Luyện tiếng Anh bằng cách “săn Tây”, không khéo làm phiền sự riêng tư

20:30 28/09/2023

Đối với các bạn trẻ đang học tiếng Anh cụm từ “săn Tây” đã không còn xa lạ. Nó thậm chí trở thành hoạt động không thể thiếu của một số trung tâm dạy tiếng Anh mỗi dịp cuối tuần. Các bạn trẻ sẽ đến khu vực tập trung nhiều người nước ngoài như: phố đi bộ, bảo tàng, trung tâm thương mại, sân bay,... Khi gặp người nước ngoài sẽ lập tức tiến đến bắt chuyện để luyện kỹ năng giao tiếp. 

 
Có thể bắt gặp hàng loạt bạn trẻ vây kín người nước ngoài trên phố đi bộ. (Ảnh: Thanh niên)
Có thể bắt gặp hàng loạt bạn trẻ vây kín người nước ngoài trên phố đi bộ. (Ảnh: Thanh niên)

Học tiếng Anh bằng cách “săn Tây”

Địa điểm tập trung các nhóm bạn trẻ “săn Tây” nhiều nhất phải kể đến phố đi bộ đông đúc, chúng ta có thể bắt gặp hàng tá người nháo nhác tìm du khách nước ngoài bắt chuyện. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ vốn tiếng Anh để giao tiếp thành thạo. Hầu hết các bạn trẻ chỉ hỏi những câu cơ bản như: "Bạn tên là gì", "Có vợ/chồng chưa", "Bạn đến từ đâu", “Bạn làm công việc gì”, “Nhà bạn có mấy người”,... Đó đều là những câu hỏi hết sức riêng tư không phải ai cũng có thể thoải mái chia sẻ với người lạ.

 
Các bạn trẻ thường đi theo nhóm, có người mang theo cả vở để ghi chép. (Ảnh: VnExpress)
Các bạn trẻ thường đi theo nhóm, có người mang theo cả vở để ghi chép. (Ảnh: VnExpress)

Tôi có một cô em họ đang luyện thi IELTS tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội. Ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần trung tâm thường tổ chức cho các lớp đi “săn Tây” trên phố đi bộ. Mỗi lớp sẽ được chia ra thành từ nhóm 3-5 bạn đi cùng nhau. Chia sẻ về trải nghiệm đi “săn Tây” em họ tôi kể lại:

“Mỗi khi thấy một người nước ngoài cả nhóm cười như được mùa. Một trong ba người sẽ kéo họ lại để hỏi. Nhưng lúc đấy bọn em cũng chẳng nhớ gì toàn nói mấy câu cơ bản thôi. Xong nhiều khi người ta nói giọng bản xứ mình cũng không dịch được. Thế rồi mấy đứa lại hích hích tay nhau đùn đẩy người còn lại hỏi đi. Cũng có người hào hứng trả lời nhưng cũng nhiều người tỏ ra không thích và xua tay. Một hai lần đầu đi em thấy cũng hay hay chứ đi nhiều quá mình cũng ngại vì làm phiền người ta”.

 
Một số bạn cũng cảm thấy làm phiền khách nước ngoài nhưng vì là hoạt động tập thể nên vẫn tham gia. (Ảnh: Thanh niên)
Một số bạn cũng cảm thấy làm phiền khách nước ngoài nhưng vì là hoạt động tập thể nên vẫn tham gia. (Ảnh: Thanh niên)

Không chỉ vậy, không phải người nước ngoài nào tiếng Anh cũng là tiếng mẹ đẻ. Có rất nhiều người Pháp, Ý, Đức,... họ không thực sự quá thông thạo tiếng Anh. Chính vì thế, khi bị kéo lại nói chuyện nhiều người tỏ vẻ ngại ngùng. 

 
Không phải ai cũng thoải mái khi trò chuyện với người lạ. (Ảnh: Thanh niên)
Không phải ai cũng thoải mái khi trò chuyện với người lạ. (Ảnh: Thanh niên)

Không khéo léo sẽ thành kém duyên, làm phiền

Trên thực tế để luyện phản xạ nghe và giao tiếp có rất nhiều cách hiệu quả hơn việc đi "săn Tây". Hiện nay, có rất nhiều trung tâm tiếng Anh có giảng viên là người bản xứ. Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh hoặc những tổ chức có người nước ngoài. Đơn giản hơn bạn có thể học trên các trang web, ứng dụng. Nghe nhạc, xem phim cũng là cách học hiệu quả. Rõ ràng đây đều là những phương pháp học có thể tiết kiệm thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc đi săn Tây nhưng nhiều người lại bỏ qua. 

 
Có rất nhiều cách luyện giao tiếp thay vì làm phiền những người xa lạ. (Ảnh: Thanh niên)
Có rất nhiều cách luyện giao tiếp thay vì làm phiền những người xa lạ. (Ảnh: Thanh niên)

Đổi lại là bạn khi ra nước ngoài du lịch cũng bị nhiều người xa lạ gọi lại bắt chuyện bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Tâm lý đầu tiên hẳn cũng không thoải mái. Hơn nữa với những người lạ cũng chẳng ai muốn chia sẻ các thông tin cá nhân. Chưa kể, bị kéo lại bắt chuyện tới 2, 3 lần chắc chắn sẽ khiến người nước ngoài cảm thấy phiền phức. 

Những bài đăng bàn luận về chủ đề này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm. Không ít độc giả đồng tình với ý kiến không nên học bằng cách đi “săn Tây”. Việc đó không những không có hiệu quả mà có thể làm bạn giao tiếp càng sai hơn.

 
Luyện giao tiếp theo cách như vậy chưa chắc đã cải thiện vốn tiếng Anh. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Luyện giao tiếp theo cách như vậy chưa chắc đã cải thiện vốn tiếng Anh. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tài khoản V.M bình luận: “Muốn luyện tiếng anh thì luyện nghe phim, đọc sách, hoặc tham gia mấy khóa học câu lạc bộ tiếng anh free cũng có luôn vì mình sai có người sửa. Chứ ra ngoài gặp đại rồi nói một hồi trớt quớt càng sai thêm vì cái người bạn vơ đại đâu có trình độ sư phạm đâu.”

Cũng cùng quan điểm này, tài khoản L.V.N bày tỏ: “Chủ quán mình là người Bồ Đào Nha, ở Việt Nam 12 năm rồi và biết tiếng anh, tiếng việt. Mỗi lần ổng lên Hoàn Kiếm đi ăn hoặc đi chill là tụi nó bám ổng khiến ổng phát rồ lên lịch sự từ chối không được ổng phải kêu tiếng Việt tụi nó mới tha.”

 
Nhiều người phản đối việc "săn Tây" học tiếng Anh một cách vô tội vạ. (Ảnh: Chụp màn hình FB K.L/Group K.T) 
Nhiều người phản đối việc "săn Tây" học tiếng Anh một cách vô tội vạ. (Ảnh: Chụp màn hình FB K.L/Group K.T) 

Ngay cả những người đồng ý trò chuyện cũng chưa chắc họ đã thấy vui vì điều đó. Đơn giản vì phép lịch sự và để tránh rắc rối thì họ sẽ trả lời cho xong. Chính vì thế, đừng để việc học của mình làm phiền tới sự riêng tư của người khác.

 
Ai cũng có sự riêng tư cần tôn trọng, muốn luyện giao tiếp tiếng Anh cần có sự tế nhị hơn. (Ảnh: Thanh niên)
Ai cũng có sự riêng tư cần tôn trọng, muốn luyện giao tiếp tiếng Anh cần có sự tế nhị hơn. (Ảnh: Thanh niên)

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới.

Tiếng Anh là một ngôn ngữ phổ biến trên thế giới và ngày càng được chú trọng ở Việt Nam. Rất nhiều bạn trẻ không ngần ngại chi số tiền khủng để học tiếng Anh. Thậm chí phải luyện thi IELTS bằng mọi giá. Từ đây cũng có vô số cách học tiếng Anh mới lạ ra đời. Trong đó có việc đi “săn Tây” để luyện giao tiếp. Tuy nhiên, ai cũng cần có sự riêng tư và mỗi người cần tôn trọng điều đó.