Người thợ xây bị phạt 7 triệu vì vi phạm nồng độ cồn

19:05 12/01/2020

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực.

Đã có rất nhiều trường hợp vi phạm và bị phạt nặng nhưng dường như nó vẫn chưa khiến cho mọi người rút kinh nghiệm về việc uống rượu khi tham gia giao thông.

 
Nhiều trường hợp đã bị xử lý kể từ khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực (Ảnh minh họa: Dân trí)
Nhiều trường hợp đã bị xử lý kể từ khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực (Ảnh minh họa: Dân trí)

>>Xem thêm: Sau các quy định về nồng độ cồn, các quán nhậu tung chiêu giữ khách

Người thợ xây bị phạt 7 triệu sau chén rượu liên hoan

Tối ngày 11/1, tổ công tác TTKS giao thông thuộc Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội làm việc tại đường Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xử phạt trường hợp một người đàn ông điều khiển xe máy mang BKS 29B1-539.** tên Đỗ Văn Sáng (SN 1971, ở Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ông Sáng chở sau một người phụ nữ.

 
Ông Sáng chở theo vợ bị yêu cầu dừng lại kiểm tra vào tối 11/1 (Ảnh: Báo Giao thông)
Ông Sáng chở theo vợ bị yêu cầu dừng lại kiểm tra vào tối 11/1 (Ảnh: Báo Giao thông)

Khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, kết quả cho thấy nồng độ cồn của người này ở mức 0,671 miligam/lít khí thở. Đại uý Nguyễn Vũ Thắng, Tổ trưởng Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết với nồng độ vi phạm này, ông Sáng bị phạt 7 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe 23 tháng. Đồng thời phương tiện bị tạm giữ 7 ngày theo quy định.

 
Với nồng độ cồn đo được, ông Sáng bị phạt 7 triệu đồng (Ảnh: Báo Giao thông)
Với nồng độ cồn đo được, ông Sáng bị phạt 7 triệu đồng (Ảnh: Báo Giao thông)

Trước mức phạt này, ông Sáng vô cùng choáng váng. Ông cho biết mình từ Nam Định lên Hà Nội cùng vợ làm thợ xây. Tối 11/1 ông Sáng cùng anh em liên hoan cuối năm, do nể anh em nên ông đã uống rượu. Ông Sáng cho hay vốn dĩ ông không uống được rượu nhưng do nể anh em, lại là tất niên nên mới uống.

 
Người thợ xây ôm mặt khóc (Ảnh: Báo Giao thông)
Người thợ xây ôm mặt khóc (Ảnh: Báo Giao thông)

Được biết, Đội CSGT số 4 gồm Đại uý Nguyễn Vũ Thắng, Thượng uý Đỗ Hữu Đứс và Đỗ Đứс Thắng. Trong quá trình tiến hành xử phạt, đội còn giải thích, tuyên truyền tới người vi phạm để người dân hiểu rõ.

>>Đọc thêm: Trường hợp đầu tiên đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt

Cộng đồng mạng: "Chỉ vì chén rượu mà mất cái Tết"

Hiện những thông tin xoay quanh việc xử phạt nồng độ cồn vẫn đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, càng có thêm nhiều người cho rằng quy định này đã khiến cho người dân có ý thức hơn trong việc ăn nhậu trước khi tham gia giao thông.

 
Bình luận của cộng đồng mạng (Ảnh chụp màn hình)
Bình luận của cộng đồng mạng (Ảnh chụp màn hình)

Về câu chuyện của người thợ xây trên nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với ông vì đã mất một số tiền lớn khi Tết đã gần kề, tuy nhiên đây cũng là bài học cho người này. "Vậy là thôi mất Tết thật rồi. Chỉ vì vài chén rượu mà vợ con không có Tết. Nhưng mà cứ phải bị phạt như vậy mới nhớ". "Kể cũng thấy tội nhưng mà đến lúc đi xe gây tai nạn thì còn khổ hơn".

 
Đã uống rượu bia thì không lái xe (Ảnh: Thanh niên)
Đã uống rượu bia thì không lái xe (Ảnh: Thanh niên)

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, đây chính là thời điểm diễn ra nhiều cuộc tất niên, liên hoan cuối năm. Để tránh gặp phải những tình huống cay đắng như người đàn ông trên, mỗi người nên có ý thức hơn trong việc uống rượu bia. Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề nếu bạn lỡ uống rượu bia như để vợ, bạn bè lái xe (nếu đã có giấy phép lái xe) hoặc đi xe ôm, taxi... Hãy biết cách bảo vệ chính mình và người thân để có một cái Tết trọn vẹn bạn nhé!

Đón đọc nhiều tin tức thú vị mới tại YAN!

>>Xem thêm: Bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế cãi cùn: "Bẩn lắm, không thổi đâu"

Uống rượu bia sau bao lâu có thể lái xe?

Để xác định thời gian có thể điều khiển phương tiện sau khi lái xe phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lượng rượu đã uống, nồng độ rượu, bia, đặc điểm sinh học và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

1 đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml (4%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Thời gian gan chuyển hóa được 1 đơn vị cồn là khoảng 1 giờ. 

Tuy nhiên trong một cuộc nhậu, lượng rượu bia mỗi người uống vào thường nhiều hơn 1 đơn vị nên thời gian điều khiển được phương tiện cần thêm khá nhiều.

Bên cạnh đó, thông tin ăn một số loại hoa quả có thể bị phạt nồng độ cồn là không chính xác. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y Tế cho biết một số loại hoa quả như vải, nho, sầu riêng, chuối,... có thể để lại cồn trong cơ thể nhưng chỉ sau 30 - 60 phút là lượng cồn sẽ chuyển hóa hết.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết lượng cồn trong trái cây rất nhỏ máy đo khó có thể phát hiện được.