Sáng ngày 14/9, người dân miền Trung đã gấp rút hoàn tất quá trình chuẩn bị chống cơn siêu bão được đánh giá là cơn bão lớn nhất trong những năm trở lại đây.
Trong sáng ngày hôm qua (13/9), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn yêu cầu các Sở, ban ngành dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 10.
Sáng nay, tại Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và người dân đang khẩn trương chằng néo lại nhà cửa, cắt tỉa cây cối và tiến hành di chuyển người và vật đến nơi an toàn. Ở vùng biển, các thuyền, tàu đánh cá cũng khẩn trương trở về neo đậu, chuẩn bị tránh bão.
Người dân Hà Tĩnh chặn bao cát đề phòng tốc mái nhà. Ảnh: Phạm Trường (Zing.vn).
Cắt tỉa cây xanh. Ảnh: Dân trí.
Cô Đặng Thị Trâm, Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: “Ngay trong sáng nay, nhà trường đã huy động các cô giáo tiến hành tỉa cành cây, đồng thời sử dụng bao tải đựng cát để gia cố lại những vị trí mái tôn, mái ngói có nguy cơ ảnh hưởng khi bão đổ bộ”.
Người dân chặt tỉa cành cây đề phòng gãy đổ khi bão vào. Ảnh: Dân trí.
Đến trưa nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa nhỏ rải rác, nhiều khu vực như huyện Nghi Xuân, Lộc Hà đã có mưa khá lớn và gió bắt đầu mạnh dần.
Người dân huyện Nghi Xuân chằng néo, gia cố lại nhà cửa và di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Dân trí.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đang tập trung toàn bộ anh em cán bộ tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền vào các vị trí an toàn để tránh bão”.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 6.900 tàu thuyền và gần 17.700 lao động vẫn đang hoạt động trên biển.
Để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, từ chiều ngày 13/9, nhiều hồ đập lớn thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đã tiến hành xả tràn.
Tại Quảng Bình, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố cử cán bộ túc trực 24/24 theo dõi diễn biến bão, phân công lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Để tránh thiệt hại cũng như đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Quảng Bình cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12, cấp 13. Trong đó tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị các phương tiện để sẵn sàng di dời gần 20.300 hộ với hơn 76.000 người dân trong tình huống khẩn cấp.
Ngư dân Quảng Bình neo chằng tàu cá tránh hư hỏng do bão. Ảnh: Dân trí.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, tại Quảng Bình sáng nay đã bắt đầu có mưa, gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8.
Đồng thời ở Nghệ An – một trong những nơi được dự đoán là tâm bão cũng đang tất bật với công tác phòng chống bão lụt. Sáng ngày 14/9, UBND tỉnh Nghệ An ra lệnh cấm ra biển đồng thời kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm cách vào nơi trú ẩn an toàn. Từ buổi sáng, người dân các huyện, thị xã ven biển như thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã tổ chức chằng chống, neo thuyền để đảm bảo kiên cố chuẩn bị đón bão.
Hiện tại, các tàu thuyền ngoài khơi đã neo đậu tại cảng, thu dọn dẹp ngư cụ và sẵn sàng đón cơn bão số 10 sắp đổ bộ. Khu vực dân cư cũng đã sẵn sàng chống cơn siêu bão.
Sáng ngày 14/9, thời tiết Thanh Hóa có mưa nhỏ, mây mù. Tại TP Sầm Sơn, hàng nghìn ngư dân đánh bắt gần bờ bằng phương tiện bè mảng dừng ra khơi. Mọi người tập trung di chuyển bè mảng, ngư lưới cụ lên bờ tránh bão. Không khí ứng phó bão số 10 của các ngư dân rất khẩn trương.
Đến 8h ngày 14/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho hay còn 3 phương tiện tàu thuyền với 33 ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang đánh bắt thủy hải sản tại vùng biển Vịnh Bắc bộ vẫn chưa liên lạc được. Hiện chính quyền địa phương và gia đình đang tìm cách liên lạc với 3 tàu trên để kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn.
Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hơn 1.200 phương tiện với hơn 6.900 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, nhưng các phương tiện này đều đã liên hệ được với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời tìm được nơi trú bão an toàn.
Tại Thừa Thiên - Huế, khoảng 11h cùng ngày, gió giật mạnh khiến một cây xanh bật gốc ngã đè lên ôtô công vụ đang lưu thông trên cầu Vỹ Dạ (TP Huế, Thừa Thiên - Huế). Vụ tai nạn khiến phần kính xe bị vỡ, rất may không có thương vong về người. Tuy nhiên, sự việc khiến giao thông ở tuyến đường qua cầu bị ách tắc gần một giờ liền. Sáng cùng ngày, mưa to, gió giật đã xuất hiện ở vùng ven biển thành phố Huế.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương lên phương án phòng chống bão lụt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đình chỉ tất cả các cuộc họp từ tỉnh, huyện cho đến xã để tập trung phòng chống bão lụt. Tỉnh Quảng Trị đang lên kế hoạch sơ tán hơn 139.000 người dân thuộc 141 xã, phường, thị trấn khi bão mạnh đổ bộ vào địa bàn.
Toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 2.300 tàu thuyền với 7.500 người hoạt động trên biển nhận được thông tin về bão số 10, trong đó đã kêu gọi được hơn 2.250 chiếc vào nơi neo đậu an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 54 tàu vẫn hoạt động xung quanh đảo Cồn Cỏ và khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Chiều nay ngày 14/9, tất cả các học sinh trong tỉnh được cho nghỉ học đến khi bão xong, đồng thời yêu cầu tất cả giáo viên tập trung công tác chằng chống trường lớp, đưa các thiết bị dạy và học lên vị trí an toàn.
Tàu thuyền neo đậu tại xã Triệu An, Triệu Phong . Ảnh: Văn Được (Zing.vn).
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: "Công tác phòng, chống bão lụt ngay từ bây giờ phải tiến hành hết sức khẩn trương. Đình chỉ tất cả các cuộc họp để tập trung phòng chống bão lụt".
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơn bão số 10 lần này có sức ảnh hưởng và tàn phá của một siêu bão. Mong rằng người dân miền Trung sẽ chuẩn bị thật kỹ càng công tác phòng chống bão lụt và giảm thiểu hậu quả sau bão.
Tổng hợp