Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều ngày 14/10, bão số 7 Nangka sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam gây mưa lớn trên nhiều khu vực.
Ngay sau đó, đã xuất hiện một vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng nối đuôi bão số 7, mạnh lên thành bão số 8 vào cuối tuần này.
Cơn bão số 8 có thể khiến tình hình mưa lũ ở miền Trung thêm nghiêm trọng. (Ảnh: Nhân Dân)
>> Xem thêm: Chiến sĩ biên phòng vượt lũ đưa sản phụ chuyển dạ đi sinh
Bão số 7 suy yếu trước khi vào đất liền
Vào khoảng 10h sáng ngày 14/10, vị trí tâm bão số 7 nằm trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trong bán kính 150km tính từ tâm bão. So với dự đoán trước đó, bão số 7 đã giảm đi một cấp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão di chuyển theo hướng tây với vận tốc 20km/h rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tiếp đó sẽ duy trì hình thái này đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Người dân đi lại khó khăn trong mưa bão. (Ảnh: VTC).
Dự kiến đến 20h tối 14/10, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ nằm ở Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất lên cấp 6, giật cấp 8. Đến 22h cùng ngày, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển đến khu vực biên giới Việt Nam - Lào, đồng thời tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp tại thượng Lào.
Bão số 8 đang hình thành trên Biển Đông
Tại buổi họp của Tổng cục Khí tượng Thủy văn chiều 13/10, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết trên khu vực phía Đông Philippines đang hình thành một vùng áp thấp nhiệt đới. Với vị trí tương đối thấp, dự báo áp thấp này sẽ đi vào Biển Đông ngày 15/10.
Vùng biển phía Đông Philippines đang hình thành áp thấp nhiệt đới, có thể mạnh lên thành bão. (Ảnh: Tổng Cục Phòng chống thiên Tai)
Cụ thể, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: “Như vậy là sau khi bão số 7 vào bờ, sẽ có một cơn bão nữa có thể là bão số 8 ảnh hưởng đến nước ta. Hướng đi của cơn bão sẽ về phía Trung và Nam Trung Bộ, quỹ đạo sẽ phụ thuộc nhiều vào đợt không khí lạnh ngày 16-17/10”.
Ông Lâm nhấn mạnh, chính không khí lạnh tràn về trước khi bão đổ bộ sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Trung Bộ. Những đợt mưa từ to đến rất to có thể sẽ kéo dài đến ngày 19-20/10 mới kết thúc.
Cơn bão được dự báo hướng vào phía Trung và Nam Trung Bộ nước ta. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
>> Đừng bỏ lỡ: Tình người ấm áp trong mùa mưa lũ ở miền Trung: Không một ai bị bỏ lại
Miền Trung tiếp tục chuẩn bị ứng phó với bão
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia – ông Mai Văn Khiêm, dưới ảnh hưởng của cơn bão số 7, từ đêm ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ sẽ có mưa rất to, lượng mưa từ 50-150mm. Ngoài ra, tâm điểm của vùng bị ảnh hưởng sẽ là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Các tỉnh miền Bắc sẽ có mưa lớn từ đêm 13/10. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Các tỉnh miền Trung trong tình trạng nước lũ vẫn chưa rút hết lại tiếp tục đón nhận ảnh hưởng của bão số 7 sẽ khiến mực nước sông lên cao. Đến khi bão số 8 tràn vào, tình hình mưa lũ thậm chí sẽ còn phức tạp hơn.
Trước đó tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó bão số 7 sáng ngày 13/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã thông báo về việc sơ tán tàu thuyền, người dân đến nơi an toàn. Cụ thể, 6 tỉnh miền Trung đã có gần 21.800 hộ dân với hơn 66.500 người đã được di chuyển đến nơi an toàn để đề phòng tình trạng mưa lớn, gây ngập lụt kèm hình thái thiên tai cực đoan.
Bão số 7 chưa tan, bão số 8 đã chuẩn bị nối đuôi tiến vào, tình hình lũ lụt miền Trung được dự đoán sẽ còn phức tạp hơn. (Ảnh: VTV)
>> Có thể bạn quan tâm: Áp thấp nhiệt đới ngoài Biển Đông mạnh lên thành bão số 7
Có thể thấy miền Trung đang phải gồng mình chống chọi với những cơn bão liên tiếp đổ bộ vào đất liền. Cùng với đó, hi vọng những nơi khác bị ảnh hưởng của bão cũng sẽ có công tác phòng chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại một cách tối đa.
BÃO SỐ 7 CÓ TÊN “QUẢ MÍT” KHIẾN NỀN NHIỆT MIỀN BẮC GIẢM SÂU
Trước khi đón bão số 8 đổ bộ, cơn bão số 7 có tên quốc tế Nangka (quả mít) sẽ đổ bộ vào đất liền chiều 14/10 gây mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ảnh hưởng đến một số tỉnh miền Trung.
Khi bão số 7 gần bờ, mưa lớn sẽ tập trung chủ yếu ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau khi bão vào bờ, các tỉnh Trung Bộ sẽ tiếp tục đón nhận những trận mưa to đến rất to.
Cùng với ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, nền nhiệt trung bình sẽ giảm sâu.