Băng keo cá nhân là vật dụng phổ biến đối với mọi nhà tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách.
Không phải vết thương nào cũng dán được
Mọi người thường cho rằng chỉ cần là vết thương ngoài da thì đều có thể dán băng keo cá nhân. Tuy nhiên, điều này không phải là hoàn toàn đúng.
Bản thân băng keo cá nhân vốn là dùng để bảo vệ vết thương, cầm máu tạm thời, tránh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên do nó không thể giảm sưng, lại bít khí nên chỉ thích hợp với những vết thương nhẹ ngoài da, những vết cắt không phải khâu chỉ hay chảy nhiều máu mà thôi.
Đối với những vết thương nghiêm trọng, vết bỏng, vết thương có mụn nước, vết thương có dị vật bên trong thì lại không nên dùng băng keo cá nhân, vì sẽ dễ khiến cho vết thương bị nặng hơn. Ngoài ra, với loại vết thương khi bị vật nuôi cào trúng, cắn trúng hay do côn trùng gây ra, cũng không thích hợp dùng băng keo cá nhân vì sẽ dễ khiến cho
vi khuẩn và chất độc trên miệng vết thương bị dồn ứ hoặc khuếch tán rộng đi. Với những loại vết thương này, sau khi được làm sạch, trừ khuẩn thì cần được để thông thoáng cho mau lành.
Không phải chỉ cần dán bừa là xong
Dùng băng keo cá nhân là việc vô cùng đơn giản, tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn cần lưu ý vài điều nho nhỏ như sau:
Trước khi dán, chúng ta cần làm sạch vết thương và kiểm tra kĩ càng xem nó có bị dị vật gì không, có thích hợp để dùng băng keo cá nhân không. Trong lúc dán, chúng ta cũng không được dán quá chặt để tránh cho việc vết thương bị bít khí, bị ẩm mà thành nhiễm khuẩn. Tốt nhất là bạn chỉ cần nhẹ nhàng dán vào là xong, đừng quá lỏng hay quá khít. Đồng thời, bạn cũng không nên dùng một cái băng keo cá nhân trong thời gian quá lâu mà nên thay sau 5,6 tiếng sử dụng. Ngoài ra, trong trường hợp trời nóng, ra mồ hôi nhiều hay chỗ dán bị dính nước cũng cần phải thay băng keo cá nhân mới ngay