Ca sĩ sở hữu MV triệu view chỉ trong thời gian ngắn ở Vpop đã là chuyện "cơm bữa". Tuy nhiên, việc "đổ xô thành tích" cũng kéo theo giá trị thật - ảo về những con số trở nên lẫn lộn.
MV triệu view "càn quét" thị trường nhạc Việt
Ba năm trở lại đây, làng nhạc Việt chứng kiến sự thay đổi rõ rệt khi các ca sĩ mạnh tay đầu tư ra mắt MV thay vì phát hành album, đĩa CD như trước. Chính sự phát triển đột biến đó đã khiến thị trường nhạc số nở rộ, thói quen nghe nhạc miễn phí của khán giả cũng được đẩy mạnh hơn và các ca sĩ không ngại đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng cho một sản phẩm âm nhạc.
Bên cạnh âm nhạc bắt tai thì hình ảnh, vũ đạo, nội dung đều là mối quan tâm bức thiết cho ca sĩ. MV nào càng sáng tạo, đẹp mắt, dễ nghe sẽ được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Và lượt view của mỗi MV chính là "vận mệnh" tiên quyết cho sự thành công ở thời đại nhạc số hiện nay.
Sơn Tùng vẫn là ca sĩ dẫn đầu với số lượng lớn MV cán mốc "triệu view" chỉ sau thời gian ngắn.
Năm 2017 là thời điểm xu hướng làm MV phát triển vượt bậc. Các ca sĩ trẻ cho tới những giọng ca lâu năm đều lựa chọn cách thức ra mắt sản phẩm âm nhạc này để thực hiện, phát hành dễ dàng trên Internet và "đếm view" để đo sự thành công.
Cụm từ: MV của ca sĩ A cán mốc triệu view chỉ sau vài giờ phát hành... đã quá quen thuộc với khán giả. Và để "cạnh tranh" lượt view, fan của từng ca sĩ sẵn sàng bỏ thời gian "cày" với mong muốn thần tượng được lên "top". Chính vì thế, chẳng khó để kiếm một MV triệu view trong thời điểm hiện nay. Ca sĩ thuộc hạng A, có lượng fan đông sẽ sở hữu MV triệu view trong thời gian ngắn. Còn ca sĩ đã có thâm niên hay mới nổi thì đạt được con số này trong thời gian lâu hơn.
MV triệu view còn giúp các ca sĩ kiếm bộn tiền. Hầu hết các ca sĩ bây giờ đều có kênh Youtube riêng để phát hành MV. Tại đây, Youtube sẽ có trách nhiệm chi trả thu nhập cho các partner (thành viên mạng lưới quảng cáo) bằng nhiều cách khác nhau, thông dụng nhất là dựa vào số lần quảng cáo xuất hiện khi người dùng xem video được đăng tải. Và những nghệ sĩ có MV xem càng nhiều thì thu nhập được YouTube chi trả càng cao. Thông thường, với 1000 lượt xem, partner có thể kiếm được trung bình 0,3 USD; cứ mỗi 1 triệu lượt xem, partner của YouTube đem về 300 USD.
Tính riêng Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh... đã kiếm được khoản thu nhập không hề nhỏ chỉ nhờ phát hành MV lên Youtube. Tuy nhiên, cũng bởi những MV triệu view tăng đột biến đã khiến chất lượng âm nhạc trở nên dễ dãi.
Dù không phải là ca sĩ trẻ nhưng MV Đâu chỉ riêng em của Mỹ Tâm ra mắt hồi tháng 7/2017 cũng thu hút về hơn 1 triệu lượt view chỉ sau 24 tiếng phát hành, lọt top 7 trending Youtube.
Con số thật, giá trị ảo?
Khi sự thành công của một sản phẩm âm nhạc chủ yếu được đo đếm bằng số view trên Internet cũng là lúc chất lượng trở nên đáng báo động. Lượt view, like càng nhiều, sức nóng của sản phẩm càng được khẳng định, độ nổi tiếng cũng như doanh thu của ca sĩ càng cao. Song, thực tế cho thấy, không ít ca khúc có giai điệu quá dễ dãi vẫn trở thành "hit" chỉ nhờ cán mốc triệu view.
Hari Won - ca sĩ ngoại quốc cũng trở thành giọng ca đình đám và kiếm bộn tiền nhờ MV Anh cứ đi đi cán mốc hàng chục triệu view. Mặc dù, sòng phẳng mà nói, giọng hát của Hari Won chỉ ở mức bậc trung.
Chỉ cần một ca khúc được ra mắt trên Internet sẽ lập tức xuất hiện những lời kêu gọi "cày view" từ fans. Hình ảnh hàng chục máy tính, điện thoại cùng lúc mở MV của Sơn Tùng vừa ra mắt để "cày view" ngày đêm được chia sẻ trên mạng xã hội chính là minh chứng rõ ràng nhất.
Để "cày view" cho Sơn Tùng, fan của anh không ngại "mất ăn mất ngủ" để giúp thần tượng đạt triệu view cho MV mới.
Đồng ý khi tăng lượt xem các ca khúc mới từ đó sẽ được chú ý hơn rất nhiều. Nhưng sự nhiệt tình "thái quá" của khán giả cũng khiến sản phẩm âm nhạc trở nên dễ dãi. Mà điều đáng buồn là, đôi khi những lời bình luận nghiêm khắc về một sản phẩm ngay lập tức bị cộng đồng fans của các ca sĩ đó lên án, chỉ trích không thương tiếc.
Nói một cách công bằng, ở thị trường thế giới, số lượng MV tăng dần theo từng năm và nhạc số đã phát triển mạnh ở Hàn Quốc từ gần 10 năm trước. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại khác vì thị hiếu âm nhạc vốn không cao, đôi khi khán giả vào xem một MV như để thỏa trí tò mò bởi lượt share "ảo" trên mạng xã hội xuất hiện dày đặc chứ không hẳn vì yêu thích. Cho nên, giá trị thật - ảo bị đánh đồng từ đó, yếu tố thuần giải trí trong âm nhạc có điều kiện lên ngôi, lấn át những giá trị thật.
Dĩ nhiên, rất nhiều ca sĩ vẫn từng ngày miệt mài rèn luyện, học hỏi để ra mắt các sản phẩm âm nhạc chất lượng cho công chúng. Hàng loạt MV triệu view, phá kỉ lục Vpop của Sơn Tùng trong năm 2017 là ví dụ điển hình về chất lượng đi kèm thành tích. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho làng nhạc Việt khởi sắc hơn với những thế hệ trẻ tài năng và tâm huyết.
Mới đây nhất, hai sản phẩm âm nhạc có lượt view tăng vượt trội chỉ sau thời gian ngắn cũng được chú ý đặc biệt: Em gái mưa (Hương Tràm) với 30 triệu lượt nghe sau 2 tuần ra mắt, Túy âm (Xesi, Masew và Nhật Nguyễn) hơn 16 triệu lượt nghe sau 20 ngày.
Ca khúc Em gái mưa của Hương Tràm vừa ra mắt đã "công phá" mọi bảng xếp hạng nghe nhạc trực tuyến với lượt view kỉ lục.
Ca khúc Túy âm là sản phẩm hợp tác của bộ ba nghệ sĩ underground cán mốc hơn 16 triệu view chỉ sau 20 ngày ra mắt.
Thành công của hai sản phẩm này xuất phát từ âm nhạc bắt tai, đánh mạnh vào cảm xúc khán giả. Nếu Túy âm khiến người nghe chìm trong ảo giác của sự ma mị, giọng hát mang màu sắc dân gian trên nền beat mang phong cách Future Bass hiện đại thì Em gái mưa lại “đánh trúng” tâm lý khán giả, khiến ai cũng nghĩ rằng “tìm thấy mình trong đó”.
Song, những sản phẩm thành công đến mức "khó tin" này vẫn chỉ chiếm con số rất nhỏ trong hàng ngàn MV của Vpop ra mắt mỗi tháng. Do đó, nếu sự sáng tạo của nhà sản xuất cùng thẩm mỹ nghe nhạc của khán giả trở nên khó tính hơn, đương nhiên số view, like, share sẽ trở về đúng nghĩa.
Ảnh: Tổng hợp
*Cùng đón xem tin tức sao Việt mới nhất trên YAN nhé!