Ảnh hiếm về Tết Trung thu tại Việt Nam thế kỉ 20

20:40 20/09/2021

Tết Trung thu (còn được gọi là Tết Đoàn viên), rơi vào ngày Rằm tháng 8 hàng năm. Đã bao giờ bạn tự hỏi, Tết Trung thu trong quá khứ sẽ như thế nào? Cùng YAN ngược dòng lịch sử để xem các thế hệ trước đã đón ngày đặc biệt này như thế nào nhé!

 
1 cửa tiệm đã trang trí, bày biện nhiều mặt hàng đồ chơi để bán trong dịp Trung thu. (Ảnh: Báo Hải Dương)
1 cửa tiệm đã trang trí, bày biện nhiều mặt hàng đồ chơi để bán trong dịp Trung thu. (Ảnh: Báo Hải Dương)

Trung thu được coi là Tết dành cho thiếu nhi. Vào ngày này, người lớn sẽ bày cỗ với bánh kẹo, hoa quả…. và tặng đồ chơi cho con cháu. Chính vì vậy, hình ảnh từng dãy phố rực rỡ đèn hoa, bày la liệt các món quà truyền thống chính là dấu hiệu cho thấy mùa Trung thu sắp đến.

 
Cửa hàng bánh, đồ chơi bằng bột trộn màu. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)
Cửa hàng bánh, đồ chơi bằng bột trộn màu. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, theo nhiều nhà khảo cổ học, ngày Tết này có từ rất lâu, từng được in trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ. Dựa theo hình ảnh trên văn bia chùa Đọi có từ năm 1121, có thể thấy tại triều đại nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức ở kinh thành Thăng Long cùng nhiều hoạt động như rước đèn, múa rối nước và đua thuyền… Cho đến đời Lê - Trịnh, ngày lễ này đã được tổ chức xa hoa trong phủ Chúa.

 
1 đại gia đình tề tựu bên mâm cỗ Trung Thu vào đầu thế kỉ 20. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)
1 đại gia đình tề tựu bên mâm cỗ Trung Thu vào đầu thế kỉ 20. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)

Theo phong tục, vào ngày Rằm tháng 8, các gia đình sẽ làm cỗ gia tiên vào ban ngày, tối đến chuẩn bị cỗ thưởng nguyệt. Trong quá khứ, khá nhiều gia đình chú trọng việc đầu tư, trang trí mâm cỗ. Trong đó, đầu cỗ bày biện bánh mặt trăng, nhiều loại bánh trái lẫn hoa quả có nhuộm đủ sắc màu. Các thiếu nữ hàng phố thì thi nhau nặn bột làm con cá, con tôm; gọt đu đủ thành hình bông hoa…

 
Những món đồ chơi được bày bán vào ngày này luôn làm nhiều đứa trẻ thèm thuồng. (Ảnh: Hình ảnh Việt Nam)
Những món đồ chơi được bày bán vào ngày này luôn làm nhiều đứa trẻ thèm thuồng. (Ảnh: Hình ảnh Việt Nam)

Đồ chơi dành cho trẻ con trong dịp Trung thu chủ yếu là những thứ bằng giấy với nhiều hình thù như: Sư tử, rồng, bươm bướm, voi, ngựa, tôm cá, đèn cù, con thiềm thừ, ông nghè đất, cành hoa…

 
Nhiều trẻ em tụ tập chơi đùa, làm đèn ông sao trong ngày Trung thu. (Ảnh: Cổ vật tinh hoa)
Nhiều trẻ em tụ tập chơi đùa, làm đèn ông sao trong ngày Trung thu. (Ảnh: Cổ vật tinh hoa)

Vào buổi tối, trẻ em trong xóm cùng dắt nhau rong ruổi khắp nơi, đám thì chơi kéo co, nhảy ô; đám lại rước đèn, rước sư tử… Nếu trẻ em được cha mẹ bày cỗ, mua tặng đồ chơi thì người lớn thường mua rượu, mua bánh để cúng tổ tiên, biếu người thân, bạn bè và ân nhân…

 
Có thể thấy, dù ở thời điểm hiện tại hay quá khứ, các loại đèn đều được thiết kế với kiểu dáng khá độc đáo. (Ảnh: Cổ vật tinh hoa)
Có thể thấy, dù ở thời điểm hiện tại hay quá khứ, các loại đèn đều được thiết kế với kiểu dáng khá độc đáo. (Ảnh: Cổ vật tinh hoa)

 
Múa rồng, múa lân - hoạt động không thể thiếu trong ngày này. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)
Múa rồng, múa lân - hoạt động không thể thiếu trong ngày này. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)

Đáng chú ý, trong quan niệm xưa, ngày Trung thu không chỉ mang ý nghĩa vui chơi cho trẻ em mà còn là dịp để người dân thưởng trăng, từ đó tiên đoán mùa màng, thậm chí là vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu mang màu xanh hoặc lục, năm đó có thể có thiên tai; trăng vàng thì trúng mùa tằm tơ; còn nếu trăng màu cam trong sáng, đất nước được dự đoán gặp nhiều may mắn…

 
Đồ chơi đèn được tạo thành hình con cua là ước ao của khá nhiều trẻ em thời xưa. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)
Đồ chơi đèn được tạo thành hình con cua là ước ao của khá nhiều trẻ em thời xưa. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)

Nhiều thế kỉ trôi qua, Tết Trung thu vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị, là một trong những ngày được thiếu nhi vô cùng chờ đợi. Năm 2021 là một năm đặc biệt, khi một số địa phương phải hạn chế hoạt động mừng Trung thu do ảnh hưởng từ dịch. Dù vậy, đây cũng là dịp để để các bạn trẻ sum vầy bên nhau, cùng ông bà, cha mẹ ôn lại một thời đã qua.

Đón xem tin tức mới nhất trên YAN!

THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ CÁC LOẠI ĐÈN VÀ CA KHÚC NỔI TIẾNG MÙA TRUNG THU

Mỗi dịp tháng 8 âm lịch, giai điệu “tùng rinh rinh” của bài hát Chiếc Đèn Ông Sao lại vang lên, báo hiệu ngày Tết Trung thu đã đến. Vào dịp này, trẻ em sẽ được tặng những món đồ chơi giản dị như đèn ông sao, đèn cù hay đèn kéo quân… Nhưng đã bao giờ bạn biết đến nguồn gốc tên gọi của các loại đèn này chưa?

Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ mình sáng tác Chiếc Đèn Ông Sao trong hoàn cảnh đặc biệt khi đang giảng dạy tại Trung Quốc. Thời điểm đó, ông không ngờ ca khúc của mình lại duy trì được sức hút đến hàng chục năm sau.

Đón xem chi tiết tại đây.