Người đàn ông hơn 40 năm sống trong rừng sâu đi làm thẻ căn cước

10:50 27/03/2021

Thời gian gần đây, công tác cấp căn cước công dân gắn chip điện tử được đẩy mạnh tại các địa phương trên khắp cả nước nhằm hoàn thành mục tiêu cấp thành công 50 triệu thẻ theo mẫu mới vào tháng 7/2021. Hiện nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực vận động, kêu gọi mọi người đến làm thủ tục cấp thẻ.

Theo Báo Người Lao Động, Công an huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã cử một tổ công tác lưu động về xã Trà Phong, huyện Trà Bồng để tiến hành làm hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho mọi người.

 
"Người rừng" Hồ Văn Lang đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước. (Ảnh: Người Lao Động)
"Người rừng" Hồ Văn Lang đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước. (Ảnh: Người Lao Động)

Đáng chú ý, trong số những người tới làm thủ tục cấp căn cước công dân mới có ông Hồ Văn Lang (52 tuổi, ngụ tại thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Trà Bồng).

Ông Hồ Văn Lang là người đàn ông từng được gọi bằng biệt danh “người rừng” bởi câu chuyện xảy ra từ 8 năm trước. Thời điểm đó, dư luận trong nước liên tục đưa tin về câu chuyện hai cha con được chính quyền địa phương đưa từ rừng sâu trở về sau hơn 40 năm sống biệt lập giữa rừng, không giao tiếp với người khác. Đó là ông Hồ Văn Lang và cha của mình – ông Hồ Văn Thanh.

 
Ông Hồ Văn Lang vào thời điểm được chính quyền địa phương đưa từ rừng sâu về làng. (Ảnh: Người Lao Động)
Ông Hồ Văn Lang vào thời điểm được chính quyền địa phương đưa từ rừng sâu về làng. (Ảnh: Người Lao Động)

Năm 1972, sau khi chứng kiến một trận bom dội xuống làng, ông Hồ Văn Thanh (sinh năm 1932) dẫn theo con trai là Lang (lúc đó mới 3 tuổi) trốn vào rừng sâu, sống tách biệt với bên ngoài. Hai bố con trú thân trong một ngôi nhà giống với tổ chim trên thân cây; dùng lá cây và vỏ cây để làm quần áo; ăn trái cây, rau, lá, bắp, quả rừng sống qua ngày.

Mãi tới năm 2013, mọi người sinh sống quanh đó bất ngờ phát hiện 2 cha con nên đã báo với chính quyền. Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành tìm kiếm nhiều ngày, đồng thời vận động, thậm chí đến mức “cưỡng chế” để đưa hai bố con ông Lang về.

 
Ông cùng cha đã có khoảng 40 năm sống tách biệt với bên ngoài, không giao tiếp với người khác. (Ảnh: Báo Công An)
Ông cùng cha đã có khoảng 40 năm sống tách biệt với bên ngoài, không giao tiếp với người khác. (Ảnh: Báo Công An)

Kể từ khi trở về cộng đồng, hai bố con bắt đầu tập làm quen với cuộc sống của con người bình thường, dần bỏ đi cách sống có phần “hoang dã” như trong rừng. Hiện tại, ông Lang đang sống cùng gia đình người em trai trong ngôi nhà được các nhà hảo tâm xây tặng tại thôn Trà Nga, xã Trà Phong trong khi cha ông mất cách đây ít năm do tuổi cao.

 
Hiện ông Lang đã hoà nhập với cộng đồng, tự chăm sóc được bản thân. (Ảnh: Báo Công An)
Hiện ông Lang đã hoà nhập với cộng đồng, tự chăm sóc được bản thân. (Ảnh: Báo Công An)

Hàng ngày, ông Lang lên rẫy trồng ngô, lúa và bắt cá, bắt ốc,… sau đó tự nấu ăn, tự chăm sóc được bản thân. Ông không hút thuốc hay uống rượu, chỉ “nghiện” duy nhất một thứ đó là ăn trầu. Với bản tính chất phác, hiền lành, ông Lang được người thân là láng giềng vô cùng yêu quý, giúp đỡ rất nhiều.

 
Ông Lang được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục cấp căn cước công dân. (Ảnh: Người Lao Động)
Ông Lang được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục cấp căn cước công dân. (Ảnh: Người Lao Động)

Vào thời điểm đi làm căn cước công dân, ông Lang đến từ rất sớm và đã rất mạnh dạn, không còn ngại giao tiếp như trước. Sau khi hoàn tất thủ tục, ông nở một nụ cười thân thiện và vui vẻ chào tạm biệt các cán bộ làm nhiệm vụ trong tổ công tác làm hồ sơ cấp căn cước công dân thuộc Công an huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Có thể thấy, sau 8 năm rời khỏi rừng sâu và cố gắng hoà nhập lại với cộng đồng, “người rừng” năm nào đã có một cuộc sống bình ổn như bao người.

Cùng đón xem những tin tức mới nhất trên YAN!

SỰ THAY ĐỔI CỦA “TARZAN” NGOÀI ĐỜI THỰC SAU KHI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

Những năm qua, nhiều câu chuyện “tưởng đùa nhưng thật” về người rừng tại Việt Nam đã gây ngỡ ngàng cho dư luận trong nước và quốc tế. Vì nhiều lý do khác nhau, những “người rừng” đã sống tách biệt với thế giới bên ngoài, hoàn toàn không giao tiếp với người khác và chọn rừng già là nơi trú ngụ, lấy cỏ cây, thú rừng làm thức ăn sống qua ngày.

Cho đến khi được phát hiện, họ bắt đầu quay trở lại cộng đồng và tập làm quen với nếp sinh hoạt của người bình thường. Không còn các thói quen có phần “hoang dã”, không còn ở trên cây và sống “hồn nhiên” giữa núi rừng như trước, cuộc sống của họ giờ đây đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Thế nhưng chắc hẳn đối với những “người rừng”, việc được quay trở lại sống và sinh hoạt như bao người là niềm hạnh phúc khó có thể đong đếm được, bởi ẩn sâu trong con người họ, họ vẫn thực sự là một con người.

Đón xem TẠI ĐÂY!