Khoảng đầu tháng 10, thông tin hãng giày Nike sẽ "rút quân" khỏi Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ngay sau đó, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã lên tiếng cho biết đây là tin không chính xác.
Mới đây nhất, báo Tuổi Trẻ đưa tin, bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, giám đốc phát triển bền vững Noel Kinder của Tập đoàn Nike chính thức thông báo, gần 200 nhà máy cung cấp hàng cho Nike tại Việt Nam đã hoạt động trở lại.
Nike có gần 200 nhà máy cung cấp dây chuyền sản xuất cho hãng tại Việt Nam. (Ảnh: Thanh Niên)
Toàn bộ các nhà máy của Nike tại Việt Nam sản xuất trở lại
Ngày 2/11 (theo giờ Scotland), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Kinder. Tại đây, ông Kinder khẳng định, toàn bộ gần 200 nhà máy thuộc hãng Nike ở các địa phương bị đứt gãy sản xuất do dịch Covid-19 thời gian vừa qua đã mở cửa sản xuất. Đồng thời, ông Kinder cũng thay mặt tập đoàn gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành cùng nhiều địa phương đã nhiệt tình hỗ trợ đơn vị trong bối cảnh vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay.
Ông Kinder nhấn mạnh: "Tập đoàn Nike cảm ơn và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam".
Nike là một trong những thương hiệu lớn, được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa: Authentic Shoes)
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, Nike sẽ rút dây chuyền sản xuất ra khỏi Việt Nam, chuyển đến Indonesia và Trung Quốc do 2 nước này tình hình dịch đã ổn định. Tuy nhiên, sau đó, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lên tiếng đính chính, khẳng định đây là tin giả.
"Trong giai đoạn vừa qua, một số đơn hàng của Nike đến hạn, để kịp giao hàng và đảm bảo đúng tiến độ, họ đã chuyển đơn hàng sang nhà máy ở một số quốc gia khác. Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành, CEO của Nike cũng khẳng định sẽ không rời bỏ Việt Nam, không có chuyện chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang các quốc gia khác", báo Lao Động dẫn lời ông Tuấn Anh.
>>Xem thêm: Các công ty ở TP.HCM tuyển dụng gấp lao động, sẵn sàng trả lương hàng chục triệu
Chuỗi cung ứng của Nike tại Việt Nam lớn thế nào?
Báo Tuổi Trẻ cho biết, Nike đang làm việc với rất nhiều nhà máy của khoảng 200 nhà cung cấp ở nước ta. Đặc biệt, số lượng sản phẩm của Nike xuất xứ từ Việt Nam chiếm tỉ lệ rất lớn.
Cụ thể, số liệu từ công ty nghiên cứu BTIG của phố Wall cho thấy, lượng sản phẩm của Nike sản xuất tại nước ta chiếm đến 43% tổng số sản phẩm. Vì thế, khi nhiều nhà máy buộc phải dừng hoạt động do dịch, hoạt động của Nike đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Tuy nhiên đây là nguyên nhân mang tính nhất thời, hơn nữa các đối thủ cạnh tranh của Nike cũng không tránh khỏi tác động nên khả năng bị mất thị phần là không quá đáng lo ngại.
Sản phẩm của Nike xuất xứ tại Việt Nam chiếm gần nửa tổng số sản phẩm. (Ảnh: Báo Đầu Tư)
>>Có thể bạn chưa biết: Mách bạn cách chuẩn nhất phân biệt giày Nike thật và giả
Trang Nhịp sống Kinh tế cho biết, đến tháng 8/2021, có 138 nhà sản xuất, cung ứng của Nike đặt nhà máy tại Việt Nam với 484.000 lao động, trong đó 79% là nữ, chủ yếu sản xuất 3 mặt hàng chính là trang thiết bị; hàng may mặc và giày dép. Những nhà máy này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính gần nhất vào ngày 31/5/2021 cho thấy, doanh thu của Nike đạt hơn 44,5 tỷ USD (hơn 1 triệu tỷ đồng), chi phí giá vốn 24,6 tỷ USD (khoảng 559 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị ước tính lượng hàng hóa mua từ các nhà cung ứng tại Việt Nam có thể vào khoảng 8-10 tỷ USD (tương đương 181 - 227 ngàn tỷ đồng).
Đáng nói, các nhà cung ứng chủ lực cho hãng thời trang nổi tiếng này đều là những doanh nghiệp FDI lớn trong ngành sản xuất da giày, may mặc tại nước ta.
Với những con số này có thể thấy việc các nhà máy của Nike khôi phục sản xuất mang ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khôi phục đời sống sau dịch như hiện nay.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
NHU CẦU LAO ĐỘNG Ở CÁC TỈNH CÔNG NGHIỆP PHÍA NAM TĂNG CAO
Kể từ khi trở về trạng thái "bình thường mới", nhiều công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân nghiêm trọng do bà con về quê tránh dịch. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã lên tiếng kêu gọi, động viên người dân ở lại và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp mọi người ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh cho biết: "Sau khi có những quy định nới lỏng, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại rất cao và có nhu cầu lao động lớn. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn người lao động ở lại, vừa có việc làm để có thu nhập lo cho bản thân và gia đình, góp phần để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho quê hương..."