“Ngành công nghiệp của chúng ta không tôn trọng truyền thống, nó chỉ tôn trọng sự đổi mới”_ Satya Nadella
Người xưa có câu “kỳ lân xuất hiện thiên hạ thái bình” còn cụm từ kỳ lân công nghệ được nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture đặt tên cho những công ty khởi nghiệp hay các doanh nghiệp tư nhân được định giá trên 1 tỷ USD.
MoMo đã chính thức hoàn thành 2 vòng gọi vốn Series D và Series E trong vòng 1 năm và trở thành kỳ lân công nghệ thứ 4 của Việt Nam.
Giấc mơ kỳ lân công nghệ
Trong 35 kỳ lân công nghệ của Đông Nam Á, Việt Nam hiện đã chiếm 4 vị trí, tuy không phải con số gây ấn tượng như tại Singapore hay Indonesia nhưng cũng là dấu mốc cho sự vươn lên của nền kinh tế Việt. Vào năm 2014, VNG đã mở màn cho cuộc chạy đua trở thành kỳ lân công nghệ ở Việt Nam. 5 năm sau, VNPAY cũng chạm tới ngôi vị này. Sky Mavis là doanh nghiệp kỳ lân trẻ nhất, ra đời năm 2018 và đạt danh hiệu kỳ lân năm 2021. Chỉ vài tháng sau đó, MoMo cuối cùng cũng chạm tay tới giấc mơ kỳ lân công nghệ của mình sau chặng đường bền bỉ hơn 10 năm khởi nghiệp.
Các nhà đầu tư vào MoMo phần lớn là những “lão làng”. Series D của MoMo mới diễn ra vào đầu năm 2021, huy động được hơn 100 triệu USD, được dẫn dắt bởi Goodwater - một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus. Sau khi tuyên bố nhận được hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư do Ngân hàng Mizuho dẫn đầu, lần “rót vốn” mới nhất đã đem lại cho MoMo mức định giá hơn 2 tỷ USD.
MoMo đã hoàn thành gọi vốn Series E, vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Mizuho - Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản.
MoMo cho biết doanh thu đã tăng gần gấp đôi trong năm 2021 mặc dù doanh số bán vé xem phim và dịch vụ du lịch giảm đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng người dùng đã đăng ký đạt ngưỡng 31 triệu người, tăng 8 triệu người so với năm 2020. Bên cạnh đó, MoMo đã có 140 ngàn điểm chấp nhận thanh toán trên khắp cả nước, tăng 20 ngàn điểm so với cuối năm 2020 và trên 50 ngàn đối tác kinh doanh. Đây đều là những dấu mốc cực kỳ ấn tượng mà MoMo đã kiên trì đạt được.
Từng có thời điểm các ngân hàng xem ví điện tử là đối thủ cạnh tranh. Việc thuyết phục các ngân hàng chấp nhận kết nối với MoMo là điều gần như không tưởng. Không ai có thể tin vào tương lai MoMo có thể hợp tác với 25 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, hiện diện trên smartphone của hàng triệu người dân Việt.
Tầm nhìn 10 năm
“Thuở ấy, những người sáng lập chỉ mơ đến một ngày tại Việt Nam khi ra đường nếu quên mang theo ví vẫn có thể mua được ly cà phê, ăn tô bún ở một hàng quán nào đó. Ước mơ giờ đây đã trở thành hiện thực khi rất nhiều người bước chân ra khỏi nhà, có thể thoải mái đi cà phê, xem phim, dạo phố mua sắm hay ăn uống... chỉ với cái điện thoại cầm tay có cài Ví MoMo.” - Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HÐQT, đồng Tổng giám đốc Ví MoMo chia sẻ.
MoMo ra đời trong bối cảnh 80% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Người dân ở các nước đang phát triển không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp như tiết kiệm, chuyển tiền, đầu tư… Chính vì vậy, thách thức lớn nhất ở thời điểm đó chính là niềm tin của người dùng.
Fintech (công nghệ tài chính) là sự kết hợp giữa Finance (tài chính, tiền tệ) và Technology (công nghệ) nhằm tận dụng sự sáng tạo của công nghệ vào các hoạt động, dịch vụ tài chính. Chính những ứng dụng của công nghệ thông tin là những “làn sóng mới” làm thay đổi cách vận hành, cung ứng của các dịch vụ tài chính tồn tại từ hàng trăm năm nay.
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, rất nhiều startup thuộc lĩnh vực này nổi lên và Fintech trở thành đại diện cho cuộc cách mạng kỹ thuật số. Hơn nữa vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng Fintech là một ngành có tiềm năng vô hạn và có thể thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của ngành ngân hàng.
Với tầm nhìn và hi vọng vào Fintech, vào năm 2007, khởi đầu là một startup được sáng lập bởi 4 thành viên, Công ty M_Service hiện đang là đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo chính thức ra đời và cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại. MoMo là viết tắt của Mobile Money. Năm 2008, nhóm khởi nghiệp đã trình Đề án Ví điện tử MoMo lên Ngân hàng Nhà nước. Và mãi cho tới năm 2010, MoMo mới chính thức có mặt trên thị trường.
MoMo đặt cược vào ứng dụng ví điện tử đầu tiên trên điện thoại thông minh tại Việt Nam.
Chỉ sau 3 năm, công ty đã lâm vào trạng thái khó khăn với nguy cơ bị cạn vốn, nhiều người cho rằng rằng chọn Việt Nam là thị trường đầu tư và phát triển ví điện tử là sai lầm. Đúng lúc đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đã quyết định “rót” 5,75 triệu USD cho MoMo ở vòng Series A.
Nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của Internet và thị trường quốc tế dần phổ biến ứng dụng trên thiết bị di động, M_Service đã quyết định đánh cược toàn bộ vào dự án xây dựng ứng dụng ví điện tử cho điện thoại thông minh. Startup này quyết định đầu tư viết riêng một ứng dụng chuyên biệt dùng trên điện thoại di động tích hợp nhiều dịch vụ. MoMo trở thành ví điện từ Việt Nam đầu tiên ra mắt ứng dụng trên điện thoại thông minh và đạt 500 ngàn khách hàng vào giai đoạn năm 2014 – 2015.
Ví điện tử miếng bánh của Fintech
Đầu năm 2021, VNPAY đã tăng tốc để tranh giành thị phần trong bản đồ ví điện tử tại Việt Nam bằng việc đẩy mạnh những tiện ích phù hợp với đối tượng khách hàng đã có gia đình. Cụ thể, VNPAY cho phép khách hàng chủ động mở ví gia đình cho người thân. Không chỉ các bậc phụ huynh mới có thể dùng ví điện tử mà con cái, ông bà cũng có thể thanh toán điện tử đơn giản mà không cần trải qua quá nhiều bước đăng ký, xác thực.
"Đầu tiên là tôi bị ấn tượng với giao diện thân thiện, dễ sử dụng và nghĩ rằng bố mẹ tôi U60 hay các con dùng quá đơn giản. Tiếp đến là các thao tác mở ví cho người thân cũng hết sức tinh gọn, chỉ cần nhập thông tin họ tên và số điện thoại là có thể tạo xong", anh Tuấn - một người sử dụng tính năng mới này cho biết.
Nhiều startup thuộc Fintech hứng thú với ví điện tử.
ZaloPay là một cái tên khá ấn tượng trên bản đồ ví điện tử tại Việt Nam, tuy những tính năng chưa quá nổi bật so với những đối thủ khác nhưng ZaloPay sở hữu một lượng data “khủng” từ ứng dụng Zalo cùng công ty mẹ là VNG. Zalo ước tính mỗi ngày có hơn 65% dân số Việt sử dụng. Đây chính là tập khách hàng tiềm năng mà ZaloPay có thể khai thác được nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường ví điện tử. Bên cạnh đó, ZaloPay cũng nhanh nhạy khi liên kết với Tiki và Lazada, tuy nhiên, lượng người truy cập từ 2 sàn thương mại điện tử này chỉ bằng 30% so với Shopee.
ShopeePay trước đây là AirPay, hợp tác với sàn thương mại điện tử có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam - Shopee (theo công bố từ iPrice Group). ShopeePay cung cấp khá nhiều quyền lợi được lòng khách hàng như hạn mức rút tiềnđiều chỉnh theo mục đích sử dụng cá nhân, thậm chí là tặng tiền trực tiếp cho người dùng mới. Đồng thời, việc liên kết độc quyền với Shopee cũng giúp cho ShopeePay ghi điểm trong lòng người tiêu dùng bởi sự thuận tiện, mua sắm liền mạch. Một nước đi chứng tỏ ShopeePay đã nghiên cứu rất kỹ tâm lý người dùng Việt Nam.
Nhìn vào những đối thủ trong nước, MoMo tuy nắm giữ nhiều điểm mạnh và đang là ví điện tử hàng đầu nhưng vẫn chưa khai thác được hết những tiềm năng của mình, bỏ qua tập khách hàng gia đình mà để VNPAY “nhanh chân” thống lĩnh trước. Việc MoMo không thể liên kết với Shopee như ShopeePay hay xuất hiện phổ biến ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn như VNPAY cũng là một trong những hạn chế cho sự phát triển của kỳ lân công nghệ này.
Khai phá tiềm năng của ngành Fintech tại Việt Nam
Lĩnh vực Fintech Việt đang phát triển nhanh chóng với việc các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ nhiều startup Fintech tại Việt Nam. Đây có thể nói vừa là tiềm năng nhưng cũng vừa là thách thức đối với MoMo. Tính đến năm 2019, Việt Nam đã có 154 công ty Fintech, tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Điều này chứng tỏ mức độ cạnh tranh của MoMo ngày càng lớn.
Xu hướng tiêu dùng của khách hàng không chỉ dừng lại ở một ví điện tử mà còn có thể là đầu tư, cho vay, mua bảo hiểm,… Không để tuột mất cơ hội, trong quý 1 năm 2021, MoMo đã hợp tác với các đối tác tài chính - tín dụng uy tín để ra mắt những sản phẩm tài chính mới.
MoMo đã mở rộng kinh doanh sang những mảng khác nhằm thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, cạnh tranh với những đối thủ cùng ngành. Theo lời khẳng định của Ông Nguyễn Mạnh Tường, MoMo sẽ không có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong vài năm tới mà thay vào đó sẽ tập trung vào việc củng cố vị thế thị trường và sản phẩm của mình.
Nếu VNPAY đang sở hữu mạng lưới thanh toán phổ biến ở các thành phố lớn của Việt Nam, thì Momo có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để hỗ trợ mở rộng nông thôn, bắt đầu với dịch vụ thanh toán hóa đơn. “Tiến đến nhiều vùng nông thôn hơn, chúng tôi vẫn cần đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc giáo dục người dùng.” – Ông Tường chia sẻ với tờ Bloomberg. MoMo cũng sẽ sử dụng số tiền này để tăng tốc đầu tư vào công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho các hoạt động mua bán và sáp nhập.
Ví điện tử đầu tiên ở Việt Nam trở thành Siêu ứng dụng với hơn 30 triệu người dùng.
Tính đến tháng 10 năm 2021, MoMo chiếm 32% số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trở thành phương thức thanh toán được lựa chọn nhiều nhất cho các dịch vụ công trực tuyến. Những con số này chứng tỏ người tiêu dùng đang dần quen với những giao dịch không dùng tiền mặt cũng như tin tưởng, công nhận sự tiện ích của ví điện tử trong thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa.
Fintech tại Việt Nam những năm trở lại đây đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những nhà đầu tư nước ngoài bởi đây là một thị trường đông dân và tốc độ tăng trưởng những người sử dụng internet vô cùng mạnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Momo đang đối mặt với sự cạnh tranh của 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép khiến thị trường trở nên đông đúc. Nên những thành tựu Momo đạt được dù rất đáng tự hào nhưng cơ hội và thách thức vốn luôn song hành, đòi hỏi Momo nói riêng và các công ty Fintech nói chung luôn ngừng phát triển để tránh bị đào thải.
LỜI CỦA NGƯỜI VIẾT
Hành trình hơn 10 năm qua, MoMo đã không ngừng phát triển, đầu tư vào những giải pháp công nghệ, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt,… để từ đó vươn lên được vị trí “Ví điện tử số 1 Việt Nam” hay “Siêu ứng dụng số 1 Việt Nam”.
MoMo đã đi từ sự hoài nghi về một sản phẩm mới lạ nhưng đến hiện tại đã chinh phục được hơn 30% dân số Việt Nam đăng ký sử dụng là con số đáng để tự hào. Dẫu vậy, sẽ cần nhiều sự đầu tư hơn nữa cả về tài chính, trí lực và nhân sự để MoMo trở thành ứng dụng tiện ích, hiện đại bắt kịp tốc độ phát triển với các công ty quốc tế trong cùng lĩnh vực.