Mẹ vất vả làm thuê nuôi con 4 năm đại học và cái kết đau thắt lòng

16:36 20/08/2016

Vì gia đình nghèo, biết con mình phải thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa về mọi mặt, nên vợ chồng anh chị đã không ngại làm lụng vất vả, những mong cho con học thành tài để tương lai tươi sáng hơn, không lâm vào cảnh khốn khó như cha mẹ bây giờ. 

Vợ chồng chị Lựu có 3 người con, Phong là anh cả trong nhà. Dù gia đình khó khăn, nhưng anh chị quyết không cho con phải thất học. Từ rửa bát, lau dọn nhà, nạo vét cống đến bốc vác,… việc gì chị Lựu cũng làm, miễn sao có tiền nuôi các con. Dù ngày nắng ráo hay ngày mưa gió, chị đều ra khỏi nhà từ sáng sớm và về nhà lúc gần nửa đêm, khi vài ngọn đèn đường đã được tắt bớt đi. Không lúc nào mà người ta thấy chị ngơi tay.

Ngày Phong nhận giấy báo trúng tuyển đại học, chị Lựu đã bàn với chồng về việc mình sẽ lên Hà Nội làm để kiếm đủ tiền nuôi con học hết 4 năm đại học. Mặc cho chồng có chút ngăn cản, vì sau lần ngã giàn giáo 2 năm trước, sức khỏe của anh Thành (chồng chị Lựu) giảm sút đi rõ, chị lại trở thành trụ cột trong gia đình, vừa làm thêm, vừa lo việc ruộng nương, nhà cửa, nên khi chị bảo đi thì chồng chị có phần hơi ái ngại.

Mẹ vất vả làm thuê nuôi con 4 năm đại học và cái kết đau thắt lòng

Là phụ nữ nhưng bất kể việc gì chị cũng làm kể cả bốc vác thuê. (Ảnh: Internet)

Nhưng nếu chị không đi, chỉ dựa vào vài đồng lương làm mướn bấp bênh và mẫu ruộng cỏn con, e rằng không những con thất học mà nhà cũng chẳng đủ cơm ăn. Chị an ủi, động viên anh ở nhà làm được bao nhiêu thì làm, thay chị chăm sóc, bảo ban 2 đứa con út. Phần chị, lên Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội tìm việc hơn, chị sẽ cố gắng làm để nuôi Phong học đại học và gửi thêm tiền về phụ giúp anh đóng học phí cho các em của Phong.

Dù rất lo cho sức khỏe của vợ, sợ chị sẽ ham làm mà quên cả bản thân, nhưng vì chị Lựu đã quyết tâm cao nên anh Thành cũng không cản thêm nữa. Chị đưa Phong lên Hà Nội làm thủ tục nhập học, hai mẹ con chẳng có gì nhiều ngoài 2 túi đựng quần áo cùng ít vật dụng cá nhân. Thời gian đầu mới lên, chị Lựu chọn thuê một phòng trọ nhỏ ở khu trọ của dân lao động tự do. Tuy chỗ ở khá tối và ọp ẹp, nhưng chỉ có ở đây chị mới thuê được phòng giá rẻ như thế.

Hàng ngày, chị Lựu chỉ ăn vội bát cơm nguội rồi đi làm từ rất sớm. Nhưng Phong thì luôn được mẹ để sẵn gói mì và quả trứng cho bữa sáng, để có đủ chất mà học hành. Chị cũng dặn con là cứ đi học rồi về ăn cơm trước, đừng đợi mẹ, vì chị thường đi làm về lúc đã gần nửa đêm.

Mẹ vất vả làm thuê nuôi con 4 năm đại học và cái kết đau thắt lòng

Chị chẳng dám nghỉ ngày nào vì sợ không có tiền nuôi con. (Ảnh: Internet)

Ở đó không được bao lâu, thì Phong đề nghị mẹ cho cậu ra ở cùng bạn. Việc ở căn phòng trọ như hiện tại, như Phong nói là quá xa trường nên đi học mệt, hàng xóm ồn, mưa thì dột mà nắng thì nóng, khiến cậu không thể nào tập trung học, và đặc biệt là không dám... rủ bạn đến chơi.

Nghe Phong nói cũng có lí, phần vì thương con, chị Lựu đã đồng ý cho Phong chuyển về ở cùng bạn. Còn chị, chuyển sang ở cùng phòng mấy người cùng làm cho đỡ tiền nhà. Ngày dọn đồ chuyển phòng cho Phong, chị Lựu được con dặn trước là đừng nói với bạn của cậu rằng chị làm nghề bốc vác thuê mà hãy nói bán đồ ở chợ trời, vì Phong sợ... bị bạn khinh thường. Dù rất ngỡ ngàng, nhưng chị Lựu vẫn làm theo lời dặn của con trai, chị không muốn con bị mất mặt với bạn vì có người mẹ lao động chân tay vất vả.

Kể từ ngày ấy, Phong cũng chẳng về lại xóm trọ cũ. Khi cần tiền thì hẹn mẹ ra để lấy và cậu luôn nhắc đi nhắc lại rằng mẹ phải mặc bộ đồ tươm tất nhất, nếu không bạn bè nhìn thấy sẽ xầm xì, bàn tán. Điều này khiến chị Lựu đôi khi phải nặng lòng suy nghĩ nhiều. Nhưng việc quan trọng nhất bây giờ là chị phải lo làm việc để cho Phong học và gửi thêm tiền về quê cho 3 cha con trang trải cuộc sống. Chị làm mọi việc, chẳng dám nghỉ ngày nào, miễn là kiếm ra đồng tiền lương thiện.

Có lúc bị ốm, chị Lựu cũng chẳng dám nói với Phong, mà cậu cũng chẳng hề quan tâm xem sức khỏe mẹ thế nào. Chỉ khi hết tiền, thì mới nhớ đến rồi gọi mẹ mang tiền ra. Rồi 4 năm đại học cũng xong, Phong tốt nghiệp và được nhận vào công ty cậu đã từng thực tập với mức lương gần chục triệu. Vợ chồng chị Lựu mừng ra mặt, thầm nghĩ rằng sự vất vả và cố gắng của hai vợ chồng dành cho con bao năm qua thật xứng đáng. Phong ra trường, chị Lựu cũng về quê, phần nào trút được gánh nặng, vì tin rằng từ nay sẽ có Phong đỡ đần thêm cha mẹ nuôi em. Thế nhưng, gần nửa năm, vẫn chưa một lần Phong về nhà hay mua quà cho các em. Vợ chồng chị chỉ nghĩ đơn giản là con bận việc nên chắc Tết con sẽ về luôn.

Ngờ đâu, giáp Tết, chị Lựu không may trượt chân ngã rồi bị bao xi măng 50kg đè lên người khi đang bốc thuê cho người ta. Đứa em Phong gọi điện cho anh hai là mẹ bị tai nạn phải nằm viện mà nhà thì không có tiền để xoay sở. Nhưng Phong chẳng những tỏ ra bình thản mà còn vô cùng thờ ơ với sự an nguy sức khỏe của mẹ mình, chỉ đáp lại với đứa em vỏn vẹn vài câu rằng mình sẽ không về, cũng chẳng có tiền gửi về, mẹ khỏe lắm nên nằm viện vài hôm là khỏi.

Biết chuyện, anh Thành giận điếng người, đòi lên Hà Nội để cho đứa con bất hiếu một trận nhưng thương con, chị Lựu đã ngăn anh lại. Rồi tự an ủi cả mình và cả chồng là vợ chồng có nhau tuổi già là hạnh phúc rồi. Chị không trách không có nghĩa là người đời cũng không, người ta to nhỏ với nhau, sao mẹ gặp nạn phải nằm viện mà chẳng thấy con trai về. Anh chị nghe đâu đó con mình bị gọi là “đồ bất hiếu” nhưng biết làm sao được, sinh con ra, nuôi con lớn, anh chị hiểu muôn đời nước mắt vẫn chảy xuôi.