Báo PetroTime đăng tải, việc đặt tên đệm của người Việt là "Văn" đối với nam và "Thị" đối với nữ hoàn toàn không phải là một quy tắc ngẫu nhiêu mà ẩn sau đó còn là những lý giải về văn hóa, từ ngữ rất thú vị trong lịch sử Việt Nam. Cùng khám phá về nguồn gốc của hai cái tên đệm quen thuộc này nhé.
Cha mẹ thường gửi gắm ước mong của mình qua việc đặt tên con. (Ảnh minh họa: Kinh Tế Đô Thị)
Chữ “Văn” trong tên đệm người đàn ông
Có rất nhiều cách lý giải về chữ “Văn” trong tên đệm của người đàn ông. Sau đây chúng ta cùng bàn đến hai cách giải thích phổ biến nhất:
- Tục xăm mình: Theo học giả An Chi (tác giả nhiều cuốn sách hay về từ ngữ tiếng Việt), chữ lót Văn trong tên của nam giới chính là chữ “văn” trong “văn thân” (tiếng Hán viết là 文身), nghĩa là xăm mình.
Tục xăm mình của người Việt cổ (Ảnh: Tri thức và Cuộc sống)
Sách Lĩnh Nam Chích Quái, phần viết về tộc Hồng Bàng (từ 2.000 - 3.000 năm trước) có viết:
“Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Nói rồi, vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Việt ta bắt đầu có kể từ đấy.
Đặc biệt thời Trần, hết thảy binh lính đều xăm hai chữ “Sát Thát” (Diệt giặc Tartar) trong thời kỳ kháng chiến chống Nguyên Mông, thể hiện sự quyết tâm đồng lòng chiến đấu, bảo vệ giang sơn của cha ông ta.
Những người xăm trổ thời ấy đều là đàn ông, họ là những chiến binh dũng cảm và can trường, xăm để thể hiện sức chịu đựng và chí hướng của mình, và ý nghĩa đó đã được đưa vào tên của họ. Về sau, chẳng cần có hình xăm thì bé trai vẫn thường được cha mẹ dùng chữ "Văn" làm tiếng lót khi đặt tên.
Các bé trai thường được bố mẹ đặt tên mang ý nghĩa mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: Báo Gia Đình)
- Văn thể hiện cho ước mơ về kiến thức và đỗ đạt, khoa cử dành cho phái nam
Theo một giả thuyết khác, từ “Văn” trong tên đệm này còn có hàm ý mong muốn đạt được công danh. Xã hội phong kiến chia làm bốn giai cấp chính: sĩ, công, nông, thương. Trong đó, sĩ được xếp ở vị trí đầu tiên, đây là giai cấp được xã hội trọng vọng. Và điều kiện để trở thành kẻ sĩ là họ phải có “văn”, tức là người có chữ nghĩa, văn chương.
Thời bấy giờ, chỉ có nam nhân mới được phép đi học, đi thi và làm quan trong triều đình phong kiến. Chữ "Văn" trong tên đệm nhằm nhấn mạnh rằng nam giới thường là những người có học. Có lẽ vì ý nghĩa này mà các bậc cha mẹ khi sinh được con trai thường đặt chữ "Văn" làm tên đệm để thể hiện ước mơ muốn con cái được công thành, danh toại, sự nghiệp học hành được suôn sẻ thuận lợi.
Ước mơ khoa cử của người Việt Nam xưa. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)
Chữ “Thị” trong tên đệm người phụ nữ
Cũng theo học giả An Chi, “Thị” là một từ Việt gốc Hán có tự dạng là 氏, nghĩa là phụ nữ. Trong hai cuốn từ điển Học Sinh Từ Nguyên và Học sinh Từ Hải nổi tiếng của Trung Quốc, nghĩa của từ này được ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi thị). Bên cạnh đó, "Thị" còn là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng.
Chữ thị ngày xưa vốn có nghĩa là phụ nữ. (Ảnh: Noron)
Ngoài ra, từ "Thị" còn có sự chuyển nghĩa theo thời gian. Trong tiếng Hán, từ này thường chỉ được đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô. Ví dụ, một người phụ nữ được gọi là Triệu Vương Thị, có nghĩa là người đàn bà có họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu.
Tuy nhiên, người Việt xưa không làm theo cách trên của người Trung Hoa mà chỉ đặt “Thị” sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của người phụ nữ theo cấu trúc “X Thị Y”, hiểu là người phụ nữ này có họ X tên Y.
Ví dụ: Nguyễn Thị Lan, có nghĩa là người phụ nữ họ Nguyễn, tên Lan; Hoàng Thị Mai là người phụ nữ họ Hoàng, tên Mai.
Qua thời gian, người ta bắt đầu nhầm tưởng rằng đây là một tên đệm và dùng để đặt cho cả những bé gái mới chào đời, mà không biết rằng chữ “Thị” vốn để chỉ dành để gọi người con gái đã trưởng thành và ban đầu không hề được dùng đặt cho tên họ.
Thực tế, còn rất nhiều từ ngữ trong tiếng Việt ngày nay có ý nghĩa ban đầu hết sức thú vị. Tìm hiểu về những từ ngữ này cũng chính là một cách để hiểu và biết thêm về lịch sử lâu đời, văn hóa truyền thống giàu có và phong phú của dân tộc Việt Nam ta.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN NGƯỜI VIỆT THƯỜNG ỨNG DỤNG TRONG VIỆC ĐẶ T TÊN CHO CON
Ngày nay, khi đặt tên cho con, người Việt thường chú ý đến một số nguyên tắc cơ bản như sau:
- Không nên đặt tên trùng với những người trong cùng dòng họ, nhất là những người có mối quan hệ ba đời .
- Đặt tên để người khác gọi, chính vì thế tránh đặt những cái tên thô tục.
- Tránh họ và tên cùng vần, cùng chữ để dễ gọi.
- Tránh đặt những cái tên khiến cho khó phân biệt giữa nam và nữ.
- Hiện nay người ta có xu hướng chọn cho con cái những cái tên nghe có âm điệu hay, mang nhiều ý nghĩa đẹp đẽ, gửi gắm mong muốn, tình cảm của bố mẹ dành cho con cái.
Xem thêm những quy định về đặt tên cho con theo pháp luật tại đây.