Trong căn nhà nhỏ ngổn ngang màu và cọ trên đường An Dương Vương (quận 6), nguời đàn ông dáng gầy gò, đen nhẻm vẫn đang cặm cụi hoàn thành tác phẩm của mình.
Người đàn ông hơn 30 năm gìn giữ nét đẹp của những tấm bảng vẽ tay giữa lòng Sài Gòn
Chú là Nguyễn Thế Minh (69 tuổi) hay còn được biết đến với nghệ danh Hoàng Minh Phương. Có lẽ ở Sài Gòn bây giờ, tìm được một người còn sống được với nghề vẽ bảng hiệu bằng tay chẳng dễ dàng gì, bởi theo như chú Minh: “Nghề này bằng tuổi chú, lớp thì bỏ nghề cách đây chục năm, lớp thì qua đời, còn giới trẻ giờ chỉ vẽ bằng vi tính và dán decal thôi, mấy ai chịu theo nghề”.
Người đàn ông có đến 9 cái hoa tay này bén duyên với nghề từ khi còn là một học sinh lớp 8. Ngày đó, khi bắt gặp chú Minh đứng tần ngần ngắm nghía cái bảng vẽ tay của một trường học trên đường Phan Đình Phùng, họa sĩ Hoa Huệ đã tới đề nghị sẽ dạy vẽ khi biết chú có đam mê với hội họa. Về sau, chú còn theo họa sĩ Vũ Trọng (một người bạn thân của gia đình) để tiếp tục học hỏi và rèn luyện thêm. Đó có thể coi là 2 người thầy đặt những viên gạch đầu tiên cho chú trên con đường hội họa này.
Học nghề được hơn 3 năm, chú Minh bắt đầu tự mình vẽ kiếm tiền. Ngót nghét cũng hơn 30 năm giữa cái đất Sài Gòn này, có những lúc tưởng chừng không trụ nổi vì sự phát triển của công nghệ in ấn, những bảng hiệu vi tính, decal với đủ màu sắc và ánh đèn led bắt mắt dần thay thế những tấm bảng vẽ tay thủ công. May mắn nhờ học được nghề chữa bong gân, trật xương khớp gia truyền mà chú có thể chèo chống gia đình qua những giai đoạn khó khăn, có khi cả tháng mới có người đặt vẽ 1 tấm bảng.
Trước đây để hoàn thành một tấm bảng dài gần 2m, chú mất khoảng 4 – 5 ngày vẽ liên tục. Nhưng dạo gần đây, khi chứng đau cột sống, đau lưng của tuổi già lại thêm tay bị trật vì một lần bất cẩn té ngã, để hoàn thành 1 đơn hàng của khách có khi phải mất cả tuần ròng rã. Mỗi tấm bảng như thế, chú lấy giá 600.000 – 2.000.000 đồng tùy kích thước lớn bé. Số tiền ấy cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí và tiền thuê căn nhà 30 m2, vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc đã hơn 20 năm nay.
Căn nhà chú Minh thuê hơn 20 năm nay với giá 3 triệu đồng / tháng
Vợ chồng chú Minh có 3 người con trai, nhưng chỉ cậu con trai thứ 2 là có niềm đam mê hội họa giống chú. Khi được hỏi có dự định truyền nghề lại cho lớp trẻ không, chú Minh trầm ngâm: “ Trước đây cũng có nhiều bạn trẻ đến gặp chú xin được học nhưng phần vì chú không có thời gian, vừa vẽ vừa dạy sẽ không chuyên tâm được, phần vì các bạn chỉ xin theo học nghề vài tháng, mà làm việc gì cũng phải có đam mê, chứ học một, hai tháng làm sao giỏi được”.
Ngoài vẽ bảng hiệu, chữa bong gân gia truyền, chú Minh còn có một niềm đam mê khác, đó là làm thơ. Bút danh Hoài Minh Phương cũng bắt nguồn từ đây. Chú tâm sự rằng, vợ chú – cô Nhàn - ngày xưa cũng vì yêu thơ của chú mà mới thương luôn chú. Từ ngày lấy chồng, cô nghỉ hẳn việc công nhân, ở nhà làm nội trợ chăm sóc gia đình.
Thích thơ văn là thế nhưng vì cuộc sống khó khăn, thời thế nhiều đổi thay nên đến giờ chú vẫn chưa có cơ hội xuất bản một tập thơ nào cho riêng mình. Kể về những tháng ngày chật vật với lo toan thường nhật, chú Minh vẫn hóm hỉnh rằng thi sĩ thường chẳng ham tiền, ham giàu, cuộc đời cần khổ đau nếm trải mới có chất thơ. Nhưng hạnh phúc nhất với chú, là luôn có người vợ bên cạnh cùng chia sẻ vui buồn, nghèo khó, để chú yên tâm sống với đam mê của mình.
Chỗ đứng nào cho bảng hiệu vẽ thủ công giữa một Sài Gòn hiện đại?
Với tốc độ phát triển của công nghệ in ấn, sự du nhập văn hóa cũng như các kĩ thuật hiện đại cho ra đời những tấm bảng quảng cáo bắt mắt hơn, thu hút hơn. Nhưng đâu đó trên các con đường của Sài Gòn, giữa bảng hiệu nhập nhòe đèn điện, vẫn còn những tấm bảng quảng cáo vẽ tay, mà nói không ngoa, nó chính là một phần văn hóa của người Sài Gòn, vừa hoài cổ, vừa đặc sắc.
Bảng hiệu vẽ tay ngày xưa sử dụng những tấm gỗ, được cắt vuông vức và dùng sơn dầu. Về sau để phù hợp với xu hướng và thị hiếu, chúng được thay bằng những tấm bảng bằng sắt và dùng sơn màu pha với xăng để vẽ dễ dàng và giữ màu lâu hơn.
Theo chú Minh, những người trẻ giờ đây chẳng mấy ai chịu ngồi hàng giờ đồng hồ để hoàn thành một tấm bảng mà tiền công lại chẳng được bao nhiêu, nghề này cứ thế mai một dần. Khách hàng của chú hầu hết là những người yêu thích những gì xưa cũ, lạ và độc đáo so với phần đông đèn hiệu sáng trưng và sặc sỡ đầy rẫy trên các con phố. Một bảng hiệu vẽ tay như thế có thể giữ màu được 7 năm hoặc hơn, giá cả lại rẻ hơn nhiều so với bảng điện tử, nên những người mở cửa hàng mà vốn ít cũng thường xuyên tìm đến chú qua lời giới thiệu.
Những tấm bảng hiệu vẽ tay như thế này kéo người ta trở về với không gian của Sài Gòn xưa
Nếu những tấm bảng hiệu in màu, nhập nhòe đèn điện những vẫn trông thật khô khan thì ở những tấm bảng vẽ tay, người ta thấy được cái hồn, cái tâm huyết của người vẽ đặt vào nó. Không chỉ đơn thuần là một tấm bảng quảng cáo, mà còn là cả một câu chuyện được khéo léo kể lại dưới lớp sơn màu ấy.
Mỗi lần được giao phụ trách về nội dung và thẩm mĩ của một tấm bảng, chú Minh đều tâm niệm rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật, cần phải trau chuốt và dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện nó. Bởi “Chú vẽ không chỉ để kiếm tiền mà chú mong muốn khi treo lên trước cửa hàng nào đó, mọi người có thể chiêm ngưỡng, con nít không biết gì về mĩ thuật cũng có thể cảm nhận được xấu hay đẹp”. Hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung, chính là để truyền cảm hứng và mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh.
Giữa Sài Gòn, nơi hội tụ những điều hiện đại và hào nhoáng, những tấm bảng hiệu vẽ tay không chỉ nhắc nhớ về một Sài Gòn hoài cổ và xưa cũ giữa lòng thành phố tấp nập mà còn mang sứ mệnh giữ gìn một nét văn hóa độc đáo, đậm chất Sài Gòn xưa. Chỉ tiếc rằng, người họa sĩ dù vẫn nặng tình, nhưng cuộc sống hiện đại khiến những tấm bảng hiệu vẽ tay đã dần bị mai một.
Ảnh: Nguyễn Đạt - Thanh Phong