Những ngày gần đây, Việt Nam liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 lớn. Trong đó có rất nhiều trường hợp đủ điều kiện tự cách ly, điều trị tại nhà. Trong khoảng thời gian tự theo dõi sức khoẻ, nhiều người thường có thói quen mở cửa sổ, ra ban công tập thể dục...
Điều này đã khiến cho nhiều hàng xóm lo sợ bản thân sẽ vô tình bị "dính virus" bay ra từ nhà F0 bên cạnh. Tuy nhiên, cách hiểu này thực chất không đúng. Để bà con hiểu rõ hơn, các chuyên gia đã có lời giải thích rõ ràng.
Nhiều F0 đang phải cách ly tại nhà theo quy định. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh)
Infonet đăng tải, hiện nay có rất nhiều người lo lắng bản thân sẽ bị nhiễm bệnh nếu hàng xóm là F0 liên tục mở cửa, ra ngoài. Điển hình như chị N.T.T (34 tuổi, quận 7, TP.HCM). Gia đình chị có hai người lớn đã ngoài 70 tuổi, vì vậy trong đợt dịch vừa qua, chị rất cẩn trọng, đề phòng Covid-19.
Tuy nhiên, hàng xóm nhà chị lại có một người là F0. Thay vì ở trong nhà, người này lại thường xuyên mở cửa, ra ngoài ban công tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Thậm chí nhiều lúc ông còn không đeo khẩu trang.
Điều này đã khiến cho gia đình chị T vô cùng lo lắng. Chị sợ rằng virus sẽ từ nhà hàng xóm bay sang nhà mình và lây nhiễm cho những người thân trong gia đình. Vì vậy, chị đã báo với ban quản lý toà nhà, đồng thời đóng mọi cửa trong nhà để yên tâm hơn.
Hình ảnh F0 lạc quan ra ngoài tập thể dục. (Ảnh: Người Lao Động)
Nói về điều này, nhiều chuyên gia nhận định rằng, bà con không nên lo lắng về việc virus sẽ bay vào nhà mình. Giải thích rõ hơn, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm, TP.HCM cho biết, việc có hàng xóm là F0, F1 là chuyện rất đỗi bình thường hiện nay.
Tất cả mọi người đã quay trở lại với cuộc sống đời thường, đều đi làm, lao động, đi chợ, mua sắm nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành F. Việc hàng xóm phát hiện bản thân là F0 chỉ đồng nghĩa với việc họ biết sớm hơn người khác.
Di chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài đến 3 tháng.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho biết, đối với mỗi F0, trong khoảng thời gian tự cách ly, điều trị tại nhà đều được khuyến cáo mở cửa sổ để thoáng khí và tập luyện thể dục tăng cường hệ miễn dịch. Hàng xóm xung quanh cũng không cần lo lắng về điều này vì virus SARS-CoV-2 chỉ lây cho con người khi tiếp xúc trực tiếp, còn việc mở cửa không có tổn hại gì. Được biết, virus ngay khi bay ra ngoài sẽ bị làm loãng, gặp khí nóng liền biến mất. Vì vậy dù F0 ra ban công đứng cũng không thể khiến virus bay vào nhà bên cạnh.
Chưa kể, nếu bắt một nhà có F0, F1 phải đóng cửa sẽ khiến không khí bên trong phòng họ tù túng, vô tình dẫn đến việc người chưa bị bệnh cũng bị lây nhiễm, còn bệnh nhân ngày một diễn tiến bệnh nặng.
F0 không cần lúc nào cũng phải đóng kín cửa, ở trong nhà. (Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An)
Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Trương Hữu Khanh, PGS.TS. Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM cũng đưa ra nhận định, virus nCoV thường chỉ lây qua đường tiếp xúc và giọt bắn, cụ thể là khi chúng ta chạm vào quần, áo, cơ thể nguồn bệnh hoặc nói chuyện gần nhau, ho, hắt hơi...
Virus có thể lây qua đường không khí nhưng điều này rất hiếm gặp, đồng thời phải trong môi trường kín, sử dụng điều hòa. Còn với ban công của nhà dân, nếu khoảng cách tiếp xúc quá sát nhau (dưới 2m) thì mọi người không nên ra cùng lúc với F0 để hạn chế lây do các giọt bắn. Còn nếu hai ban công cách xa nhau (điển hình như tại các chung cư) thì virus không thể bị thổi từ nhà này sang nhà khác.
Mọi người có thể ra ban công hít thở không khí ngay cả khi hàng xóm là F0. (Ảnh: Kiến Thức)
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Chủ động bảo vệ sức khoẻ bản thân là điều nên làm, tuy nhiên cần phải hiểu đúng, làm đúng. Đồng thời, bà con cũng đừng quên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
F0 TẮM CÓ KHIẾN BỆNH NẶNG HƠN?
Hiện nay có rất nhiều F0 thắc mắc rằng, bản thân nhiễm Covid-19 có nên tắm hay không. Và liệu rằng việc tắm có khiến cho bệnh tình của họ trở nên nặng hơn hay không. Để giải đáp điều này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có câu trả lời chính xác nhất.
Cụ thể, chia sẻ với Zing News, vị chuyên gia cho biết cho đến hiện tại chưa có cơ sở khoa học nào chỉ ra rằng tắm có thể khiến F0 diễn tiến bệnh nặng. Thời điểm nhiễm bệnh, mọi người sẽ có triệu chứng sốt, nhiệt độ cơ thể cao, vì vậy tắm sẽ cảm giác lạnh hơn.
Nếu điều đó gây khó chịu, bệnh nhân nên chuyển sang nước nóng, miễn sao cảm thấy thoải mái nhất là được. Đồng thời, F0 không nên ngâm mình quá lâu, khi tắm xong phải lau khô người để tránh mất nhiệt.