Theo thông tin trên Zing, sáng 15/3, đại diện Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cho biết, vào ngày 14/3, đã hai trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Đặc biệt, một người xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, khó chịu trong vòng nửa tiếng sau khi tiêm vaccine.
Trong khi đó, người còn lại có những dấu hiệu như rét run, sốt kèm co quắp, tê bì tay sau 8 giờ tiêm, các bác sĩ chẩn đoán người này sốc phản vệ độ III.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 (Ảnh: Thanh niên)
Sau khi ghi nhận hai trường hợp này, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành xử trí theo đúng quy định. Đến nay, sức khỏe cả hai người đã ổn định trở lại. Theo Tuổi trẻ, đây là ca sốc phản vệ, là phản ứng nặng nhất trong tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam. Được biết, Bộ Y tế quy định, có 4 mức độ phản vệ sau khi tiêm, mức III là mức nguy kịch.
Sau khi tiêm vaccine Covid-19, mọi người đều được theo dõi sát sao (Ảnh: Zing)
Theo thống kê, tổng số người được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam là 11.605 trường hợp, trong đó, ngày 14/3, có 1.382 người. Đây đều là những nhân viên y tế, cán bộ trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm, điều trị, truy vết, tham gia chống dịch.
Chi tiết về số người được tiêm tại các địa phương như sau: Hải Dương: 7.276 người, Hà Nội: 163 người, Hưng Yên: 1.008 người, Bắc Ninh: 312 người, Bắc Giang: 1.230 người, Hải Phòng: 205 người, TP.HCM: 774 người, Gia Lai: 200 người, Long An: 193 người, Đà Nẵng: 117 người, Hòa Bình: 32 người, Khánh Hòa: 95 người.
Trong tuần này (kể từ ngày 15/3), các tỉnh thành tiếp theo sẽ triển khai công tác tiêm vaccine là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Điện Biên.
Tất cả địa điểm tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đều bố trí khu vực theo dõi sức khỏe sau tiêm (Ảnh: Tạp chí bảo hiểm xã hội)
Theo trang tin của Bộ Y tế, sáng 15/3, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Tổng số bệnh nhân tính đến thời điểm hiện tại là 2.554, trong đó, số ca lây nhiễm trong nước là 1.594 người. Riêng từ 27/1 đến nay, đã có 901 ca lây trong cộng đồng. Bao gồm: Hải Dương có 717 ca, Quảng Ninh 61 ca, Gia Lai 27 ca, Hà Nội 34 ca, Bắc Ninh 5 ca, Bắc Giang 2 ca, TP. Hồ Chí Minh 36 ca, Hoà Bình 2 ca, Hà Giang 1 ca, Điện Biên 3 ca, Bình Dương 6 ca, Hải Phòng 4 ca, Hưng Yên 3 ca.
Có 10 tỉnh, thành đã hơn một tháng không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cộng đồng là: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Riêng Thủ đô Hà Nội đã trải qua 27 ngày ổn định, không xuất hiện ca nhiễm cộng đồng, còn Hải Phòng cũng đã kiểm soát được tình hình 20 ngày nay.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 có 48 ca âm tính lần 1; số ca âm tính lần 2 là 48 ca; số ca âm tính lần 3 là 91 ca. Các bệnh nhân nặng đến rất nặng đều có những tiến triển đáng hy vọng, đặc biệt là bệnh nhân 1536, vốn được chẩn đoán nặng hơn bệnh nhân 91, phi công người Anh, song đến nay cũng đang có những bình phục ngoạn mục.
Hy vọng trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ được ngăn chặn hoàn toàn, cuộc sống người dân dần ổn định trở lại.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
NGƯỜI TIÊM THỬ NGHIỆM MŨI VACCINE COVID-19 ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM SỨC KHỎE ỔN ĐỊNH
Song song với việc nhập khẩu vaccine từ nước ngoài thì các đơn vị sản xuất vaccine trong nước cũng đang đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, vaccine Nano Covax đang trong giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm trên người.
Đến nay, kết quả ghi nhận cho thấy, đa phần những tình nguyện viên tham gia tiêm thử đều có sức khỏe ổn định, dù có một số phản ứng tuy nhiên đó đều là những phản ứng đã được cảnh báo từ trước. Bởi đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tiếp nhận vaccine.
Đặc biệt, người phụ nữ tiêm thử nghiệm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên còn hào hứng chia sẻ, đến nay đã 2 tháng kể từ khi chị tiêm vaccine nhưng sức khỏe vẫn rất tốt. "Đây là một minh chứng cho sự thành công bước đầu của vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất", chị cho biết.