"Mất điện diện rộng trong thời gian quá dài khiến toàn bộ lượng thịt bò trữ trong tủ đều hỏng hết. Tôi cắt sẵn thịt hỏng và đặt lên quầy. Có người mua về để ăn, đặc biệt là người nghèo, họ không có nhiều lựa chọn".
Tại thành phố cảng Maracaibo, nơi từng nổi tiếng với trữ lượng dầu mỏ dồi dào, trung tâm sản xuất một nửa lượng dầu thô của Venezuela, bóng đen đang bao trùm. Bên hồ, các giàn khoan nằm la liệt, mặt nước phủ dày một lớp dầu bóng đặc. Mọi hoạt động kinh doanh đều ngưng trệ còn người dân thì rồng rắn nhau xếp hàng để mua thịt... thối.
Một đứa bé tiểu học với kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng hiểu rằng thịt ôi thiu nguy hiểm với cơ thể người tới mức nào. Vậy mà tại Venezuela, giữa thể kỉ 21, người ta đang phải tranh nhau mua thứ thịt này vì cuộc khủng hoảng kinh tế đang bùng nổ tới mức mất kiểm soát.
Nhiều cửa hàng tại chợ trung tâm thành phố Maracaibo thẳng thắn bán thịt ôi vì không còn cách nào khác
Suốt 9 tháng trong năm 2018, nguồn điện tại thành phố Maracaibo không đủ để duy trì cho máy trữ đông hay tủ lạnh chạy cả ngày. Tình trạng mất điện luân phiên xảy ra. Tồi tệ hơn, một trận hỏa hoạn vào đầu tháng 8 đã khiến nguồn điện chính cho cả thành phố sụp đổ. Điện và nước vốn là những nhu cầu cơ bản phục vụ sinh hoạt con người, nay chỉ là thứ gì đó rất xa vời với 1.5 triệu dân Maracaibo.
Các cửa hàng thực phẩm buộc phải bán ra các loại thịt kém tươi, một số đã có dấu hiệu ôi thiu vì không còn cách nào khác. Khách hàng cũng chấp nhận rước về nhà loại thực phẩm có hại này bởi giá cả phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Dù sao đi nữa, họ cũng phải cung cấp protein cho cơ thể giữa bối cảnh đất nước khó khăn.
Ít nhất 4 cửa hàng ở khu chợ trung tâm tại Las Pulgas, thành phố Maracaibo công khai bán thịt ôi. Johel Prieto, một chủ hàng thịt đã xay thịt hỏng rồi trộn với thịt tươi để làm giảm màu tối, nhạt của thực phẩm thiu.
Johel Prieto cắt sẵn phần thịt đang dần hỏng và để riêng vào một khay
"Mất điện diện rộng trong thời gian quá dài khiến toàn bộ lượng thịt bò trữ trong tủ đều hỏng hết. Tôi cắt sẵn thịt hỏng và đặt lên quầy. Có người mua về cho vật nuôi. Có người mua về để ăn, đặc biệt là người nghèo, họ không có nhiều lựa chọn" - Prieto cho biết
Yeudis Luna - người cha của 3 đứa con trả lời AP rằng từng thớ thịt trong túi bốc mùi "thối inh" nhưng anh đã làm sạch nó bằng chanh và giấm nhằm cứu vãn chút vị thịt còn sót lại. Luna lâm vào cảnh gà trống nuôi con từ năm ngoái khi mẹ lũ trẻ đã rời quê hương do điều kiện sống trở nên "không thể cứu vãn nổi".
Những miếng thịt đang chuyển màu, ruồi nhặng vo ve xung quanh
"Tôi rửa thịt bò bằng nước, ngâm qua đêm trong giấm rồi đổ ngập hỗn hợp nước cốt chanh, cà chua và hành tây lên để làm chín. Tôi rất lo lũ trẻ sẽ ốm vì ăn món này, nhưng may thay, mới chỉ có đứa bé nhất bị nôn và tiêu chảy." - Luna chia sẻ. Ba cậu nhóc ở độ tuổi lần lượt là 6, 9, 10 đang cầm cự cuộc sống bằng thịt ôi thiu. Tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi.
Mặc dù là quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn của thế giới nhưng Venezuela đã lâm vào khủng hoảng từ năm 2014 do giá dầu giảm. Không thể kiểm soát được giá cả cũng như duy trì trợ giá, Venezuela "thả trôi" trong lạm phát. Hàng hoá thiếu triền miên, đồng nội tệ tụt dốc không phanh. Theo Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lạm phát sẽ tiếp tục xô đổ kỷ lục của chính mình và đạt tới 1.000.000% vào cuối năm 2018.
Mireya Marquez thắp nến trong cảnh tranh tối tranh sáng để chuẩn bị cho bữa tối đơn sơ của cả gia đình
Cây cầu bắc qua Hồ Maracaibo - công trình dài 8km - từng tỏa sáng rực rỡ giữa đêm đen, nối liền thành phố cảng với các khu vực còn lại của Venezuela, nay đã tắt. Các khu trung tâm thương mại chẳng còn bóng người qua lại. Về phía Maracaibo, cả thành phố đang vật vã từng ngày chống lại khủng hoảng với vài tia hy vọng mong manh.
Tổng hợp