Người trẻ ơi, ngưng hưởng thụ quá đà
Trúc Đinh - Theo thethaovanhoa.vn | 22/04/2018
Trúc Đinh - Theo thethaovanhoa.vn | 22/04/2018
Với người trẻ hiện đại, tiêu tiền và tiết kiệm cũng là kĩ năng sống cần được trau dồi. Nhưng cũng vì trẻ tuổi, nên đa phần chúng ta chỉ suy nghĩ đến việc tận hưởng, những định hướng tương lai bị cho là “xa vời”, gần như không tồn tại trong bảng kế hoạch cuộc đời của nhiều bạn trẻ.
Chẳng có gì lạ, nếu bắt gặp một bạn trẻ đã ra trường đi làm vài năm với mức lương khá tốt, nhưng mãi vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn “nhận lương – trả nợ - mượn tiền”. Trên thực tế, đây là chuyện không của riêng ai, nhiều người luôn nghĩ rằng cuộc đời chỉ trôi qua một lần, nên hãy tận hưởng trước khi quá muộn. Vì nợ hôm nay, ngày mai có thể trả, nhưng ngày hôm nay qua đi, biết đâu mai chẳng còn cơ hội làm điều mình thích, nên họ chọn cách làm hết mình và tiêu tiền cũng hết mình. Tiết kiệm là khái niệm đầy mơ hồ trong từ điển sống của nhiều người trẻ.
Thời gian không đợi ai bao giờ là thật và cuộc sống luôn đầy rẫy những rủi ro cũng là thật, nếu không tiết kiệm hôm nay, một ngày “bão” đến bạn lấy gì để “cầm hơi” vực dậy? Đó là chưa bàn đến chuyện tích lũy để xây dựng tương lai vững vàng.
Hẳn là nhiều người cũng từng nghĩ về điều đó, nhưng nó dường như không đủ thuyết phục để một người trẻ đang tuổi “xõa cánh” tung hoành cuộc đời, chịu tiết kiệm cho tương lai chưa biết sẽ đến như thế nào. Đơn giản vì chúng ta thường ỉ lại vào bố mẹ và bạn bè là hai “nguồn tiền” mà bạn nghĩ vô hạn có thể trợ giúp khi cần thiết. Nhưng nếu một ngày bố mẹ không đủ sức để lo nữa hay những người bạn cũng chẳng còn khả năng giúp đỡ, bạn sẽ làm gì? Đã bao giờ bạn nghĩ đến điều đó chưa?
Tôi có một chị bạn ra trường đi làm đã 8 năm, nghĩa là hiện tại chị đã 32 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Chị từng là người có cuộc sống khiến bạn bè phải mơ ước, rảnh rỗi thì gặp gỡ bạn bè, thích thì đi du lịch. Chị thuê một căn hộ nhỏ tại quận 4, TP.HCM để sống một mình cho thoải mái. Với mức lương được gọi là dư giả, chị sống khá sang chảnh, ăn món mình thích, mua thứ mình muốn. Cho đến khi biến cố ập đến, năm chị 29 tuổi, mẹ chị đã bị liệt nửa người phải nằm một chỗ do một tai nạn giao thông. Khoảng thời gian mẹ nằm viện điều trị là thời điểm khó khăn nhất. Sau đó, bố phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc mẹ và trách nhiệm nuôi em trai đang học lớp 11 do chị gánh vác. Lúc này, chị mới biết trước nay mình đã sống ích kỉ và vô tâm đến mức nào, nghĩ rằng tự làm tự lo cho bản thân mà không dựa dẫm vào gia đình là đủ.
Nhìn lại, chị không có được một khoản tiết kiệm để gửi cho bố trang trải cuộc sống gia đình, trong khi bạn bè đã có nhà thì chị vẫn ở nhà thuê trong khi mức lương không hề thấp. Cứ thế, chị cũng để trôi thanh xuân, 3 năm qua chị dành phần lớn thời gian để kiếm tiền và cũng không có cơ hội để tìm hiểu ai.
Dường như, có không ít bạn trẻ cũng đang có cách sống giống chị đã từng, nghĩ rằng ra trường kiếm được việc làm để tự nuôi sống bản thân là ổn. Chúng ta thường “bỏ quên” gia đình trong những cuộc vui của mình và nghĩ như thế là “được phép”. Đủ lớn để được phép sống cho chính mình.
Đồng ý, tuổi trẻ được phép sống hết mình, được phép sai lầm, được phép làm những điều mà khi tuổi già ập đến thì không thể xê dịch được. Nhưng từ “được phép” chẳng khác gì con dao hai lưỡi nếu bạn không biết giới hạn của nó. Được phép đến bao giờ, 20, 30 hay 40 tuổi? Có một điều không thể phủ nhận, trong lúc bạn đang ăn chơi và tận hưởng “tuổi trẻ”, thì bố mẹ cũng đang già đi từng ngày và những bạn bè của bạn đã bắt đầu tích lũy được cho mình những tài sản nhất định.
Đa phần, các bạn trẻ hiện đại có khả năng kiếm tiền tốt nhưng lại khá yếu ớt trong việc quản lí tài chính. Dù là lương tháng 5 triệu, 10 triệu hay nhiều hơn thế, thì họ vẫn có thể rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, đầu tháng no, cuối tháng đói là chuyện bình thường. Nhưng điều đáng nói ở đây, không mấy người tỏ ra lo lắng trước điều này, ngược lại từ bao giờ, nhiều người còn coi việc vay mượn như một “thói quen”.
Nguyễn Hoàng Gia (sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Hình như không tháng nào mình không mượn tiền mấy đứa bạn. Dù tiền gia đình chu cấp mỗi tháng đều dao động 4 - 5 triệu không đấy. Nhiều lần cũng thử tiết kiệm nhưng kiểu gì cũng phát sinh chuyện này chuyện kia, thế là lại tiêu và lại nợ. Mà chẳng riêng gì mình đâu, bạn mình cũng thế”. Và đây là thực trạng khá phổ biến ở sinh viên, chưa kiếm ra tiền nhưng lại tiêu tiền rất “mát tay”.
Tiền trong túi của sinh viên sẽ quay đều theo vòng tuần hoàn nhận tiền, trả nợ, trả tiền chi phí sinh hoạt cố định như tiền nhà, tiền điện nước, sau đó thì có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, thỉnh thoảng thấy đồ đẹp thì mua, rồi sinh nhật, hội họp,… Nhiều thứ để cho ra tiền thế đấy, nên tầm 15, 20 ngày là lại thành “con nợ” thôi. Với người đi làm cũng chẳng khác gì mấy, có chăng là “đẳng cấp” xài tiền tăng thêm vài bậc. Đơn giản nếu không có kế hoạch tài chính cụ thể thì có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, hết thì cầu cứu bố mẹ hoặc vay mượn bạn bè.
Trên thực tế, trong câu chuyện của người trẻ thường chỉ xoay quanh chủ đề du lịch, mua sắm, ăn uống,… thỉnh thoảng cũng nhắc về tương lai nhưng hiếm khi nói với nhau cách tiết kiệm. Thậm chí, nhiều người còn mang suy nghĩ làm còn chưa đủ ăn tiêu, lấy đâu ra tiền để tiết kiệm, nên nếu chưa kiếm được nhiều tiền thì cái gì khó quá bỏ qua.
Hay chăng, nhiều người cũng cố gắng tiết kiệm nhưng mãi vẫn không được vì lí do có vô số thứ để chi tiêu. Ừ thì tiết kiệm thế nào được nếu một ngày 3 bữa trà sữa, thấy quần áo đẹp là “order”, buồn là xách vali lên và đi, không thì cũng hẹn hò quán xá tuần vài lần,… Lương cao thì xài hàng hiệu, quán xá sang chảnh, du lịch hạng sang, lương thấp thì bình dân hơn, kiểu gì cũng khiến lâm vào cảnh “viêm màng túi”.
Có một sự thật mà 99% người trẻ mắc phải đó là thích thì mua nhưng có nhiều thứ mua rồi để đó, chẳng bao giờ dùng đến. Những cơn sốt “sale” luôn có sức hút khiến các bạn trẻ lao vào như thiêu thân. Mạng xã hội cũng là nơi khiến túi tiền của người trẻ vơi đi nhanh chóng, rảnh rỗi “lướt lướt” là đặt hàng. Đồ ăn, mỹ phẩm, quần áo, giày dép,… tất tần tật mọi thứ chỉ cần thấy từ “giảm còn” hay “giá sốc” là đã khiến người ta phải nán lại ít phút suy nghĩ rồi. Đó chính là những lỗ hỏng chi tiêu khiến tài khoản của bạn bốc hơi nhanh chóng.
Cộng đồng mạng từng nảy lên một cuộc tranh cãi gay gắt vì sao có gia đình chi tiêu 5 triệu/tháng vẫn đủ, nhưng có gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng vẫn liêu xiêu thiếu trước hụt sau. Điều chúng ta liên hệ ở đây, dù là độc thân hay đã lập gia đình, thì vấn đề cũng chỉ nằm ở việc hoạch định tài chính và quản lí chi tiêu mà thôi.
Cuộc sống vô thường, không có khó khăn nào báo trước, bạn chỉ có thể tự chủ động hạn chế rủi ro trong khả năng của mình. Việc tạo cho mình một khoản tích lũy là một cách để xử lí rủi ro. Nếu chẳng may vấp ngã, bạn có thể dùng nó để làm lại từ đầu, hoặc điều tồi tệ nhất là khi bạn không còn trên đời này nữa, thì nó có thể giúp bạn phụng dưỡng bố mẹ. Đơn giản hơn, việc tiết kiệm cho bản thân một khoản để có thể mạnh dạn từ bỏ công việc nhàm chán ngay lập tức và có đủ tiền sống trong lúc tìm việc mới mà không phải nhờ vả gia đình, cũng là điều không hề thừa.
Dám chắc rằng, chẳng ai muốn cả cuộc đời đã làm việc vất vả nhưng về già vẫn chưa được nghỉ ngơi chỉ vì hai chữ “mưu sinh”. Greg Mcbride (Trưởng ban phân tích tài chính của trang web Bankrate) chia sẻ: “Bạn cần phải tiết kiệm ít nhất 15% cho những việc khẩn cấp và cho cả tuổi già”. Trent Hamm (CEO của trang Thesimpledollar) cũng nói rằng một người bình thường nên dành ít nhất 10% thu nhập cá nhân cho tuổi già trước khi tiêu xài vào bất cứ thứ gì khác. Nói như vậy để thấy, sẽ là thiếu sót trầm trọng nếu một người trẻ lãng quên đi định nghĩa của từ “tiết kiệm”.
Đúng là tuổi trẻ còn đi được cứ đi, tận hưởng được gì cứ tận hưởng, nhưng người thông minh sẽ biết cách thực hiện những điều đó mà vẫn có cho riêng mình một khoản tích lũy. Vì chỉ khi có nền tảng vững vàng, bạn mới có thể làm được những điều mình thích, sống cuộc sống của mình và thành công trên con đường đã chọn. Tiền không phải là tất cả nhưng ở cuộc đời này có vô số điều không làm được nếu không có tiền. Vậy nên, ngay từ bây giờ hãy dần thay đổi thói quen vay mượn bằng thói quen tích lũy, cuộc sống của bạn sẽ được mở ra một trang mới tốt đẹp hơn rất nhiều. Tại sao cứ muốn làm “con nợ”, trong khi bạn hoàn toàn có khả năng làm “chủ nợ” nhỉ?