Nghề lạ miền Tây: Muốn có tiền phải chạy, lương ổn định quanh năm

16:50 17/06/2022

Ở Việt Nam có rất nhiều nghề tuy khó hiểu nhưng lại mang đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định. Điển hình như tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) còn có một công việc "cứ chạy là có tiền, càng chạy càng giàu". Đáng nói, tại một làng nghề trong xã, hộ gia đình nào cũng có người làm nghề đó, thậm chí còn theo hình thức "cha truyền con nối".

Thực tế, không ai biết công việc độc lạ trên ra đời từ bao giờ, nhưng có những gia đình đã gắn bó đến 2-3 thế hệ. Nó cũng đang "nuôi sống" hàng trăm lao động ở địa phương.

 
Rất nhiều người tại xã Mỹ Hội Đông đang làm nghề "chạy là có tiền". (Ảnh: Người Đưa Tin)
Rất nhiều người tại xã Mỹ Hội Đông đang làm nghề "chạy là có tiền". (Ảnh: Người Đưa Tin)

Người Đưa Tin đăng tải, công việc này rất dễ lại không theo mùa vụ mà xoay chuyển quanh năm, lúc nào cũng cần lao động. Vì vậy, bà con trong xã, từ người già, trẻ em, phụ nữ, đàn ông đều có thể làm được. Người lớn gắn bó với nghề này vì muốn có một nguồn ổn định hơn so với làm nông. Còn trẻ em lại coi như đi làm thêm phụ giúp cha mẹ, kiếm tiền mua sách vở đồ dùng học tập. 

Công việc này còn có một tên gọi khác, đó là “chạy kéo dây" - một công đoạn quan trọng để làm ra dây thừng. Trung bình mỗi ngày, một người phải chạy bộ từ 10-20km, kéo theo phía sau là chiếc cào buộc những sợi dây dài. Quãng đường họ phải đi còn dài hơn cả vận động viên, đôi khi còn kéo dài liên tục hàng giờ, vượt qua đường đê hay cánh đồng. Vì vậy nếu muốn làm nghề này, đòi hỏi phải có sự bền bỉ, dẻo dai và tính kiên trì. 

Ngoài chạy bộ, người lao động còn phải phối hợp nhịp nhàng với người chia, quấn dây ở nhà. Khi đi quá nhanh, dây có thể bị rối. Lúc này, người chạy phải phát hiện kịp thời, nhanh tay lấy thêm đoạn mới nối vào, nếu không khi làm xong sẽ mất nhiều thời gian, công sức để sửa lại. Nhưng nếu đi quá chậm thì người kéo sẽ phải chịu sức nặng lớn.

 
Nghề kéo sợi tuy dễ làm nhưng lại đòi hỏi có sức khoẻ dẻo dai, ổn định. (Ảnh: Người Đưa Tin)
Nghề kéo sợi tuy dễ làm nhưng lại đòi hỏi có sức khoẻ dẻo dai, ổn định. (Ảnh: Người Đưa Tin)

 
Ai cũng có thể làm nghề chạy kéo dây. (Ảnh: Người Đưa Tin)
Ai cũng có thể làm nghề chạy kéo dây. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Hiện tại, công việc này đang dần trở nên "dễ thở" hơn trước nhờ áp dụng kĩ thuật công nghệ. Chia sẻ với Vietnamnet, anh Hồ Thanh Bình chia sẻ: "Nghề này lúc trước làm cực lắm, do chủ yếu làm bằng tay nên mỗi ngày chỉ làm được 2-3 ống dây. Nhưng những năm gần đây, nhờ có máy hỗ trợ nên làm dây keo nhẹ công, từ đó thu nhập cao hơn".

Do tính tiền công theo thành phẩm, nên ai cũng cố gắng làm. Một ngày, nếu chịu khó làm khoảng 12-13 tiếng cũng kiếm được khoảng 300 nghìn-400 nghìn đồng. Ở đây, nhiều người thợ se dây keo không có ngày nghỉ mà chỉ dừng tay khi trời mưa lớn hoặc cúp điện."

Thông thường, công việc của một người làm nghề này sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng, đến 12 giờ trưa tranh thủ nghỉ và làm trở lại vào buổi chiều. Ngày nào trời mưa gió, người lao động mệt có thể tuỳ ý nghỉ ngơi, chỉ cần có thể làm bù vào những ngày sau đó.

 
Người chạy phải kéo theo một chiếc cào được quấn nhiều sợi dây. (Ảnh: Vietnamnet)
Người chạy phải kéo theo một chiếc cào được quấn nhiều sợi dây. (Ảnh: Vietnamnet)

 
Rất nhiều người đã làm nghề này được hàng chục năm trời. (Ảnh: Vietnamnet)
Rất nhiều người đã làm nghề này được hàng chục năm trời. (Ảnh: Vietnamnet)

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Chủ tịch xã Mỹ Hội Đông cho biết, tính đến năm 2021, toàn xã có đến hơn 500 người làm nghề dây keo. Mức thu nhập của họ rơi vào khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng, tuy không quá cao nhưng rất ổn định. Nếu có nhu cầu, người lao động chỉ cần chạy thêm là có tiền. 

Ở Sài Gòn cũng có rất nhiều người gắn bó với nghề này. Nói về điều đó, ông Bảy - một cư dân sống tại làng nghề sản xuất sợi keo ở phường Bình Hưng Hoà B (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Công việc tuy cực khổ nhưng thu nhập ổn định nên tôi trở về quê gọi thêm người thân lên Sài Gòn làm cùng nhau. Lâu dần, ở đây đông hơn, lập thành làng để cưu mang, đỡ đần, san sẻ với nhau trong cuộc sống". Tuy nhiên hiện nay, họ đang phải đối mặt với nỗi lo về mặt bằng, thành phố không đủ bãi đất rộng để “chạy".

 
Nhiều gia đình cả vợ và chồng đều làm nghề chạy kéo dây. (Ảnh: Vietnamnet)
Nhiều gia đình cả vợ và chồng đều làm nghề chạy kéo dây. (Ảnh: Vietnamnet)

 
Hiện tại, công việc này đang có ít người làm hơn trước. (Ảnh: Vietnamnet)
Hiện tại, công việc này đang có ít người làm hơn trước. (Ảnh: Vietnamnet)

 
Người dân muốn làm nghề chạy kéo dây hơn là làm ruộng. (Ảnh: Dân Việt)
Người dân muốn làm nghề chạy kéo dây hơn là làm ruộng. (Ảnh: Dân Việt)

Hiện tại vẫn có rất nhiều người đang theo đuổi công việc lạ lùng này. Tuy khó hiểu nhưng nó cũng đã giúp cho rất nhiều người lao động trang trải được cuộc sống, có tiền lo cho gia đình, con cái. 

Cùng đón xem những tin tức mới nhất trên YAN!

Đối với người dân, chỉ cần là công việc hợp pháp, mang lại nguồn thu nhập ổn định thì dù thế nào, họ cũng sẽ muốn gắn bó lâu dài. Nghề chạy kéo dây cũng vậy, tuy vất vả, đòi hỏi sức bền bỉ cao nhưng vẫn có rất nhiều hộ gia đình tại miền Tây có nhu cầu làm. Đối với họ, công việc nào có thể nuôi sống gia đình cũng đều đáng quý giá, kể cả có phải đánh đổi bao nhiêu công sức, thời gian. 

Cùng đọc thêm nhiều thông tin thú vị khác về những ngành nghề độc lạ ở Việt Nam TẠI ĐÂY!