Trên trái đất này không có sự bảo đảm; chỉ có cơ hội - Douglas MacArthur
Ngày 4/10 vừa qua các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook, Instagram, Whatsapp đột ngột bị tê liệt với quy mô “lớn chưa từng thấy” khiến người dùng trên toàn thế giới. Sự kiện này gây nên thiệt hại đáng kể cho cả người dùng và chính Facebook.
Tại Việt Nam, một đất nước có đến 60 triệu (tương đương 60%) người sử dụng Facebook cũng có một đêm hoang mang khi không thể truy cập và kết nối với mọi thứ từ công việc, tin tức đến liên lạc với những người xung quanh. Sau đó, nhiều người dùng đồng loạt chuyển sang Zalo để kết nối. Lúc bấy giờ họ mới nhận ra, có một mạng xã hội tuy là “cây nhà lá vườn” nhưng bền bỉ hơn bất kì ai.
Mốc son trong làng công nghệ Việt Nam
Tháng 6 vừa qua, theo Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam do Công ty Adsota công bố, Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất và chính thức đẩy Facebook Mesenger về vị trí thứ 2 sau nhiều năm thống lĩnh tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, một báo cáo mới nhất của Decision Labs cũng cho thấy ở mảng Social Platform, trong quý I năm nay, Zalo đã vượt Facebook và Youtube trở thành mảng xã hội phổ biến của Gen Z với tỷ lệ sử dụng lên đến 94%. Ở Gen Y, Zalo hiện đang xếp trên Youtube với 88%..
Trước đó, năm 2019, ở đối tượng người dùng từ 16 đến 64 tuổi, Zalo đã đuổi kịp Facebook Mesenger với 74%. Nhưng đến năm 2020, con số này ở Facebook Messenger chỉ còn 75,8%, trong khi Zalo là 76,5%. Đây cũng là dấu mốc cho sự “soán ngôi” của Zalo để trở thành ứng dụng nhắn tin có tỷ lệ người dùng cao nhất Việt Nam.
Zalo vượt mặt Messenger của Facebook để trở thành ứng dụng nhắn tin được dùng nhiều nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Adsota)
Thực tế, trên thế giới, ngoài nước Nga với VK (Vkontakte), có rất ít quốc gia có nền tảng mạng xã hội của riêng mình và đánh bật những “ông lớn” của thế giới. Trong một chừng mực, thành tích này có thể xem là tín hiệu tích cực chung của nền công nghệ Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, Zalo được cho ra mắt bởi VNG, công ty đứng sau tựa game Võ lâm truyền kỳ hay mạng xã hội Zing Me đình đám một thời. Tuy nhiên không vì thế mà Zalo được đón nhận ngay. Sau một thời gian ra mắt (năm...), đội ngũ của Zalo đã nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình khi phát triển app trên phiên bản web đầy bất tiện cho người dùng.
Phải nói thêm, thời điểm đó Zalo còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các anh lớn đã xâm nhập thị trường OTT Việt Nam từ trước như Kakao Talk (Hàn Quốc), WeChat (Trung Quốc), Line (Nhật Bản) và đặc biệt là Viber. Mang danh công nghệ nước ngoài vô cùng hấp dẫn với người dùng và sở hữu nguồn lực tài chính lớn mạnh, các nền tảng này phủ sóng khá mạnh trên mọi phương tiện truyền thông. Nhưng may mắn, Kakao Talk và Line không thấu hiểu cũng như tập trung vào nhu cầu thật sự của người dùng Việt Nam, Viber không có chức năng gọi video. Còn WeChat, lợi dụng vị thế lớn và lượng khách hàng đông của mình đã âm thầm gắn “Đường lưỡi bò” vào bản đồ và nhanh chóng bị người dùng Việt Nam “xóa sổ”.
Zalo ra đời trong thời điểm những ứng dụng OTT nước ngoài rất mạnh và phổ biến. (Ảnh: Internet)
Giàu kinh nghiệm và thức thời, VNG sau sai lầm của mình đã lập tức thay đổi chiến thuật. Zalo được phát triển thành một ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên thiết bị di động và hoạt động ổn định ngay cả với trên nền tảng mạng internet còn yếu kém của Việt Nam. Thời điểm đó, người dùng không cần sở hữu smartphone mà chỉ cần một thiết bị điện tử cảm ứng bình dân cũng có thể sử dụng Zalo khá mượt mà.
Đúng nửa năm sau, tháng 1/2013, Zalo đánh bại WeChat và chiếm lấy vị trí thứ 1. Tháng 5 cùng năm, Zalo đạt dấu mốc 2 triệu người dùng và có được sự phát tán tự nhiên tương đương như Facebook mà không cần những chiến dịch hay đại sứ quảng cáo rầm rộ. Đến nay Zalo đã công bố có được 100 triệu người dùng trên toàn thế giới, bao gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Myanmar và Mỹ. Tại Việt Nam, Zalo phục vụ 64 triệu người dùng thường xuyên với 1,7 tỷ tin nhắn, hình ảnh được gửi đi mỗi ngày.
Sức mạnh của Zalo
Zalo có được thành công từ sớm nhưng không phải nhờ may mắn. Ngoài sự xuất sắc của những người làm kỹ thuật, nó còn đến từ sự thích nghi nhanh và thấu hiểu. Không ai hiểu người dùng Việt Nam hơn chính họ. Những người tạo nên Zalo là người Việt, họ hiểu rõ khách hàng của mình yêu thích sự miễn phí nhưng phải chất lượng và đặc biệt tiện lợi. Zalo làm được điều này - khi chỉ cần có số điện thoại và một thiết bị di động kết nối với internet, người dùng có ngay tài khoản tích hợp nhiều tiện ích để sử dụng.
Thời gian mới ra mắt, Zalo thu hút người dùng bởi nhiều lý do như trình nhắn tin, gọi điện nhanh và ổn định, tương thích với các hệ điều hành thông dụng iOS, Windows Phone và Android. Ngoài ra, từ nội dung, thiết kế, giao diện đều phù hợp với nhu cầu và thẩm mỹ của người Việt.
Zalo có thể chạy tốt trên nhiều hệ điều hành khác nhau. (Ảnh: Internet)
Còn ở thời điểm hiện tại, khi hầu hết người dùng trong nước đều sở hữu điện thoại thông minh, Zalo cũng không ngừng cải tiến và cập nhật phiên bản mới. Đây cũng là ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí duy nhất được trang bị thêm đội ngũ chăm sóc khách hàng giống như các kênh thương mại điện tử. Họ luôn lắng nghe và giải quyết các vấn đề được người dùng phản ánh và cải tiến sản phẩm của mình.
Năm 2019, Zalo từng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM có văn bản đề nghị thu hồi hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me do không có giấy phép thiết lập mạng xã hội. Khi ấy, nhiều người mới giật mình vì vẫn nhầm tưởng Zalo là “mạng xã hội” lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong các thông tin chia sẻ trước truyền thông, Zalo luôn khẳng định mình là một OTT và sẽ đi theo mô hình OTT. Hiện nay Việt Nam chưa có chính sách quản lý đối với OTT nên việc phát triển, sáng tạo trên Zalo do đó cũng được tự do, thoải mái hơn.
Có thể vì thế mà Zalo có nội dung và giao diện không giới hạn. Zalo tích hợp tất cả các tính năng phù hợp cho công việc, học tập lẫn chia sẻ thông tin. Từ việc truyền file, giao việc, lên lịch hẹn đến chia sẻ hình ảnh chuẩn HD, biểu tượng cảm xúc đa dạng, sinh động... tại Zalo đều không thua kém bất cứ ứng dụng nhắn tin nào trên thế giới. Đặc biệt, Zalo còn đang trên hành trình trở thành siêu ứng dụng khi người dùng có thể tra cứu thông tin và thời tiết, đọc tin tức, mua sắm (Lazada), trả hóa đơn điện nước,...
Zalo là siêu ứng dụng vớ nhiều tiện ích nhưng vẫn chạy mượt mà trên cả máy tính và điện thoại di động. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, Zalo còn hợp tác với hơn 30 cơ quan hành chính các tỉnh thành trên khắp cả nước để triển khai mô hình hành chính công 4.0, cải cách và xây dựng mô hình thành phố thông minh, kiểm tra tình trạng hồ sơ, nhận góp ý của người dân với các cơ quan nhà nước.
Từ năm 2019, Zalo cũng trở thành kênh để các cơ quan nhà nước thông tin đến người dân một cách kịp thời về tình hình dịch Covid 19 và tích hợp hệ thống khai báo y tế. Tháng 9 vừa qua, Zalo cũng là kênh để người dùng tra cứu tình trạng tiêm vắc xin của mình. Có thể nói Zalo là có tất cả những gì mà người Việt cần hỗ trợ trong cuộc sống.
Nhưng sau tất cả những ưu điểm trên, có một điều ai cũng biết nhưng không ai nghĩ đó lại là yếu tố tạo nên sự thành công cho Zalo: Sự lãng mạn. Khi những người lãnh đạo Zalo phát biểu rằng thế mạnh mà họ có chính là giấc mơ tạo ra một ứng dụng nhắn tin thuần Việt cho hàng triệu người Việt Nam, nhiều người từng cảm thấy buồn cười. Cũng dễ hiểu, bởi thời điểm đó, dường như chưa có ứng dụng công nghệ Việt nào bảo chứng cho sự thành công này. Còn bây giờ, Zalo là “những kẻ khờ mộng mơ” đã làm nên chuyện.
Cảm hứng cho mạng xã hội “Made in Việt Nam”
Thành công của Zalo đã truyền cảm hứng lớn cho người làm công nghệ tại Việt Nam. Nó chứng minh những sản phẩm do người Việt làm nên cũng chất lượng và đủ khả năng để cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế, đồng thời tiếp thêm niềm tin cho những Start up công nghệ trẻ vốn không có nguồn lực kinh tế mạnh và phải đối đầu với nhiều ông lớn.
Cũng cần nói thêm, về cơ bản, việc phát triển mạng xã hội dành riêng cho người Việt luôn được coi là cần thiết.Thực tế, hầu hết các mạng xã hội như Facebook hiện vẫn yêu cầu người dùng “chi trả” thông tin cá nhân như tên, tuổi, số điện thoại, email, địa chỉ...để đổi lấy quyền sử dụng. Ngoài lo lắng của người dùng về khả năng những thông tin này này được rao bán hay sử dụng cho mục đích không lành mạnh, đây còn là vấn đề an ninh gắn với mỗi quốc gia.
Và, dù mạng xã hội nước ngoài không bị cấm đoán, nỗi lo lắng này đang dần được đẩy lùi bởi sự lớn mạnh và phủ sóng ngày càng nhiều của sản phẩm quốc nội như Zalo, hoặc gần đây là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên). Tuy còn nhiều nhược điểm về giao diện hay tiện ích, đó vẫn là một tín hiệu đáng mừng.
Lời người viết: Theo thống kê “Digital 2021” củaWearesocial và Hootsuite thực hiện, dân số Việt Nam xấp xỉ 98 triệu người, trong đó có 69 triệu người dùng Internet và 72 triệu người dùng mạng xã hội. Trung bình một người Việt dành khoảng 7 tiếng trực tuyến mỗi ngày. Đây là yếu tố để thúc đẩy nền tảng mạng xã hội Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, sau thành công của Zalo.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh từ đại dịch Covid - 19, yêu cầu về sự sáng tạo và cải tiến để thuyết phục người dùng Việt Nam cũng đang là thách thức lớn với các mạng xã hội này.