Nguyễn Tử Quảng: Khi người mơ mộng làm công nghệ

15:15 14/06/2022

"Đừng phản bội lại mơ ước của mình chỉ vì muốn hòa nhập với người khác. Những kẻ mộng mơ sẽ khiến thế giới trở nên tiến bộ hơn" - Richard Branson 

So với các ông chủ của các tập đoàn lớn hay người làm công nghệ ở Việt Nam, cái tên Nguyễn Tử Quảng nổi tiếng hơn rất nhiều. Bởi ông Quảng chính là người làm ra chiếc điện thoại “Made in Vietnam” đầu tiên. Hơn thế nữa Quảng còn là một nhân vật được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội về những phát ngôn của mình đối với những chiếc điện thoại do chính ông tạo ra và cũng chẳng phải tự nhiên mà biệt danh Quảng "nổ" luôn gắn liền với cái tên của ông mỗi khi xuất hiện. Trước khi nói đến lí do vì sao người ta lại gọi Quảng như thế thì phải tìm hiểu qua sự nghiệp hoành tráng của ông.

 
Nguyễn Tử Quảng gắn liền với chiếc điện thoại đầu tiên do Việt Nam sản xuất. (Ảnh: Bkav.vn)
Nguyễn Tử Quảng gắn liền với chiếc điện thoại đầu tiên do Việt Nam sản xuất. (Ảnh: Bkav.vn)

Nửa đời làm công nghệ

Nguyễn Tử Quảng vốn là “cha đẻ” của phần mềm quét virus nổi tiếng Bkav được nhiều người dùng Việt Nam và trên toàn thế giới sử dụng. Hiện nay, ông Quảng đã trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Bkav, nơi sản xuất ra những chiếc điện thoại Bphone, phần mềm Bluezone,… đình đám. Ông cũng từng là Giảng viên của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Tử Quảng sinh ngày 11/6/1975 tại xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Dòng họ Nguyễn Tử của ông là một trong những dòng họ nổi tiếng có truyền thống thống lâu đời ở Ninh Nhất. Khi còn đi học, Nguyễn Tử Quảng đã thể hiện mình là người có tố chất đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Ông học chuyên Toán tại khối phổ thông trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó thi đỗ khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Quảng chia sẻ, ông thi đậu cả hai trường danh giá lúc bấy giờ là Đại học Bách khoa và Học viện Ngân hàng tại Hà Nội. Lí do thi ngân hàng là vì ông muốn làm một nghề kiếm thật nhiều tiền. Nhưng chỉ sau một ngày đến ngân hàng học thử, ông Quảng nhận ra đam mê của mình nằm ở những chiếc máy tính nên quyết định lựa chọn trường Bách khoa.

 
Nguyễn Tử Quảng là người thành lập công ty công nghệ lớn của Việt Nam là Bkav. (Ảnh: Bkav.vn)
Nguyễn Tử Quảng là người thành lập công ty công nghệ lớn của Việt Nam là Bkav. (Ảnh: Bkav.vn)

Lựa chọn đó quả thật đúng đắn khi đến năm đại học thứ ba, Nguyễn Tử Quảng đã có cho mình thành tựu đầu tiên. Năm 1995, ông đã cùng với một số người bạn viết thành công phần mềm diệt virus đầu tiên của Việt Nam và cung cấp miễn phí cho những ai có nhu cầu. Thời điểm Quảng bắt đầu mày mò viết chương trình diệt virus này cũng trùng với thời gian Mark Zuckerberg, Jeff Bezos hay Bill Gates bắt đầu đặt nền móng cho các dự án “khủng” của họ sau này.

Thế nên Tử Quảng cho biết ông nhận ra thời sinh viên là giai đoạn khởi nguồn của những người thành công. Bởi thời sinh viên người ta có đủ nhiệt huyết và đam mê, không sợ bất cứ điều gì kể cả thất bại. Năm 2001, ông Quảng thành lập trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành giám đốc của trung tâm này.

 
Nguyễn Tử Quảng trong một buổi phát biểu tại công ty Bkav. (Ảnh: Bkav.vn)
Nguyễn Tử Quảng trong một buổi phát biểu tại công ty Bkav. (Ảnh: Bkav.vn)

Từ năm 1995 đến 2005, Nguyễn Tử Quảng và bạn bè bỏ tiền túi ra để duy trì và phát triển phần nềm Bkav. Thậm chí họ còn dành thời gian để gửi mail cho người dùng khi có bản nâng cấp hoặc giải đáp thắc mắc, xử lý lỗi kỹ thuật cho họ. Đến một lúc cảm thấy công việc quá nhiều không thể làm xuể, ông bắt đầu thương mại hóa phần mềm. Đây cũng là lúc cái tên Quảng “nổ” ra đời khi ông tuyên bố biến Bkav thành phần mềm diệt virus có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm tương tự trên thế giới.

Thế nhưng ông Quảng cho biết, ông sẽ tạo ra sản phẩm hữu hình để thay đổi suy nghĩ của mọi người.

Tham vọng đưa công nghệ Việt Nam vươn tầm thế giới

Năm 2009, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu nghiên cứu về làm điện thoại di động. Đến năm 2015, dư luận có một phen xôn xao khi ông Quảng trình làng chiếc điện thoại đầu tiên do Việt Nam sản xuất có tên là Bphone. Trong buổi giới thiệu sản phẩm, ông Quảng dùng những từ như “tuyệt vời”, “không thể tin được”,… khi truyết trình về Bphone.

Thế nhưng chất lượng sản phẩm của Bphone lại không giống như những lời mà ông Quảng nói. Hàng loạt lỗi kỹ thuật bị người dùng phản ánh. Dòng điện thoại này cũng không có được doanh thu như mong đợi. Nhưng đối với Quảng, đau đớn hơn là bị mọi người đem ra đàm tiếu về mình.

 
Nguyễn Tử Quảng trong một buổi ra mắt dòng Bphone mới. (Ảnh: Bkav.vn)
Nguyễn Tử Quảng trong một buổi ra mắt dòng Bphone mới. (Ảnh: Bkav.vn)

Ông cho biết, quá trình làm ra chiếc điện thoại thông minh không hề đơn giản như những sản phẩm mình từng làm. Riêng con chip trong chiếc điện thoại, Quảng đã mất tận 3 năm để gửi mail cho các nhà sản xuất trên thế giới đặt hàng họ làm cho mình. Cuối cùng, chỉ có Qualcomm đồng ý hợp tác với hợp đồng nhiều triệu đô, Bkav trở thành đơn vị đầu tiên trong khu vực làm được điều này.

Ông Quảng kể tận sau 6 năm rưỡi, Bkav mới thuyết phục được các nhà cung ứng bán cho mình con tụ, con trở, cơ khí, chống nước,…tổng cộng hơn 900 loại linh kiện khác nhau trong một thiết bị điện thoại. Đó là lí do vì sao người ta cho rằng chiếc điện thoại là tinh hoa của công nghệ. Làm được một chiếc điện thoại thì có thể làm được tất cả mọi thứ. 

Bên cạnh đó, ông Quảng cho biết mình suy nghĩ rất vô tư, cứ làm ra một sản phẩm đẹp, do chính tay người Việt Nam làm, thế nào cũng được ủng hộ. Nhưng với suy nghĩ đến con ốc vít cũng phải nhập của đại đa số người dân cộng thêm những sản phẩm ban đầu không đáp ứng được kỳ vọng về chất lượng, ông Quảng ngập chìm trong những lời đả kích của cộng đồng.

 
Nguyễn Tử Quảng đánh đổi nhiều tiền của, sức khỏe, thời gian cho sản phẩm điện thoại của mình. (Ảnh: Bkav.vn)
Nguyễn Tử Quảng đánh đổi nhiều tiền của, sức khỏe, thời gian cho sản phẩm điện thoại của mình. (Ảnh: Bkav.vn)

Nguyễn Tử Quảng nói mình không thể đến công ty để trực tiếp làm việc suốt 2 năm sau đó nhưng chưa từng có suy nghĩ bỏ cuộc. Đến năm 2017, ông tiếp tục trình làng dòng điện thoại Bphone 2. Đến nay ông Quảng và Bkav vẫn đang trong hành trình nghiên cứu, hoàn thiện và mỗi năm lại giới thiệu một dòng điện thoại mới.

Ông Quảng chia sẻ mình đã mất 1000 tỷ để làm điện thoại nhưng chưa thu lại một đồng nào. Nhưng 1000 tỷ Việt Nam chỉ là một con số rất nhỏ so với những công ty khác bỏ ra khi dấn thân vô ngành này. Nhiều người thắc mắc dựa vào đâu mà Quảng có thể kiên trì bền bỉ như vậy, ông rất quả quyết “mình hiểu triết lý mình đang làm thì cứ thế nào thôi, cho dù có kéo dài bao lâu, có khó khăn bao nhiêu. Miễn là mình biết mình đang làm gì, làm thế nào và đích đến là gì. Tôi tin vào con đường của mình”. Cái đích đến mà ông Quảng hướng đến là tạo ra ngành công nghiệp điện thoại thông minh ở Việt Nam chứ không phải chỉ là sản phẩm kinh doanh của Bkav.

 
Bkav phát triển một số sản phẩm công nghệ khác ngoài điện thoại để mang lại doanh thu cho công ty. (Ảnh: Bkav.vn)
Bkav phát triển một số sản phẩm công nghệ khác ngoài điện thoại để mang lại doanh thu cho công ty. (Ảnh: Bkav.vn)

Nguyễn Tử Quảng từng trả lời tạp chí Forbes rằng thương hiệu Việt luôn gặp khó khăn vì không được đánh giá cao và không có chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Ông không chấp nhận điều đó và sẽ đẩy mạnh thương hiệu ra thế giới để họ thay đổi cái nhìn về Việt Nam. Quảng cũng nói thêm, sau Apple của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc thì còn có ai có thể lên đỉnh tiếp theo ngoài Việt Nam.

Theo Forbes, chính nhân viên của Tử Quảng miêu tả sếp mình rằng ông ấy đam mê công nghệ và nhiều ước mơ như một căn bệnh. “Anh ấy nuôi dưỡng khát vọng một cách lãng mạn hơn bất kỳ người lãng mạn nào làm công nghệ".

Bên cạnh đó Phó Tổng giám đốc FPT năm 2018, Đỗ Cao Bảo chia sẻ rằng khi gặp gỡ và trò chuyện cùng Quảng mới biết những gì Quảng nói về chiếc điện thoại là thật, nó vừa là mơ ước, vừa là những gì mà ông ấy đang làm. Khi ông Bảo cầm trên tay chiếc Bphone 3 pro, ông đã tin rằng Bphone của Quảng tốt hơn Oppo, Samsung… và Quảng không “nổ” như người ta nói.

 
Nguyễn Tử Quảng vẫn đang trên hành trình thực hiện tham vọng của mình. (Ảnh: Bkav.vn)
Nguyễn Tử Quảng vẫn đang trên hành trình thực hiện tham vọng của mình. (Ảnh: Bkav.vn)

Nghe Quảng nói, nhiều người phì cười bởi nhiều lý do. Thứ nhất Bphone đến nay vẫn chưa chiếm được thị phần điện thoại trong nước, thứ hai họ vẫn còn mang một nỗi mặc cảm, tự ti cốt lõi rằng Việt Nam không làm được. Nhưng người ta không thể phủ nhận nỗ lực của Quảng. Bởi những gì ông làm không chỉ trong ngày một ngày hai mà là suốt mười mấy năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tuy nhiên, dù làm sản phẩm đánh vào tinh thần dân tộc của người Việt nhưng ông Quảng vẫn không thể thành công bởi người dùng vẫn cần sản phẩm để sử dụng chứ không phải mua để ủng hộ ước mơ của Nguyễn Tử Quảng. Việc có thời gian xuất phát cùng với các đại gia công nghệ lớn trên thế giới, có ước mơ lớn nhưng vẫn chưa đạt được thành tựu tương xứng khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu vấn có phải không nằm ở đam mê, nỗ lực mà là ở năng lực của Nguyễn Tử Quảng. Dù vậy, đối với người có khát khao và nỗ lực như ông Quảng, nền công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn có cái để hy vọng và trông chờ.

Chiếc điện thoại thông minh đầu tiên do Việt Nam sản xuất là Bphone của Nguyễn Tử Quảng. Ra mắt lần đầu tiên năm 2015, đến nay Bphone đã trải qua hơn 7 năm phát triển và nhận đầu tư hơn 1000 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay dòng điện thoại này vẫn chưa có chỗ đứng trong thị phận tại Việt Nam và chưa thu về lợi nhuận cho Bkav. 

Nhiều người thắc mắc Bkav đã làm gì và lấy đâu ra nguồn tài chính để duy trì hoạt động của công ty. Thực chất, bên cạnh điện thoại Bkav phát triển rất nhiều sản phẩm công nghệ khác và có thể xuất khẩu ra nước ngoài. 

Đọc thêm những thông tin liên quan của Bkav tại đây!