Nỗi ám ảnh đáng sợ của người phụ nữ chứng kiến gần 300 vụ hành quyết tử tù

14:20 16/05/2018

Người phụ nữ này đã tận mắt chứng kiến gần 300 tử từ bị tiêm thuốc độc chết ngay trước mắt mình. Những vụ hành quyết đó đã để lại trong cô nỗi ám ảnh khủng khiếp.

Trong suốt 12 năm (2000-2012), công việc bắt buộc của cô Michelle Lyons là chứng kiến những vụ hành quyết tử tù, đầu tiên là trong vai trò một nhà báo, sau đó là người phát ngôn của Bộ Tư pháp Hình sự tiểu bang Texas. Trong suốt 12 năm đó, cô đã tận mắt nhìn thấy gần 300 người đàn ông và phụ nữ bị tiêm thuốc độc, trút hơi thở cuối cùng trên giường, kết thúc một cuộc đời vướng vào bạo lực và tội ác.


Michelle Lyons đã có 12 năm chứng kiến những vụ hành quyết tử tù bằng thuốc độc.
Michelle Lyons đã có 12 năm chứng kiến những vụ hành quyết tử tù bằng thuốc độc.


Những gì diễn ra đằng sau hàng rào thép của nhà tù ở Huntsville thật sự đã trở thành nỗi ám ảnh với cô.
Những gì diễn ra đằng sau hàng rào thép của nhà tù ở Huntsville thật sự đã trở thành nỗi ám ảnh với cô.

Michelle chỉ mới có 22 tuổi lúc cô chứng kiến vụ hành quyết đầu tiên, tử tù có tên Javier Cruz. Sau khi Javier chết đi, cô đã viết trong nhật ký rằng, “Mình cảm thấy hết sức bình thường. Mình có nên cảm thấy đau lòng không?”

Lúc đó Michelle chỉ nghĩ rằng lòng thương cảm của cô nên dẹp qua một bên vì công lý đã được thực thi, vì Javier đã đánh chết hai cụ già bằng một cái búa.

“Chứng kiến những vụ hành quyết này là một phần công việc của tôi,” Michelle tiết lộ. “Tôi hoàn toàn ủng hộ án tử hình. Tôi nghĩ rằng đó là hình phạt đích đáng nhất cho nhiều tội ác. Lúc đó tôi còn trẻ và nông nổi, mọi thứ đều phải trắng đen rõ ràng. Nếu tôi cứ để cảm xúc của mình chi phối, suy nghĩ quá nhiều về những vụ hành quyết đang diễn ra trước mắt, thì sao tôi có thể quay trở lại căn phòng đó, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác?”


Michelle lúc còn là nhà báo của tờ The Huntsville Item.
Michelle lúc còn là nhà báo của tờ The Huntsville Item.


Hồ sơ những vụ án mà cô đã từng chứng kiến.
Hồ sơ những vụ án mà cô đã từng chứng kiến.

Kể từ năm 1924, mọi vụ hành quyết ở Texas đều được thực hiện ở Huntsville, một thành phố nhỏ có đến 7 nhà tù. Đến năm 1972, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định hủy bỏ án tử hình vì nó quá tàn nhẫn, nhưng chỉ vài tháng sau, nhiều liên bang sửa luật để phục hồi án tử. Bang Texas phục hồi án tử trong vòng chưa đầy 2 năm và chẳng mấy chốc họ áp dụng xử tử bằng phương pháp tiêm thuốc độc. Đến năm 1982, Charlie Brooks là tử tù đầu tiên bị tiêm thuốc.

Số lượng tội phạm và tử tù đông đảo ở Huntsville khiến nơi này được đặt cho biệt danh “thủ đô tử hình thế giới.” Trong năm 2000, chỉ tính riêng bang Texas đã có 40 vụ tử hình, con số kỷ lục mà một liên bang thực hiện trong vòng một năm, gần bằng số lượng tử hình của phần còn lại của nước Mỹ cộng lại. Trong vai trò nhà báo của tờ The Huntsville Item, Michelle đã chứng kiến đến 38 vụ trong số đó.


Căn buồng nơi tử tù bị giam trong thời gian chờ đợi ngày thực hiện án tử.
Căn buồng nơi tử tù bị giam trong thời gian chờ đợi ngày thực hiện án tử.

Đọc lại những biên bản tử hình trong những ngày đầu tiên làm báo, có thể thấy trong đó ghi đầy những chi tiết khiến cho Michelle hiện tại cảm thấy khó thở. Chẳng hạn Carl Heiselbetz Jr., người đã sát hại một người phụ nữ và con gái bà ta, vẫn còn mang theo đôi kính đọc sách trên giường xử tử. Betty Lou Beets, người đã chôn sống những ông chồng của mình trong vườn giống như chôn xác xúc vật, có đôi chân vô cùng nhỏ nhắn. Hay Thomas Mason, kẻ đã sát hại mẹ và bà ngoại của vợ mình, trông giống hệt ông nội của Michelle.

Đối với nhiều gia đình các nạn nhân, việc chứng kiến kẻ thủ ác bị tước đi mạng sống dưới mũi kim chẳng khác nào chứng kiến họ đi ngủ, và đó là sự thất vọng lớn. Họ nghĩ rằng ghế điện, thứ đã “trừng trị” đến 361 tử tù từ năm 1924 đến năm 1964, xem hay hơn và đích đáng hơn.


Những cuốn Kinh Thánh bên ngoài các xà lim.
Những cuốn Kinh Thánh bên ngoài các xà lim.

Với Michelle thì khác. Khi đảm nhận vị trí thông tin của Bộ Tư pháp Hình sự tiểu bang Texas vào năm 2001, công việc của cô trở nên nặng nề hơn. Cô phải liên tục nghe đi nghe lại những lời van xin tha mạng, những tiếng xin lỗi đầy đau khổ, những tiếng kêu gào vô tội, những trích đoạn trong Kinh Thánh, lời bài hát, thậm chí cả những câu pha trò. Rất hiếm khi cô nghe thấy những lời lẽ giận dữ, và chỉ có một lần cô nghe được một tiếng khóc sụt sùi.

Rồi Michelle lại nghe thấy tiếng những tử tù trút hơi thở cuối cùng, đó là những tiếng ho, những tiếng thở hổn hển, hay tiếng nấc, khi thuốc độc ngấm dần và phổi của họ ngừng hoạt động, lùa không khí ra bên ngoài cơ thể như những chiếc ống bể. Rồi sau đó, cơ thể họ tím dần.


Chiếc giường nơi các tù nhân chấp nhận hình phạt.
Chiếc giường nơi các tù nhân chấp nhận hình phạt.

Cũng có đôi khi, những giây phút cuối cùng của tử tù chỉ được chứng kiến bởi một vài nhân viên cai ngục và một nhà báo. Khi người tử tù cảm nhận thuốc độc đang ngấm dần, xung quanh họ chẳng có lấy một người thân thích, dù là người thân của họ hay của nạn nhân họ đã sát hại. Ở ngoài kia, hầu như mọi công dân của Huntsville cũng chẳng hề hay biết chuyện gì đang diễn ra sau hàng rào thép gai.

Thông thường, một tử tù sẽ phải chờ hàng chục năm mới đến lượt mình leo lên chiếc giường xử tử. Vì thế, Michelle có thời gian làm quen họ, trong đó có cả những tên sát nhân hàng loạt, những kẻ sát hại trẻ con, hay những gã hiếp dâm. Không phải tất cả đều là quái vật. Michelle thậm chí còn thấy thích vài người, cô nghĩ rằng nếu ở một thế giới khác, có lẽ cô đã trở thành bạn bè với họ.


Phòng theo dõi của gia đình tử tù.
Phòng theo dõi của gia đình tử tù.


Phòng theo dõi của gia đình nạn nhân.
Phòng theo dõi của gia đình nạn nhân.

Chỉ đến khi Napoleon Beazley, cậu bé 17 tuổi bị xử tử vào năm 2002 vì tội sát hại cha của một vị thẩm phán liên bang, Michelle mới bật khóc suốt trên đường về nhà.

“Tôi biết rằng Napoleon từ nay sẽ không còn vướng vào bất kỳ rắc rối nào nữa, tôi nghĩ rằng cậu bé đã có thể là một công dân có ích cho xã hội. Tôi đã ngầm ủng hộ cậu bé thắng án, và cảm thấy tội lỗi khi có cảm xúc đó. Đó là một tội ác không thể dung thứ, nếu tôi là gia đình của nạn nhân, chắc chắn tôi sẽ muốn Napoleon bị tử hình. Tôi có quyền gì mà cảm thương cho Napoleon, khi Napoleon chẳng có liên quan gì đến mình?”

Đến khi Michelle mang thai vào năm 2004, những cảm xúc mâu thuẫn trở nên hỗn độn trong lòng cô, và chiếc mặt nạ vô cảm cô vẫn mang suốt những năm qua bắt đầu rơi xuống.


Bức thư mà một người tử tù gửi cho Michelle trước khi chết.
Bức thư mà một người tử tù gửi cho Michelle trước khi chết.

“Những vụ hành quyết trở nên không còn là một khái niệm trừu tượng nữa mà nó bắt đầu chạm đến phần con người sâu thẳm trong lòng tôi. Tôi bắt đầu lo lắng rằng con mình có thể nghe thấy những tiếng trăn trối của tử tù, nghe thấy những lời xin lỗi đáng thương của họ, những lời kêu gào vô tội trong tuyệt vọng, những tiếng lắp bắp hay tiếng thở hắt của họ.

Khi tôi có con gái, những vụ hành quyết khiến tôi cảm thấy sợ hãi. Thông thường, những cảm xúc đau buồn sẽ xuất phát từ phòng theo dõi, nơi gia đình của nạn nhân trải qua một quãng thời gian dài cảm nhận sự mất mát, còn gia đình của tử tù thì tận mắt chứng kiến người thân của họ chết đi. Đó là một chặng đường dài đằng đẵng và vô cùng khó khăn.

Tôi cũng có con nhỏ ở nhà, tôi cũng hiểu cảm giác mình sẽ làm mọi thứ vì chúng. Còn những người phụ nữ này phải chứng kiến con của họ trút hơi thở cuối cùng. Tôi nghe tiếng những người mẹ khóc than, kêu gào, đập tay vào kính, đá chân vào tường.

Còn tôi đứng đó trong phòng theo dõi và nghĩ rằng, ‘Chẳng có ai là người chiến thắng cả, tất cả đều là những kẻ thua cuộc.’ Tử hình chỉ đem đến những nỗi buồn. Tất cả những gì tôi chứng kiến chỉ là những nỗi buồn tràn ngập, hết lần này đến lần khác.”


Nghĩa trang Joe Byrd, nơi những tử tù không người thân thích được tặng cho một miếng đất nhỏ để nằm yên nghỉ trong hơn 150 năm qua.
Nghĩa trang Joe Byrd, nơi những tử tù không người thân thích được tặng cho một miếng đất nhỏ để nằm yên nghỉ trong hơn 150 năm qua.

Michelle tiếp tục làm công việc đó thêm 7 năm nữa, chứng kiến những người tử tù ngoan ngoãn đi vào chỗ chết, cho đến khi cô kết thúc công việc tại Bộ Tư pháp. Nhưng Michelle không chỉ đau lòng, cô còn cảm thấy mình lạc lõng, giống như thể cô là một tù nhân vừa được phóng thích sau một thời gian dài giam cầm.

“Tôi đã nghĩ rằng rời xa nhà tù sẽ giúp tôi bớt thấy và bớt nghĩ về nó, nhưng tôi đã nhầm. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến nó. Tôi mở một túi khoai tây chiên và ngửi thấy mùi của căn phòng tử hình, một chương trình gì đó trên radio cũng làm tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với một tử tù, diễn ra vài tiếng trước khi họ chết. Rồi tôi cũng nhớ cả đôi bàn tay nhăn nheo của người mẹ tử tù Ricky McGinn, ép chặt vào bức tường kính dõi theo cái chết của con trai, và tôi bắt đầu rơi nước mắt.”


“Bạn không thấy có nhiều hoa trên mộ ở đây đâu."
“Bạn không thấy có nhiều hoa trên mộ ở đây đâu."

Texas không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ bãi bỏ án tử hình khi một cuộc thăm dò vào năm 2013 cho thấy 74% công dân Texas ủng hộ án tử. Dấu hiệu đáng mừng duy nhất là vào năm 2017, Huntsville chỉ thực hiện 7 vụ tử hình, bằng với số vụ của năm 2016, tức là giảm rất nhiều so với con số kỷ lục 40 án của năm 2000.

Tại Nghĩa trang Joe Byrd, nơi những tử tù không người thân thích được tặng cho một miếng đất nhỏ để nằm yên nghỉ trong hơn 150 năm qua, Michelle đi giữa những hàng bia mộ cũ kỹ và tự hỏi mình còn nhớ mặt bao nhiêu người đang nằm ở đây. Thứ khiến cô buồn nhất không phải là việc cô nhớ đến bao nhiêu vụ tử hình, mà là cô đã quên đi bao nhiêu người.

“Bạn không thấy có nhiều hoa trên mộ ở đây đâu. Vì sao tôi không thể nhớ nổi khuôn mặt của những người tôi đã chứng kiến họ bị xử tử nhỉ? Phải chăng vì họ xứng đáng chết trong cô độc và lãng quên?”

(Ảnh: eisradio)