Là một trong những người phải tạm nghỉ việc vì dịch, thế nhưng anh Huỳnh Quang Khải (Hiệp Thành, Quận 12, TPHCM) lại không hề chán nản hay buồn phiền. Thậm chí, anh còn dành khoảng thời gian này để tạo nên một bếp ăn thiện nguyện, chợ di động 0 đồng... để san sẻ khó khăn cho bà con mùa dịch.
Điểm phát cơm miễn phí do anh Khải cùng các tình nguyện viên khác lập nên. (Ảnh: Vietnamnet)
Mỗi ngày giao cả nghìn suất ăn, "thu lời" hàng trăm câu cảm ơn
Chia sẻ với Vietnamnet, anh Khải cho biết đây là "kì nghỉ" dài nhất trong suốt 8 năm làm hướng dẫn viên du lịch của mình. Ban đầu, anh chỉ ở nhà phụ vợ vận chuyển hàng hoá, bán đồ online và duy trì lớp học tình thương, thế nhưng sau đó, người đàn ông này lại mong muốn làm một thứ gì đó lớn hơn để giúp đỡ tất cả mọi người. Cũng từ đây, bếp ăn thiện nguyện 0 đồng đã ra đời.
Từ tháng 6 đến nay, mỗi ngày cứ đều đặn 4 giờ sáng, gia đình anh Khải lại thức giấc, tất bật chuẩn bị những suất ăn thiện nguyện. Mỗi người sẽ đảm nhận một công việc, từ nhặt rau, thái hành, băm thịt... Số cơm làm ra cũng được khoảng 100 phần, sau tăng dần lên 150, 250 suất. Khi đã đóng gói xong xuôi, gia đình anh sẽ tổ chức phát luôn cơm tại trước cửa nhà.
Đến nay, khi biện pháp phòng dịch được nâng cao, bếp ăn 0 đồng của anh Khải lại kết nối với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và UBND phường Hiệp Thành để có thể tặng cơm tới các khu vực phong toả, cách ly. Số cơm chuẩn bị trong ngày cũng được nâng lên 650 - 700 suất ăn. Đến cuối tháng 8 đã đạt 1.100 suất, tốn khoảng 90 kg gạo, 10 kg thịt gà/heo/cá, vài chục kg rau củ… mỗi ngày.
Không chỉ nấu miễn phí, anh Khải còn là người vận chuyển thực phẩm, mang những suất cơm nóng hổi đến khu vực cách ly, chốt phong toả. Thế nên, cứ 7 đến 10 ngày, anh lại thực hiện xét nghiệm Covid-19 một lần. Lúc nào giao xong, anh lại cùng với gia đình, một vài người hàng xóm chuẩn bị thực phẩm cho ngày hôm sau. Có những lúc phải đến 8-9 giờ tối mới xong việc.
Mọi người trong gia đình anh Khải tất bật chuẩn bị cơm. (Ảnh: Vietnamnet)
Suốt 3 tháng qua, bếp ăn 0 đồng của anh Khải đã nhận được sự chung tay góp sức của nhiều mạnh thường quân. Thế nên, ngoài việc tặng những suất cơm nghĩa tình, mỗi tuần, anh Khải lại mua một số lượng gạo nhất định để mang cho bà con gặp khó khăn. Đến đầu tháng 8 dần mở rộng thành "chợ 0 đồng di động", gửi tặng nông sản đến mọi nhà.
Hiện nay, do thành phố giãn cách xã hội nên khu chợ đang tạm ngừng hoạt động. Dù vậy, trong 3 tuần hoạt động trước đó, anh cũng đã "thu lời" hàng trăm câu cảm ơn ấm áp. Chia sẻ với Vietnamnet, anh Khải bày tỏ: "Mình và mọi người không sợ vất vả, quá tải. Điều mình lo là không có đủ lương thực, thực phẩm duy trì bếp ăn lâu dài. Nếu các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm thì vất vả thế nào, các thành viên của bếp cũng cố gắng hết sức!".
Anh Khải - người đã mở bếp ăn 0 đồng giúp đỡ bà con. (Ảnh: Huỳnh Quang Khải)
Anh Khải hào hứng mang cơm và lương thực, thực phẩm đi giao cho bà con. (Ảnh: Huỳnh Quang Khải)
Được biết, anh Khải đã từng làm từ thiện trước khi dịch bệnh bùng phát. Lớp học tình thương mà vợ chồng anh tạo ra chính là ngôi nhà thứ 2 của nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại quận 12, TPHCM.
Lớp học này do chính anh Khải lập nên khi chỉ mới 18 tuổi. Suốt 10 năm qua, dù bận rộn công việc đến đâu, anh vẫn luôn cố gắng duy trì lớp học. Có những lúc vì khó khăn quá, anh còn giấu gia đình đem bán vàng được tặng trong đám cưới để có thể hỗ trợ học viên. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lớp học phải tạm ngừng.
Dù vậy, anh vẫn luôn ở bên hỗ trợ cho các học sinh của mình. Cứ 2 tuần trôi qua, anh lại mang gạo đến tặng gia đình học sinh. Đồng thời, động viên các con giữ gìn sức khoẻ, cố gắng tự học tập trong thời gian này.
Lớp học tình thương của anh Khải và vợ. (Ảnh: Huỳnh Quang Khải)
>> Xem thêm: Các thành viên trong 1 gia đình đi chống dịch sau khi khỏi Covid-19
"Nghĩ đến bà con gặp khó khăn, ngồi yên sao đành"
Những ngày dịch bệnh phức tạp vừa qua, đã có rất nhiều bếp ăn 0 đồng giống như của anh Khải cũng "nổi lửa" để giúp đỡ bà con. Điển hình như bếp ăn thiện nguyện nằm trên đường Phan Văn Hớn, ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM; do anh Lê Phú Cường (36 tuổi, Giám đốc một công ty xây dựng) cùng nhiều doanh nhân khác tạo nên.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Cường cho biết, bếp ăn được mở vào đầu tháng 8. Chỉ sau vỏn vẹn vài ngày hoạt động, nơi đây đã cung cấp gần 1.000 suất cơm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và bà con gặp khó khăn.
Anh Cường bày tỏ: "Nhiều bà con tại TP.HCM đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, thậm chí có người còn thiếu ăn, họ phải chạy lo từng bữa. Cứ nghĩ đến những trường hợp như thế là mình muốn rớt nước mắt, ngồi yên sao đành?”.
Anh Cường tất bật chuẩn bị những suất cơm thiện nguyện. (Ảnh: Thanh Niên)
>>Xem thêm: Đội thiện nguyện dùng cần cẩu chuyển quà cho bà con Sài Gòn
Nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các mạnh thường quân mà nhiều bà con mới vơi bớt nỗi lo trong mùa dịch. Có lẽ, điều mà tất cả mọi người đều mong ngóng hiện nay chính là sớm đẩy lùi được dịch bệnh, quay trở lại cuộc sống thường ngày. Muốn vậy, mọi người hãy cố gắng thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch nhé.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.
TNV GIÚP SẢN PHỤ NHIỄM COVID-19 CHỤP HÌNH CON NHỎ
Những ngày vừa qua, đã có rất nhiều sản phụ không may mắc Covid-19. Trong khoảng thời gian chiến đấu chống lại bệnh tật, họ chỉ mong có thể được gặp lại người con mới chào đời của mình. Vì vậy, họ đã nhờ các tình nguyện viên chụp ảnh con để mình có thể ngắm nhìn mỗi ngày, tiếp thêm động lực chống lại Covid-19.
Và một trong những tình nguyện viên đã đồng ý đi chụp ảnh con cho các sản phụ mắc Covid-19 là chị Thiên An (32 tuổi, đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly K1, bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM). Mỗi lần như vậy, chị lại không khỏi xúc động, nước mắt ướt nhoè kính.
Bởi khi được chị Thiên An chụp hình con hộ, các sản phụ đều tỏ ra vui mừng khôn xiết. Nữ tình nguyện viên kể: "Khi nhận được hình con của mình thì không có sản phụ nào kiềm chế được nước mắt. Họ nhìn thấy được đứa con mình mang nặng đẻ đau nhưng lại chưa được ôm ấp một phút nào cả".