Do ghen tức, Linh dùng a-xít hắt vào mặt L. rồi để lại nạn nhân quằn quại trong đau đớn. Mặc dù, nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, thế nhưng đôi mắt không thể sáng lại được.
Khi kẻ thù từng là bạn.
Dù thời gian đã là quá khứ, hung thủ gây án ra tay hết sức tàn độc cũng chịu sự trừng trị của pháp luật, nhưng vết thương lòng và nỗi đau vẫn mãi còn tồn tại đối với thân thể và tâm hồn chị Bùi Thị L. (SN 1971, ngụ 72/7, tổ 5, khóm 6, phường 4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Hiện, chị là người mù lòa ở địa phương, đã cố gắng vượt qua số phận, vượt qua nỗi đau để lạc quan sống hết cuộc đời còn lại.
Chị Bùi Thị L. vẫn lạc quan khi trò chuyện cùng PV.
PV đã tìm đến nơi cư ngụ của chị L.. Trong căn nhà cấp bốn trống hoác, chị L. tỏ ra rụt rè khi tiếp xúc với người lạ và càng không muốn nhớ đến ngày định mệnh kinh hoàng đã cướp đi tuổi trẻ, cướp đi đôi mắt, cướp đi cả những ước mơ, hoài bão của tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút trao đổi cùng PV, chị L. tỏ ra thân thiện và đồng ý trải lòng.
Mở đầu câu chuyện, chị L. luôn khẳng định, hiện tâm trí của mình đã trở về trạng thái cân bằng, không còn cảm giác hụt hẫng hay đau buồn nữa. Chị L. kể: “Dù là con gái út trong gia đình đông anh em nhưng tôi chưa một lần được đến trường cùng chúng bạn. Cha tôi mất sớm, tuổi ấu thơ của tôi là chuỗi ngày theo chân mẹ đi khắp nơi trong vùng để mua bán trái cây mưu sinh. Khi ấy, tôi chỉ mong mình chóng lớn, tìm việc làm để giúp mẹ bớt đi gáng nặng lo toan cuộc sống”.
“Cách đây gần 20 năm, theo lời giới thiệu của bạn bè cùng trang lứa, tôi thoát ly gia đình sang TP.Cần Thơ làm nhân viên phục vụ. Tiền kiếm được hàng tháng, tôi đều gửi về cho mẹ để trang trải cuộc sống gia đình và thuốc thang cho mẹ những khi ốm, bệnh. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi, nào ngờ vào một ngày cuối năm 1997, tôi lại gặp nạn. Bất ngờ hơn, người gây ra nỗi đau không thể bù đắp được không ai khác cũng là bạn chơi cùng nhóm”, chị L. bộc bạch.
“Vào ngày định mệnh đó, tôi nhận lời mời đi uống cà phê với một nữ sinh viên tên là Lê Đắc Linh (SN 1973, quê TP.HCM, đang học tại TP.Cần Thơ) để giải quyết việc riêng. Tuy nhiên, khi gặp mặt thì Linh tỏ ra ghen tức chuyện gái trai, rồi dùng axít đã được chuẩn bị sẵn tạt thẳng vào mặt tôi rồi bỏ chạy.
Bị hắt a-xít bất ngờ, tôi chỉ biết ôm mặt kêu gào thảm thiết và được nhiều người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hơn một tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tôi được xuất viện, nhưng đôi mắt vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Tôi như một phế nhân, gần như toàn cơ thể bị bỏng nặng, mặt chân tay đều bị biến dạng”, chị L. tâm sự.
Tôi tha thứ cho kẻ “giết chết” đời tôi.
“Nữ sinh viên Lê Đắc Linh sau đó cũng bị bắt và nhận mức án 16 năm tù giam, dù rằng, gây án xong, thị ta bỏ mặc tôi, chạy khỏi hiện trường. Ngoài án phạt tù, Lê Đắc Linh còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tôi với số tiền là 35 triệu đồng. Nhưng đến nay, tôi chưa nhận được số tiền bồi thường trên và tôi cũng không yêu cầu, chỉ mong người gây án cải tạo thật tốt, nhanh chóng trở về với gia đình và hãy sống có ích những chuỗi ngày còn lại. Tôi cũng không cảm thấy buồn khi họ chưa một lần tìm đến tôi để gửi lời xin lỗi”, chị L. nói với giọng nghẹn đắng.
Cũng theo chị L., kể từ khi chị bị nạn, gia đình rơi vào bế tắc, kinh tế suy kiệt, mọi người thân cũng dần xa lánh. "Mẹ cũng không chịu nổi cú sốc lớn, rồi qua đời ở tuổi 69. Mẹ mất, nỗi buồn lại chồng chất khi tôi đang là gánh nặng cho người thân trong gia đình. Nghĩ thế, tôi quyết phải sống, phải tự đứng lên, cố rèn cho mình ý chí, sự tự lập.
Hàng ngày, nghe tin tức trên báo đài, tôi còn làm tất cả những công việc nội trợ thường ngày. Từ việc nấu nướng, giặt giũ, quét nhà, bật điện, đoán thời gian... tôi đều làm tất tần tật như người bình thường mà không nhờ đến sự hỗ trợ của bất kỳ ai", chị L. tâm sự.
Như cảm nhận sự thắc mắc của PV, ngay sau đó, chị L. di chuyển thật nhanh đến góc nhà, rồi dùng tay cắm điện, bật đèn với động tác thuần thục.
“Không những thế, việc nấu cơm bằng nồi điện giờ đây đối với tôi không còn khó khăn như trước nữa. Ngay cả việc đi chợ, chọn lựa thức ăn đều do tôi tự làm. Con người chúng ta có thể làm được tất cả, ý chí và nghị lực sẽ giúp ta vượt qua mọi gian khó. Giờ tôi không mong gì hơn ngoài có được sức khỏe tốt để sống yên lành trong tình thương yêu của cộng đồng, chính quyền đã cưu mang, giúp đỡ tôi trong thời gian qua”, chị L. xúc động nói.
“Hiện, tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ hơn 400.000 đồng/tháng. Với số tiền này, tôi dùng để chi tiêu cho cuộc sống. Ngoài ra, nhiều bà con láng giềng cũng đến tận nhà cho gạo nên tôi không còn sợ cô đơn nữa. Tính đển thời điểm hiện tại, tôi ăn chay được 18 năm. Giờ, trong tôi thật sự thanh thản, không còn nhớ về quá khứ, không một lời oán trách bất cứ ai, kể cả người từng hại tôi. Nụ cười lạc quan sẽ giúp cho tôi vượt qua tất cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác”, chị L. cho biết thêm.
“Lúc L. không may gặp nạn, nhìn cảnh tượng ấy, mọi người quá xót xa, chẳng cầm được nước mắt. Dù sự vụ có như thế nào thì vẫn có pháp luật giải quyết. Hành động dùng axít để hủy hoại sự sống của người khác theo kiểu giết họ chết dần, chết mòn là hết sức vô nhân đạo. L. không chỉ mất hết tương lai sự nghiệp của mình, mà còn là gánh nặng cho người thân, cho xã hội. Trước cảnh tình này, hàng xóm láng giềng thường xuyên đến động viên, an ủi giúp L. ổn định tinh thần, vượt qua nỗi đau và số phận”, một người dân địa phương cho hay.
Anh Bùi Văn Trí (SN 1963), anh trai thứ 5 của chị L. bộc bạch: “Giờ, nhà chỉ có hai anh em sinh sống. Tất cả những anh em còn lại đều đã lập gia đình, có cuộc sống riêng và cũng nghèo khó nên chẳng giúp được gì cho chúng tôi, anh em tôi tự đùm bọc lẫn nhau. Thu nhập chính của tôi là đi hái dừa thuê, rồi mua lại của người khác nữa, mang đi bán cho các quán nước trên địa bàn để lấy tiền mưu sinh. Hiện nay, ngoài di chứng của vụ tạt axít năm nào, L. bị thêm bệnh tim mạch, tiểu đường, phải thường xuyên đến bệnh viện thăm khám định kỳ, nhưng L. vẫn hết sức lạc quan”.
Ông Châu Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch UNND phường 4, TP.Vĩnh Long đang trả lời phỏng vấn.
Chiều ngày 5/10, trao đổi với PV, ông Phạm Thành Lệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xác nhận: “Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của chị Bùi Thị L., chính quyền, đoàn thể tại địa phương đã hỗ trợ 40 triệu đồng từ quỹ vì người nghèo để xây nhà tình nghĩa. Sau khi bàn giao căn nhà tình nghĩa cho một hộ trong phường, chúng tôi sẽ tiếp tục xây nhà cho chị L.. Dự kiến trong tháng 11 tới, chính quyền sẽ hoàn thành việc xây dựng căn nhà tình nghĩa và bàn giao cho chị L.”.
*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi