“Mì ăn liền gây ung thư” - Chuyên gia thực phẩm nói gì?

08:45 09/10/2018

Vì sao lại có tin đồn “mì ăn liền gây ung thư” và sự thật ra sao? Băn khoăn của người tiêu dùng đã được chuyên gia công nghệ thực phẩm trả lời thỏa đáng bằng các phân tích cho thấy chưa có luận cứ khoa học tin cậy nào chứng minh điều này.

Trao đổi về vấn đề có hay không việc dẫn đến ung thư do mì ăn liền, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội - cho biết: “Trên Thế Giới chưa từng ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định mì ăn liền - một sản phẩm tồn tại lâu đời và ngày nay được không ít nhà sản xuất đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm - lại có thể gây hại cho sức khỏe hoặc chứa những chất gây ung thư”.


Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy mì ăn liền gây ung thư như mọi người vẫn “nghi oan” cho loại thực phẩm này
Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy mì ăn liền gây ung thư như mọi người vẫn “nghi oan” cho loại thực phẩm này

Tuy nhiên qua tìm hiểu, có thể thấy lời đồn này vẫn khiến nhiều người hoang mang bởi xuất phát từ những lo ngại rất thực tế của người tiêu dùng như việc kiểm soát các chất phụ gia, bảo quản, nguyên liệu… làm nên mì ăn liền; từ nỗi ám ảnh dầu chiên mì ở nhiệt độ cao có thể sinh ra chất độc dẫn đến ung thư; hay thậm chí cả e ngại mang tên transfat - chất béo có hại gây nên các vấn đề tim mạch nguy hiểm không kém căn bệnh K…

Kỳ thực, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết công nghệ sản xuất mì ăn liền hiện đại đã cho phép hoàn toàn chủ động kiểm soát toàn bộ quy trình, trong đó kiểm soát chất lượng dầu dùng để chiên, hàm lượng transfat trong nguồn nguyên liệu dầu đầu vào, kiểm soát nhiệt độ chiên và các mối nguy gây ra mất an toàn thực phẩm…

Theo đó, khi nói về lo ngại liên quan đến nguyên liệu làm nên mì ăn liền, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định việc kiểm soát đầu vào rất quan trọng - bởi nếu nguyên liệu bị mốc sẽ dẫn đến nhiễm độc tố vi nấm gây bệnh ung thư. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể yên tâm khi các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng nguyên liệu nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế và rất phổ biến như: bột mì, muối ăn, bột ngọt, dầu chiên, ớt, tỏi, hành, rau củ sấy khô… để sản xuất nên mì ăn liền. Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào ở các công ty lớn và thương hiệu có uy tín cũng rất chặt chẽ, đảm bảo tất cả những yêu cầu tuyệt đối an toàn thực phẩm theo quy định của Quốc gia (Bộ Y tế Việt Nam). Vì thế không thể có hiện tượng nguyên liệu bị hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc được đưa vào sản xuất.

Còn về vấn đề dầu chiên, việc kiểm soát nhiệt độ chiên cũng được các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền tiến hành nghiên cứu, đưa ra giải pháp giữ nhiệt độ của dầu chiên ổn định và rút ngắn thời gian chiên mì. Đơn cử như tại Acecook Việt Nam, dầu chiên được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước có áp suất cao tới 9 bar và nhiệt độ của hơi nước đạt đến 180℃, nhờ đó dầu được đun nóng đến 160℃ - 165℃ trước khi đưa vào hệ thống chảo kín để chiên mì. Hệ thống cấp hơi nước bão hòa hoàn toàn được điều khiển tự động đảm bảo nhiệt độ của dầu trong chảo luôn ổn định ở mức 160℃ - 165℃.

Trong quá trình chiên, mỗi lượt mì đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút và làm hao hụt một lượng dầu nhất định. Do đó, dầu mới sẽ được bổ sung một cách đều đặn, liên tục thông qua hệ thống định lượng tự động, không để xảy ra tình trạng tái sử dụng dầu cũ. Đồng thời, dầu luôn được kiểm soát chỉ số oxy hóa theo TCVN và Codex để đảm bảo nằm trong giới hạn chất lượng cho phép (≤ 2mg KOH/gram dầu).


Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng dầu mới và kiểm soát nghiêm ngặt, các sản phẩm mì ăn liền của Acecook Việt Nam luôn có chỉ số AV < 1mg KOH/gram dầu.
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng dầu mới và kiểm soát nghiêm ngặt, các sản phẩm mì ăn liền của Acecook Việt Nam luôn có chỉ số AV < 1mg KOH/gram dầu.

Riêng về vấn đề transfat trong mì ăn liền, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết việc khống chế chất béo có hại này đã đạt được “bước ngoặt” khi một số nhà sản xuất thay đổi nguồn dầu chiên mì sang dầu thực vật dạng rắn. Loại dầu này được sản xuất từ dầu thuộc họ cây cọ - vốn gồm 2 phần dầu lỏng và dầu rắn. Khi được làm lạnh đến nhiệt độ nhất định, phần dầu rắn sẽ đông tụ lại còn phần dầu lỏng vẫn ở dạng lỏng. Dùng phương pháp ly tâm để tách 2 phần ra khỏi nhau và thu được dầu rắn. Ưu điểm của dầu cọ ở dạng rắn là chứa rất ít transfat nên giúp cho mì ăn liền tránh bị nhiễm transfat, đồng thời hàm lượng chất béo này trong sản phẩm bán ra thị trường luôn ở mức an toàn.

Người tiêu dùng cũng có thể yên tâm bởi theo công bố của Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng khu vực 3 (2016), một số sản phẩm mì ăn liền - như của Acecook Việt Nam - có hàm lượng transfat chỉ dao động từ 0,01-0,04g/khẩu phần, thấp hơn nhiều so với quy định 0,5g trên một khẩu phần ăn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Do đó sản phẩm được coi là không chứa transfat và được phép ghi nhãn là “0 gram transfat”. 


Để bảo vệ sức khỏe, cần tăng cường vận động và bổ sung nhiều loại thực phẩm khi sử dụng mì ăn liền để cân đối dinh dưỡng
Để bảo vệ sức khỏe, cần tăng cường vận động và bổ sung nhiều loại thực phẩm khi sử dụng mì ăn liền để cân đối dinh dưỡng

Thay vì lo lắng trước những tin đồn thiếu căn cứ, chuyên gia cũng khuyên người tiêu dùng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động hợp lý. Khi ăn mì gói nên bổ sung thêm rau xanh (rau muống, cải xanh, xà lách xoong, nấm rơm, rau thơm…); hải sản (tôm, mực, cua…); thịt (heo, bò, gà); cá, trứng… để tô mì gói thêm giàu dinh dưỡng và ngon miệng. Ngoài việc ăn uống đủ chất, cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện đều đặn mỗi ngày, tinh thần lạc quan mới chính là cách bảo vệ sức khỏe, tránh xa các nguy cơ bệnh tật trong đó có ung thư.