Áo dài được xem là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và thường được sử dụng trong các dịp quan trọng hay ở những nơi nghiêm túc hoặc với mục đích muốn lưu giữ kỉ niệm đẹp. Tuy nhiên, mới đây việc mặc áo dài khi tới tham quan bảo tàng bị thu phí khiến nhiều người bức xúc.
Nhóm người mặc áo dài khi đi tham quan bảo tàng. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tuổi Trẻ đưa tin về trường hợp tiến sĩ Đ.T.L cùng bạn bè đến Bảo tàng TP.HCM để tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua các hiện vật được trưng bày ở đây vào sáng ngày 26/12. Tuy nhiên, anh cho biết, nhân viên đã yêu cầu một thành viên trong đoàn mua thêm vé chụp hình vì mặc áo dài. Nhân viên phía bảo tàng cho rằng: “Người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi. Có đầu tư về mặt trang phục là sẽ có chụp ảnh nên phải mua vé theo giá có chụp ảnh.”
Tiến sĩ Đ.T.L không đồng ý, yêu cầu nhân viên bán vé loại thường cho mọi người. Tuy nhiên, sau đó cuộc tham quan không được thoải mái vì nhân viên bảo tàng đi theo cả hành trình để giám sát, thậm chí cuối buổi còn yêu cầu mọi người đứng hàng ngang chụp hình làm bằng chứng. Anh Đ.T.L bức xúc chia sẻ với Tuổi Trẻ:
Mọi người bị thu thêm phí chụp ảnh vì diện áo dài. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
“Cá nhân tôi hoàn toàn hiểu rằng bảo tàng có chính sách vé riêng dành cho khách tham quan bình thường và khách có nhu cầu chụp ảnh chuyên nghiệp. Xét thấy nhóm tôi là những người khách tham quan bình thường, tôi đã yêu cầu cô ấy bán vé loại thường cho mỗi người trong nhóm. Tôi đề xuất cô có thể theo dõi hoạt động của mọi người qua camera bảo tàng. Tuy nhiên, cô ấy nhất quyết cho rằng nhóm sẽ lén lút chụp ảnh chuyên nghiệp.
Sau khi chúng tôi cương quyết mua vé loại thường và được giải quyết, phía bảo tàng đã cử người đi theo xuyên suốt chuyến tham quan để ghi hình. Cuối buổi, họ bắt chúng tôi đứng hàng ngang để chụp hình làm bằng chứng cứ như chúng tôi là tội phạm.”
Tiến sĩ Đ.T.L cho biết, anh luôn khuyến khích người trẻ mặc áo dài vì muốn lan toả tình yêu văn hóa. Tuy nhiên, sự việc trên khiến anh không khỏi bức xúc, vì cảm thấy như mình có lỗi khi mặc áo dài. Sau khi kết thúc chuyến tham quan, phía tiến sĩ Đ.T.L đã gửi thư tường trình vấn đề trên với giám đốc Bảo tàng TP.HCM. Hiện tại, anh vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía bảo tàng.
Áo dài là trang phục được mọi người khuyến khích sử dụng đúng mục đích, hoàn cảnh để nhằm lan tỏa văn hóa truyền thống tới cộng đồng, nhất là giới trẻ. Thu phí là sự việc bức xúc hiếm hoi bởi lẽ trước đó các tỉnh thành có rất nhiều chính sách nhằm phục hưng áo dài truyền thống. Chẳng hạn Thừa Thiên Huế đã có công văn về việc cho phép những người diện trang phục áo dài truyền thống Việt Nam khi tham quan di tích Huế được miễn phí tiền vé.
Mọi người được miễn phí vé vào di tích Huế khi diện áo dài. (Ảnh: Dân Trí)
Cụ thể, từ ngày 6/3 đến ngày 8/3, công dân khi mặc trang phục áo dài sẽ miễn 100% giá vé khi tới các di tích Huế tham quan. Đây được xem là động thái nhằm hưởng ứng sự kiện Tuần lễ Áo dài do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện một số biện pháp khác nhằm phục hưng áo dài truyền thống.
Chẳng hạn, tổ chức các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp áo dài Huế như: Ngày hội Áo dài Huế, Lễ hội áo dài trong các kì Festival… Trong năm 2020, hoạt động mặc áo dài ngũ thân đến công sở làm việc vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng cũng đã được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thử nghiệm. Phong trào này đang được lan tỏa ngày càng rộng.
Chủ tịch Thừa Thiên Huế mặc áo dài dẫn học sinh đi tham quan trụ sở. (Ảnh: Dân Việt)
Áo dài là trang phục truyền thống cần được lưu giữ và lan tỏa rộng rãi nhiều hơn nữa. Mọi người có thể sử dụng thường xuyên trong hoàn cảnh, môi trường phù hợp. Còn bạn có suy nghĩ gì về việc thu phí chụp ảnh khi mặc áo dài, hãy chia sẻ ý kiến ngay nhé.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.
ĐỒ ÁN MANG TÊN “AODAI” PHÁ CÁCH CỦA NỮ SINH GÂY TRANH CÃI
Tài khoản N. từng đăng tải bài viết kèm hình ảnh lên mạng xã hội kèm câu hỏi: Theo bạn đây có còn là áo dài. Bài viết này chia sẻ lại ý tưởng của một nữ sinh học thiết kế, đã để tà áo dài trang trí theo phong cách nổi loạn của tuổi dậy thì với mục đích làm mới áo dài. Những họa tiết trên tà áo mang phong cách đường phố khá nổi bật.
Ngay lập tức cư dân mạng nổ ra tranh cãi, một số người cho rằng, áo dài là trang phục truyền thống có ý nghĩa riêng. Nữ sinh làm như vậy là đi ngược lại giá trị truyền thống của áo dài và cách trang trí này hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng, cái gì cũng cần có sự đổi mới.