Mọi F0 cần biết: Giặt giũ, dọn dẹp như nào để đảm bảo phòng dịch?

20:15 03/09/2021

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tất cả mọi người đều phải biết những kiến thức cơ bản xoay quanh việc phòng ngừa Covid-19 và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm.

Điều này sẽ giúp ích rất nhiều nếu chẳng may bản thân mắc Covid-19 hoặc trong gia đình có người là F0. Một trong số những điều mọi người cần ghi nhớ đó là cách làm vệ sinh quần áo, đồ dùng của người mắc Covid-19.

 
Giặt quần áo đôi khi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến virus phát tán, lây lan. (Ảnh minh hoạ: Hà Nội Mới)
Giặt quần áo đôi khi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến virus phát tán, lây lan. (Ảnh minh hoạ: Hà Nội Mới)

Vietnamnet đăng tải, theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, tất cả mọi người đều nên giặt riêng đồ của F0 với những thành viên khác trong gia đình. Đồng thời, trong quá trình giặt cũng không được giũ mạnh tay đồ bẩn, bởi điều này sẽ tạo cơ hội cho virus phát tán rộng ra môi trường xung quanh.

Phương án tốt nhất chính là bệnh nhân mắc Covid-19 tự giặt đồ dùng cá nhân của mình. Còn nếu sức khoẻ không cho phép, cần giúp đỡ thì người giặt đồ hộ cũng phải đảm bảo an toàn phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, sử dụng găng tay đầy đủ và dùng nước ấm nhất có thể. Lúc giặt phải khử trùng sạch sẽ túi giặt và giỏ đồ. Sau khi làm xong, hãy mang đồ đi sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn. Đồng thời, đừng quên rửa, sát khuẩn tay thật sạch sẽ. 

Về thu gom, xử lý chất thải của người bệnh, gia đình nên chuẩn bị trước những thùng rác có nắp kín và mở bằng chân. Phía trong thùng cũng phải lót túi nilon kĩ càng và đặt bên phòng F0. Khi rác đầy, người thân sẽ đeo găng tay và mang chất thải đi xử lý, khử khuẩn. Sau đó cũng phải rửa tay, sát khuẩn cho chính mình.

 
Nhân viên y tế đang xử lý đống rác thải trong khu cách ly. (Ảnh: vnExpress)
Nhân viên y tế đang xử lý đống rác thải trong khu cách ly. (Ảnh: vnExpress)

Bên cạnh đó, ngoài việc giặt giũ quần áo, chăn màn... mọi gia đình cũng nên sử dụng dụng cụ vệ sinh riêng cho khu vực bệnh nhân Covid-19 ở. Nếu cẩn thận hơn, hãy bọc thiết bị điện tử bằng màng nilon rồi vệ sinh và khử trùng bên ngoài.

Đồng thời, mỗi ngày một lần, phải thực hiện quá trình vệ sinh bề mặt, nhất là những khu vực có nhiều bề mặt có sự tiếp xúc/đụng chạm cao như: Tay nắm cửa, bàn, ghế, bề mặt bếp và phòng tắm, vòi, nhà vệ sinh, công tắc đèn... 

Mọi người có thể pha dung dịch khử khuẩn bằng công thức sau: Bột Cloramin B 25% 5 muỗng cà phê bột + 01 lít nước, hoặc nước Javel 5%: pha gấp 10 lượng Javel theo hướng dẫn trên nhãn chai trong cùng 1 lượng nước, hoặc thuốc tẩy pha với nước theo tỷ lệ 1: 10: 05 muỗng canh hoặc 1/3 cốc + 250 ml nước.

 
Hãy lau dọn, khử trùng mọi bề mặt trong nhà ít nhất một lần/tuần. (Ảnh: Vinmec)
Hãy lau dọn, khử trùng mọi bề mặt trong nhà ít nhất một lần/tuần. (Ảnh: Vinmec)

Trong khoảng thời gian này, mọi công tác phòng dịch đều không có gì là thừa thãi. Vì vậy, mọi người hãy chấp hành thật nghiêm chỉnh các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, sao cho có thể đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng bạn nhé!

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN

HÀNG XÓM MẮC COVID-19, GIA ĐÌNH NÊN LÀM GÌ?

Theo ThS.BS Trần Thị Hoa Vi - Giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nếu có hàng xóm là F0, mọi người nên thật bình tĩnh và xác định lại mình có tiếp xúc gần với họ trong thời gian gần đây hay không. Nếu có, cả gia đình bạn phải tự cách ly, theo dõi tại nhà trong 14 ngày. Nếu không thì khi ra ngoài đường, bạn vẫn nên tiếp tục tuân thủ 5K.

Vị bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm: "Nếu mình không tiếp xúc gần thì virus không thể lây lan từ nhà này qua nhà khác. Điều quan trọng nhất vẫn là 5K”.

Còn theo BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho rằng: “Mọi người nên tránh suy nghĩ hàng xóm là nguồn lây, có thể bạn lây nhiễm SARS-CoV-2 từ nguồn khác, nơi khác khi bạn chủ quan, không tuân thủ 5K”. Thế nên, bắt hàng xóm phải đóng cửa sổ, không được làm gì là không đúng. Cả họ và bạn chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phòng dịch là được. 

Xem thêm tại đây