuyết, những “hiệp sĩ đường phố” tại TP HCM được trang bị “chiến mã” là chiếc xe máy, dép cao su thay cho những đôi bốt bằng kim loại, và “áo giáp” của họ là chỉ là một chiếc áo gió. Nói về công việc nguy hiểm nhưng đầy hiệp nghĩa này, anh Sin chia sẻ: “Khi trách nhiệm không chỉ của cảnh sát mà được san sẻ với mọi người, chất lượng an ninh xã hội sẽ được nâng cao hơn rất nhiều”.

Tổng hợp