Sáng chế nhằm mục đích giảm lượng rác thải trên biển, từ đó bảo vệ môi trường sống của các loài động vật, thực vật và chính con người chúng ta.
Cách thùng rác đặc biệt này hoạt động. (Ảnh: Bored Panda)
Mới đây, hai thanh niên người Úc là Andrew Turton và Pete Ceglinski đã giới thiệu đến mọi người một thùng rác khá kì lạ. Sáng chế mới được cả hai nghĩ ra sau khi thấy cách thu thập rác thải biển bằng thuyền tốn khá nhiều chi phí mà hiệu quả lại không cao.
Thùng rác đang được thử nghiệm. (Ảnh: Bored Panda)
Đặt tên là SeaBin, thùng rác mới có chức năng hút các loại rác như chai nhựa, giấy, dầu, nhiên liệu hay các chất tẩy rửa đang trôi nổi trên bề mặt đại dương. Đầu tiên, nước sẽ được hút bằng máy bơm nhỏ, rác hữu hình bị giữ lại ở màng lọc, trong khi rác vô hình như dầu, mỡ... sẽ được đưa lên máy bơm và lọc riêng, cuối cùng nước sạch sẽ được đưa trở lại biển.
Cách SeaBin hoạt động. (Ảnh: Bored Panda)
Nhóm nhấn mạnh rằng đây sẽ là “thùng rác của tương lai” bởi tính hiệu quả của nó. Bên cạnh đó, nó còn khá dễ được triển khai và bảo trì với giá cả rẻ hơn rất nhiều so với cách lấy rác truyền thống.
Rác thải hữu hình được phân loại. (Ảnh: Bored Panda)
“SeaBin sẽ là thùng rác mới của đại dương và chúng tôi kì vọng nó sẽ được áp dụng trên toàn thế giới. Thế hệ SeaBin mới sẽ hoàn thiện hơn nữa để có thể hút được nhiều rác hơn. Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi hi vọng một ngày, Trái đất sẽ không cần phải dùng tới SeaBin nữa”, Andrew Turton cho biết.
Được biết, SeaBin đang được hai tác giả gây quỹ trên trang Indiegogo. Vào thời điểm này, đã có tới 46.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) được đóng góp. Hiện nhóm đang cần khoảng 230.000 USD (khoảng 5,2 tỉ đồng) để có thể sản xuất đại trà vào năm 2016.
Cả hai hi vọng tương lai sẽ không còn rác thải biển. (Ảnh: Bored Panda)
Rác thải biển đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Theo thống kê từ tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), mỗi năm có hơn 6,4 triệu tấn rác thải bị tống xuống biển, trong đó từ 60 đến 80% là chất dẻo, và 70% số rác này bị chìm xuống đáy biển. Điều này khiến không chỉ hệ thực vật bị hủy hoại mà đời sống của nhiều loài động vật cũng trở nên khó khăn hơn, thậm chí nhiều loài đang lâm vào tình trạng sắp tuyệt chủng. Hiện rất nhiều nước cũng như tổ chức bảo vệ môi trường thế giới kêu gọi mọi người nên ý thức hơn, cũng như ủng hộ các sáng kiến để cải thiện vấn đề rác thải biển.